Một khoảng lặng chiều cuối năm với vợ nhà thơ Quang Dũng

Chủ Nhật, 28/12/2008, 17:55
Theo chỉ đạo của Thiếu tướng - nhà văn Hữu Ước, nhà thơ Hồng Thanh Quang, Phó tổng Biên tập Báo CAND đã dẫn đầu đoàn chúng tôi có mặt tại ngôi nhà tuổi vàng nơi có bà Bùi Thị Thạch, vợ của nhà thơ Quang Dũng đang nương náu những năm tháng cuối đời để thay mặt Báo trao tặng cụ 10 triệu đồng nhân dịp Tết Kỷ Sửu.
>> Người đi Tây Tiến ai còn lại

Cuối năm, một đợt gió mùa đông bắc sau lễ Noel đi cùng với mưa dầm rả rích làm cho Hà Nội giữa tiết đông chí như lạnh hơn rất nhiều. Tết Kỷ Sửu đang đến gần, cảm giác của những ngày cuối năm chợt trở về trong mỗi một người con đang làm ăn tha phương xa xứ nhớ về quê hương bản quán, quê cha đất tổ. Cũng chính trong khoảnh khắc này, cảm giác sum họp đoàn tụ trong gia đình trở nên hiện hữu trong mỗi trái tim con người rõ rệt hơn bao giờ hết.

Từ sau ngày phát hiện ra cụ Thạch, vợ của nhà thơ Quang Dũng còn sống, chúng tôi đã ý định sẽ gác mọi công việc bận rộn cuối năm dành lấy một khoảnh khắc thanh thản hiếm hoi của công việc làm báo để đến thăm cụ.

Chỉ sau khi Báo ANTG Cuối tháng phát hành, theo chỉ đạo của Thiếu tướng - nhà văn Hữu Ước, nhà thơ Hồng Thanh Quang, Phó tổng Biên tập Báo CAND đã dẫn đầu đoàn chúng tôi có mặt tại ngôi nhà tuổi vàng nơi có bà Bùi Thị Thạch, vợ của nhà thơ Quang Dũng đang nương náu những năm tháng cuối đời để thay mặt Báo trao tặng cụ 10 triệu đồng nhân dịp Tết Kỷ Sửu.

Chị Bùi Phương Thảo, con gái út của cụ Thạch và nhà thơ Tây Tiến Quang Dũng đón chúng tôi ngay tại tòa soạn báo để dẫn đường. Ngôi nhà tuổi vàng là một căn nhà nhỏ xinh 4 tầng ở khu Linh Đàm. Cảnh quan nơi đây thật đẹp, ngôi nhà ẩn mình trong lối đi rợp bóng cây, phía trước sau lưng là quần thể hồ Linh Đàm tự nhiên trải rộng mênh mông cây xanh và mặt nước.

Chị Bùi Phương Thảo, con gái nhà thơ Quang Dũng và mẹ (Ảnh: Minh Trí).

Chị Lê Tiểu Bình, chủ nhân của ngôi nhà tuổi vàng là một người phụ nữ đã đứng tuổi, gương mặt hằn lên nét truân chuyên vất vả của kiếp người không ít lận đận long đong. Dù vậy, nụ cười lúc nào cũng thường trực trên môi chị, và đôi mắt ánh lên những tia sáng ấm áp của tấm lòng bao dung nhân ái.

Tại ngôi nhà này, chị nhận trên dưới 15 người, toàn là những số phận hoàn cảnh éo le, tuổi già, ốm đau và bệnh tật lâu ngày, gia đình không có điều kiện trực tiếp chăm sóc, nên mang đến ngôi nhà của chị để gửi. Thật ra, mô hình của nhà tuổi vàng cũng giống như một nhà trẻ tư nhân nhưng ở đây, đối tượng được chăm nom, săn sóc là những người già cả, thêm một lần làm trẻ con trong đời người để trước khi giã biệt cõi sống.

Chị Bình vừa trông nom các cụ, các ông các bà, các chị, vừa săn sóc sức khỏe và bệnh tật cho họ. Những người có điều kiện, được gia đình gửi vào đây chị nhận đã đành, nhưng có những người hoàn cảnh đáng thương, không nơi nương tựa ít nhiều chị cũng cưu mang giúp đỡ. Chị chỉ nhận những hoàn cảnh thật đặc biệt, âu cũng là nương tựa vào nhau, chia sẻ để vơi đi những bất hạnh.

Cụ Thạch ở giữa những người bạn tuổi vàng, ngơ ngẩn và u ơ với nhau những câu chuyện không đầu không cuối, không ai hiểu nổi. Người nói và người nghe vẫn cứ ríu ra ríu rít, nhưng chưa chắc đã có ai trong số các cụ hiểu được câu chuyện các cụ đang nói với nhau. Ấy thế mà chuyện nào kể xong cũng cười vui.

Cụ Thạch năm nay đã 88 tuổi, trước khi đến nhà Tuổi vàng, cụ bị suy tim, gãy xương đùi không thể đi lại được, trí nhớ thì hầu như đã lãng du đâu đó quên quên nhớ nhớ. Trước khi vào đây, các con cụ, chị Thảo, anh Thuận, anh Vĩnh đã phải nói dối cụ đây là ngôi nhà các con mua cho cụ, cụ mới chịu ở. Thế nhưng ở được hơn tháng, sức khoẻ bắt đầu hồi phục dần, cụ nhớ chị Thảo, nhớ các con, cụ Thạch lần mò nhờ chị Bình gọi điện thoại cho con gái.

