Một số di tích Chăm Pa đang bị xuống cấp
Di tích Thành Lồi là một trong những di tích Chăm Pa hiếm hoi còn sót lại trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế. Di tích này tọa lạc trên địa bàn 2 phường Thủy Xuân và Thủy Biều (TP Huế), cách trung tâm thành phố khoảng 7km về hướng Tây.
Theo “Đại Nam Nhất thống chí”, Thành Lồi là chỗ ở của vua Chiêm Thành, còn gọi là Phật Thệ. Thành được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ V-VI (cùng niên đại thành Trà Kiệu) trên khu đồi Long Thọ, có dạng gần vuông, kết cấu lũy thành được đắp bởi 2 lớp đất, kè đá và gạch.
Cuối tháng 12/2014, di tích Thành Lồi được Bộ VH,TT&DL công nhận là di tích cấp Quốc gia. Trước đó, từ năm 1993, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã ban hành Quyết định số 1046-QĐ/UB về việc bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn toàn tỉnh và Thành Lồi được xếp vị trí thứ 1 trong số 153 di tích, thắng cảnh cần được bảo vệ. Thế nhưng nhiều năm qua, di tích Thành Lồi chưa được quan tâm và bảo vệ đúng mực với giá trị và ý nghĩa lịch sử mà nó vốn có.
Di tích tháp đôi Liễu Cốc sụp đổ không còn nguyên dạng, cây cối và cỏ dại bao quanh. |
Một di tích khác mang đậm nét đặc trưng của văn hóa Chăm Pa là tháp đôi Liễu Cốc ở xóm Tháp, thôn Liễu Cốc Thượng (phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà). Theo các nhà nghiên cứu, tháp đôi này được xây dựng gần nhau trên 2 trục song song hướng Đông- Tây, trong đó tháp lớn được lát, bó vỉa bằng gạch, tường tháp dày 1,6m, diện tích lòng tháp trên 9m²; riêng tháp nhỏ khoảng 7,5m². Tháng 9/1997, di tích tháp đôi Liễu Cốc được Bộ VHTT (nay là Bộ VH,TT&DL) công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Tuy nhiên, từ đó đến nay, di tích tháp đôi cũng rơi vào quên lãng và thiếu các phương án bảo tồn...
Ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh Thừa Thiên- Huế (đơn vị trực tiếp quản lý các di tích Chăm) cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 150 di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng. Trong đó chỉ có 3 di tích Chăm được công nhận là di tích Quốc gia, gồm di tích Thành Lồi, tháp đôi Liễu Cốc và di tích tháp Chăm ở xã Phú Diên, huyện Phú Vang.
Ông Hùng nhận định: Di sản văn hóa Chăm trên đất Huế chính là một phần của di sản văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, do các di tích Chăm tồn tại từ thời cổ xưa nên đến nay đã bị xuống cấp, mai một đi nhiều so với những di tích Chăm ở các tỉnh như Ninh Thuận và Khánh Hòa. Đặc biệt, trong 3 di tích Chăm được công nhận thì chỉ có tháp Chăm ở xã Phú Diên được bảo vệ nguyên vẹn. Trong khi đó, di tích tháp đôi Liễu Cốc đã bị sụp đổ, công tác bảo tồn hết sức khó khăn, di tích Thành Lồi cũng trong tình trạng tương tự.