Một Nguyễn Trãi trung trinh trong "Oan khuất một thời"

Thứ Sáu, 06/03/2009, 09:42
Vụ án Lệ Chi viên đã được lưu lại trong sử sách, và thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật. Mối nhân duyên của Nguyễn Trãi và Thị Lộ cũng là thiên tình sử mà người đời say sưa tán tụng, ngưỡng mộ. Đấy chính là những chất liệu ngồn ngộn cho tác giả - NSƯT Lê Chức chắp bút nên kịch bản "Oan khuất một thời".

Năm 1464, 22 năm sau ngày xảy ra vụ án Lệ Chi viên, Hoàng tử Lê Tư Thành lúc này đã ngồi ở ngôi cao, cùng mẹ, Thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao lập đàn cầu siêu, giải oan cho Nguyễn Trãi. Dẫu Lê Thánh Tông có hết lời tụng ca công đức và tài năng của quan Gián nghị đại phu: "Ức Trai tâm thượng quang Khuê Tảo", thì cũng chẳng khiến thời gian quay ngược trở lại, và khó lòng làm dịu đi được nỗi đau của cả một dòng họ.

Nhưng, để tránh những "vết nhơ" tương tự trong lịch sử, cũng như không cho kẻ ác có cơ hội toan tính điều xấu, chính là trách nhiệm đặt ra cho thời hiện tại, theo lời đức vua Lê Thánh Tông tự vấn…

Trọn vẹn tác phẩm vừa công diễn của Nhà hát Chèo Hà Nội "Oan khuất một thời" xoay quanh thông điệp muôn thuở ấy. Một lát cắt bỏng rát của lịch sử đã được đạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang sắp đặt lại bằng phong cách quen thuộc, dễ nhận diện: Đông đúc, hình ảnh đẹp, sinh động mảng miếng và… hơi dài.

Ông vua trẻ Lê Thái Tông dù có tài trị nước, nhưng lại đam mê tửu sắc, để cho hậu cung rối ren dưới sự lũng đoạn của thứ phi Nguyễn Thị Anh. Tham vọng quyền lực khiến Nguyễn Thị Anh dùng mọi thủ đoạn chiếm đoạt ngôi báu về cho con trai mình, Hoàng tử Lê Bang Cơ…

Uyên bác, thanh tao, chính trực, vợ chồng quan Gián nghị đại phu Nguyễn Trãi và Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ trở thành cái gai nhức nhối trên bước đường hiện thực hóa những mưu đồ đen tối của phe cánh Nguyễn Thị Anh.

Không chịu nổi chốn triều đình ngày một dâm ô, ngột ngạt, vợ chồng Nguyễn Trãi cáo quan về ở ẩn tại Côn Sơn, Chí Linh, nơi có "suối nước trong", "đá rêu phơi" và những người dân chân chất, hồn nhiên, chăm chỉ, đầy nghĩa khí. Dù Nguyễn Trãi đã ở cách xa cung đình đến thế, nhưng Nguyễn Thị Anh vẫn chưa yên tâm khi người quân tử còn tồn tại trên cõi đời này.

Cơ hội ngàn năm có một đã đến, vua Lê Thái Tông đi kinh lý vùng Đông Bắc, ghé vào Côn Sơn thăm hưu quan và cũng là thầy dậy học của mình. Khi lên thuyền trở về kinh đô, Lê Thái Tông đòi Nguyễn Thị Lộ theo hầu. Trong cái đêm định mệnh đã làm nên nghi án đầy dấu hỏi của lịch sử, Lê Thái Tông say rượu và bất ngờ băng hà. Không một phút giây chậm trễ, Nguyễn Thị Anh và đồng đảng của bà đã khép cho Thị Lộ tội mưu sát nhà vua theo lệnh Nguyễn Trãi. Án “chu di tam tộc" giáng xuống cả một dòng họ, trở thành bi kịch oan khuất lớn vào bậc nhất của các triều đại phong kiến Việt Nam.

Vụ án Lệ Chi viên đã được lưu lại trong sử sách, và thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật. Mối nhân duyên của Nguyễn Trãi và Thị Lộ cũng là thiên tình sử mà người đời say sưa tán tụng, ngưỡng mộ. Đấy chính là những chất liệu ngồn ngộn cho tác giả - NSƯT Lê Chức chắp bút nên kịch bản "Oan khuất một thời". Nhưng cũng sẽ khó tạo ra sự khác biệt nếu tác giả cứ "mặc định" với những sự kiện được ghi trong chính sử.

Ở "Oan khuất một thời" hình tượng Nguyễn Trãi vẫn y nguyên như những điều người dân nhiều trăm năm qua đã mường tượng, tưởng nhớ về ông. Nguyễn Thị Anh cũng vẫn là người đàn bà với những mưu đồ lộ liễu, bề nổi, không khó đoán bắt. Có lẽ thế, những ai mong muốn tìm kiếm sự đột phá, một cách nhìn nhận, đánh giá táo bạo, đương đại hơn sẽ ít được thỏa mãn khi xem vở diễn này. "Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi", nhân cách như Nguyễn Trãi khó tìm được chốn yên thân giữa buổi xã hội nhiễu nhương, triều đình chập choạng cũng là điều dễ hiểu.

NSND Doãn Hoàng Giang đã tạo nên sức hấp dẫn, tươi mát đáng nể cho một vở chèo chính luận tưởng chừng khô khan và dễ rơi vào tình trạng "sáo mòn".

Níu được khán giả ngồi lại suốt độ dài gần 150 phút của vở diễn, còn nhờ ma lực của giọng hát quyến rũ, lối diễn điềm đạm, chịu tiết chế và vẫn ăm ắp đam mê của NSƯT Quốc Anh khi đảm nhận hình tượng Nguyễn Trãi.

Nhà hát Chèo Hà Nội đã mời họa sỹ Sỹ Hoàng từ TP HCM ra lo khâu thiết kế phục trang. Cái "gu" "âm tính" và thẩm mỹ của một nhà tạo mẫu chuyên nghiệp như Sỹ Hoàng phả vào chèo, khiến sân khấu không còn dáng vẻ "xanh, đỏ, tím, vàng" mớ ba mớ bẩy rườm rà như thường có trong các vở diễn trước đây.

"Oan khuất một thời" là vở diễn chững chạc, giàu ám ảnh, đủ để khiến lòng người day dứt, đăm chiêu cho một số phận lịch sử đã trở thành biểu tượng của lòng trung trinh, nhân nghĩa, tinh thần ái quốc như quan Gián nghị đại phu Nguyễn Trãi…

N.H.Sen
.
.
.