Khi nhà thơ Hồng Thanh Quang đến thăm, cụ Thạch cười rõ tươi. Cụ nắm mãi bàn tay của nhà thơ Hồng Thanh Quang, lắc lỏm, "người đâu mà cao to giống như tây nhỉ". Chị Phương Thảo đùa cụ, nhà thơ Hồng Thanh Quang là đồng nghiệp của ông Quang Dũng, cụ Thạch lại cười.

Cụ cầm tay nhà thơ Hồng Thanh Quang rồi nói như mắc lỗi: "Bạn ông Dũng à, ở thời nào chứ, phải từ từ thôi tôi mới nhớ được nhé". Cụ Thạch hay chuyện, cứ thế cười nói líu ríu. Nhà thơ Hồng Thanh Quang đã lâu mới có một khoảnh khắc đắm mình giữa những cảm xúc da diết.

Vu lan này và còn nhiều nhiều năm nữa nhà thơ Hồng Thanh Quang vẫn trọn vẹn diễm phúc của người con được cài lên ngực những bông hồng đỏ thắm mùa báo hiếu. Bởi vậy, trong giây phút ưu tư này, nhìn cụ Thạch nói cười vu vơ, nhà thơ Hồng Thanh Quang cứ để yên bàn tay của mình trong bàn tay nhỏ bé và run rẩy của cụ Thạch, đôi mắt nhà thơ thoáng ướt sau cặp kính cận.

Chúng tôi ngồi lại ngôi nhà tuổi vàng độ một vài tiếng. Hỏi thăm và chia sẻ những phận người nơi đây. Cạnh giường của cụ Thạch là bà cụ được các cháu chắt gửi từ miền Nam ra. Sống lâu, sống thọ hơn chồng và các con của chồng cũng là một tội nợ khi giờ đây bên cạnh bà không còn người ruột thịt.

Bà không sinh nở được mụn con nào, rồi đến lượt các con chồng của bà cũng về đất xa trời, chỉ còn lại cháu chắt. Trí nhớ của bà đã thuộc người cõi âm nhưng thể xác vẫn vương vấn ở cõi dương trong những khoảng khắc hư hư thực thực.

Kế bên là cụ ông đã có mặt ở nhà tuổi vàng gần 3 năm nay. Suốt trong 3 năm qua, chị Bình chủ nhà chưa hề một lần thấy gia đình vợ hay con của ông đến đây qua lại thăm hỏi ông. Ông đến với một cái sổ lương hưu, và từ đó, không bao giờ ông đi ra ngoài khỏi bốn bức tường nhà.

Còn ở tầng dưới là người phụ nữ nom còn trẻ, chỉ mới ngoài 40 tuổi. Chị vào đây bởi căn bệnh tâm thần do trầm cảm quá mức. Chỉ vì nhà đã có 3 cô con gái, gia đình chồng lúc nào cũng đòi hỏi chị phải sinh con trai. Không chịu đựng được áp lực, chồng chị lại đòi ly dị để cưới vợ khác sinh bằng được con trai, chị bị trầm cảm, ức chế sinh ra bị bệnh tâm thần.

Nỗi bất hạnh không một ai giống ai, những người có mặt ở ngôi nhà tuổi vàng này dù là người cô đơn không nơi nương tựa, hay người con cháu đầy đủ sum suê song vì hoàn cảnh này, hoàn cảnh khó khăn không trực tiếp chăm sóc cha mẹ được đều có thể chia sẻ cho nhau được tình tương thân tương ái. Tìm thấy ở nhau niềm vui, niềm hạnh phúc và niềm lạc quan vui sống.

Chẳng thế mà từ chỗ sức khoẻ gần như suy kiệt, chỉ nằm được một chỗ, đến nay bà cụ Thạch đã ngồi dậy được, đã cười nói và chăm chỉ ngó ra bên ngoài cửa sổ nhìn xuống phía dòng người đang cuồn cuộn ngược xuôi.

Một khoảnh khắc thanh thản hiếm hoi trong quỹ thời gian chật hẹp và bận rộn, chị Bùi Phương Thảo, con gái út của nhà thơ Quang Dũng đã kịp đọc tặng nhà thơ Hồng Thanh Quang và tất cả chúng tôi trên đường trở về toà soạn bài thơ chị viết tặng mẹ.

Trong tiết lạnh đông hàn của những ngày Tết cận kề, bài thơ vang lên như một tiếng gọi quay quắt trong lồng ngực: "Đêm trăng non". "Con ở tập thể, nhà rất chật/ Cheo leo cuối gác tràn mưa nắng/ Hè sang phượng nở rực tán hoa/ Theo gió đu đưa ngọn la đà/ Mẹ đến thăm con leo ba tầng gác/ Vẹo vọ tay vịn mấy chục bậc thang/ Ở lại đôi ngày quen hơi bà cháu/ Bữa mẹ đi chan chứa nhớ trong lòng/ Mái đầu bạc phơ, rối bời ánh mắt/ Con đến chơi cất tiếng mới nhận ra/ u ơ câu chuyện, âm dương lẫn lộn/ Tay nắm tay quyến luyến lúc con về/ Mới qua rằm trăng lại non đầu tháng/ Vừa đấy thôi đêm đã lại ngày/ Lá khô vỡ giòn lối sỏi/ Phút giao thừa chầm chậm chút thu ơi"

.
.
.