Một ngày làm việc của Giáo sư Vũ Khiêu
Mỗi ngày, Giáo sư Vũ Khiêu chỉ ngủ khoảng 4 – 5 giờ. Buổi sáng, ông thường thức dậy vào lúc 5 giờ. Ông ngồi thiền chừng 15 phút, rồi đi dạo quanh nhà để tận hưởng không khí trong lành của mỗi sớm mai. Sau khi tắm buổi sáng rồi ăn nhẹ, ông bắt đầu một ngày làm việc.
Đúng 8h30, Giáo sư Vũ Khiêu hội ý công việc với Ban thư ký gồm 2 thạc sĩ đang làm nghiên cứu sinh và 4 cử nhân chuẩn bị bảo vệ luận văn thạc sĩ. Sau khi trao đổi công việc cụ thể với từng nhân viên, ông ngồi biên soạn các công trình đang làm dở và đọc duyệt các bản thảo của các thư ký.
Bước vào tuổi bách niên, Giáo sư Vũ Khiêu vẫn thông tuệ và cần mẫn làm việc. |
Ngày nào, văn phòng của Giáo sư Vũ Khiêu cũng bộn bề công việc, nhưng lịch làm việc của ông rất rõ ràng. Ông yêu cầu thư ký ghi rõ giờ phút cho từng cuộc hẹn trên cuốn lịch lớn ở ngay giữa bàn làm việc. Ông cũng sắp xếp và ghi rõ các công việc cần làm trước, làm sau trong cuốn sổ tay.
Sau bữa cơm trưa, Giáo sư Vũ Khiêu rất hiếm khi chợp mắt. Ông thường ngả người trên chiếc ghế sofa hoặc nằm trên giường đọc báo. Mỗi trưa, ông đều đọc trên 10 tờ báo được gửi tới hằng ngày và nhiều bản tin tham khảo.
Buổi chiều là thời gian ông dành cho tiếp khách. Người ta thường nghĩ ông chỉ có những ông bạn già đến nói chuyện “trà dư tửu hậu” cho đỡ buồn. Nhưng không phải thế. Các đoàn khách và bè bạn đến thăm ông rất đông. Mỗi buổi chiều, ông đón tiếp khoảng 5 đoàn khách. Mỗi đoàn thường chỉ xin gặp ông được mươi, mười lăm phút. Có khi, ông còn tiếp cùng lúc 2, 3 đoàn khách. Mọi người đến trước hết là để thăm hỏi sức khỏe ông, nhưng chủ yếu là tham khảo và xin ý kiến của ông về rất nhiều vấn đề xã hội, khoa học và văn học.
Buổi tối, sau khi ăn cơm và trò chuyện cùng con cháu trong gia đình, ông còn xem thời sự, đọc cập nhật tin tức mới trên mạng về tình hình kinh tế, chính trị trong và ngoài nước. Nhưng một ngày làm việc của ông già bách niên vẫn chưa kết thúc. Ông còn lặng lẽ ngồi làm việc bên những trang sách rất khuya. Nhiều hôm ông thức đến 12 giờ, có khi đến 1, 2 giờ đêm mới đi ngủ. Ông chỉ ngủ được vài tiếng. Ông ngủ ít không phải vì tuổi tác đã cao không ngủ được mà chính vì ông không được ngủ trước bao nhiêu công việc. Trên chiếc bàn nhỏ cạnh giường ngủ của ông bao giờ cũng để sẵn cây bút và tập bản thảo để ông sửa chữa. Điều đặc biệt nhất là ông thường “soạn” các bản thảo trong đầu, để sáng hôm sau đọc lại cho thư ký ghi chép và đánh máy.
Với tinh thần làm việc hăng say, đầy nhiệt huyết, Giáo sư Vũ Khiêu đã có nhiều đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp phát triển văn hóa nước nhà. Trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Giáo sư Vũ Khiêu đã được Thành ủy và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao trọng trách làm Chủ tịch Hội đồng tư vấn Khoa học của Dự án Tủ sách Ngàn năm Thăng Long. Tủ sách thực sự là một công trình đồ sộ chưa từng có với 134 đầu sách, mỗi cuốn đều trên 1000 trang, bao gồm tất cả các lĩnh vực: lịch sử, địa lý, kinh tế, văn hóa – xã hội, văn học – nghệ thuật,… Giáo sư Vũ Khiêu đã đọc từng bản thảo, trực tiếp góp ý kiến và viết lời giới thiệu cho nhiều cuốn sách trong dự án. Ông cũng đã đích thân chủ biên cuốn Bách khoa thư Hà Nội gồm 12 tập, cuốn Danh Nhân Hà Nội gần 1000 trang, và đặc biệt nhất là bộ Tổng tập Ngàn năm Văn hiến Thăng Long, gồm 4 quyển, nặng tới 27 kg.
Trong năm vừa qua, với tình cảm yêu kính và sự ngưỡng mộ vô bờ bến với vị lãnh tụ của toàn dân tộc, Giáo sư Vũ Khiêu đã hoàn thành 2 công trình nghiên cứu công phu, có ý nghĩa lớn về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là hai cuốn sách: Hồ Chí Minh - Ngôi sao sáng mãi trên bầu trời Việt Nam và Học tập đạo đức Bác Hồ. Sắp tới, trong dịp kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô, Giáo sư – Anh hùng Lao động Vũ Khiêu sẽ chính thức cho ra mắt và phát hành bộ sách Văn hiến Thăng Long gồm 3 tập, với hơn 2400 trang. Dự kiến trong thời gian tới, ông sẽ tái bản nhiều tác phẩm như cuốn Đẹp, Anh hùng và Nghệ sĩ, Người tri thức Việt Nam trên các chặng đường lịch sử…
Trước tấm gương làm việc không mệt mỏi với một cường độ và hiệu quả cao, tất cả chị em trong ban thư ký chúng tôi đều như bị cuốn hút theo sức làm việc của ông. Đối với chúng tôi, Giáo sư Vũ Khiêu là người ông, người thầy, người thủ trưởng vô cùng đáng kính. Chúng tôi luôn cùng nhau tranh thủ từng chút thời gian, luôn cố gắng phấn đấu để hoàn thành tốt các công việc được giao. Tháng 9 năm nay, nhân dịp Giáo sư thượng thọ 100 tuổi, chúng tôi tự đáy lòng chúc ông luôn luôn mạnh khỏe, luôn luôn sáng tạo cho nghiên cứu khoa học và chỉ bảo cho chúng tôi nhiều hơn nữa