"Mờ ảo" như nhân vật trong phim truyện VN

Thứ Bảy, 03/05/2008, 15:40
Nhân vật Dần do diễn viên Trương Ngọc Ánh thủ vai trong "Áo lụa Hà Đông" cũng không thuyết phục được người xem vì mặc dù được xây dựng là một phụ nữ mạnh mẽ, can đảm nhưng cũng lại sẵn sàng cam chịu bị hành hạ về thể xác và xúc phạm về nhân phẩm với mục đích mua cho con một chiếc áo dài.

Có một thực tế rằng, hàng năm, những ngôi vị cao, thấp của các liên hoan phim toàn quốc hay giải thưởng Cánh diều thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam đều đã có chủ. Chục năm trôi qua với hàng trăm bộ phim truyện nhựa ra đời...

Không ít người lạc quan rằng, điện ảnh của nước ta đang ngày càng phát triển. Nhưng cũng đã đến lúc những nhà làm phim phải giật mình suy ngẫm khi nhìn lại, lâu lắm rồi, điện ảnh Việt Nam chưa xây dựng được những nhân vật điển hình, có sức ám ảnh người xem.

Nếu làm một phép tính đơn giản, mỗi năm, chúng ta sản xuất không dưới 10 bộ phim thì mười năm trở lại đây, chúng ta đã có cả trăm bộ phim ra mắt khán giả.

Nhưng đáng buồn là nhiều bộ phim từng đoạt những giải thưởng cao như: "Người đàn bà mộng du", "Chuyện của Pao", "Áo lụa Hà Đông"… vẫn chỉ trụ ở rạp được vài ngày. Sự kém hấp dẫn của phim Việt Nam có một lý do không nhỏ bởi chúng ta chưa xây dựng được những nhân vật hấp dẫn, mang tầm thời đại.

Điện ảnh Việt Nam đã có một giai đoạn vinh quang, trong đó xây dựng được những nhân vật có sức lan tỏa rất lớn. Niềm tự hào ấy đến bây giờ cũng chỉ có thế.

Lâu nay, những người yêu điện ảnh Việt Nam vẫn chỉ nhớ tới những nhân vật như A Phủ trong "Vợ chồng A Phủ", chị Tư Hậu trong "Chị Tư Hậu", Nết trong "Đến hẹn lại lên", Trung úy Phương trong "Nổi gió", Duyên trong "Bao giờ cho đến tháng mười", Nguyễn Thành Luân trong "Ván bài lật ngửa", Chí Phèo trong "Làng Vũ Đại ngày ấy", hay chị Dậu trong "Chị Dậu", Hiền "cá sấu" trong "Tội lỗi cuối cùng"…

Còn rất ít khán giả có thể nhớ tên được một vài nhân vật trong những bộ phim gần đây vì các nhân vật đều nhàn nhạt, thoáng qua.

Một trong các lý do khiến những bộ phim ấy xây dựng được nhân vật độc đáo vì kịch bản phim dựa trên những tác phẩm văn học đã được công chúng yêu mến.

Phim "Vợ chồng A Phủ" dựa theo tác phẩm cùng tên rất nổi tiếng của nhà văn Tô Hoài, phim "Cánh đồng hoang" cũng dựa theo tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, phim "Chị Tư Hậu" được xây dựng từ "Một chuyện chép ở bệnh viện" của Anh Đức hay "Làng Vũ Đại ngày ấy" dựa theo 3 tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Nam Cao…

Sự thành công của nhân vật còn bởi thái độ lao động nghiêm túc, cầu toàn và sự trăn trở với vai diễn của từng diễn viên. NSND Trần Phương đã có hàng tháng trời cùng ăn, cùng ở với người Mông để có thể nhập vai A Phủ như một chàng thanh niên dân tộc Mông đích thực. NSƯT Phương Thanh để vào vai Hiền "cá sấu" đã phải cải trang và sống như một phạm nhân thực thụ trong trại giam…

Một cảnh trong phim “Gái nhảy”.

Một trong những lý do khiến cho số lượng phim nhiều nhưng người xem có cảm giác là ít vì nhân vật chính đơn điệu, nhàm chán. Sự phức tạp, bon chen của hậu trường showbic với những ca sĩ, người mẫu váy ngắn chân dài hay những cô cave mang trong mình căn bệnh thế kỷ đã thành mô típ quen thuộc.

Đâu đó trong một vài bộ phim gần đây, nhân vật mang được một số nét tính cách của con người hiện đại nhưng lại được xây dựng xơ cứng nên không có khả năng đi vào công chúng. Và khi khán giả không tìm thấy mình trong những bộ phim ấy thì sự xa rời rạp chiếu cũng là điều hợp lý.

Những nhân vật ấy thường có hành vi ứng xử và ngôn ngữ không phù hợp với người xem ở giai đoạn hiện tại hay chỉ một số người nào đó từng trải qua giai đoạn ấy mới có thể hiểu được. Điều đó hạn chế sức lan tỏa của nhân vật trong lòng công chúng.

Trong khi với phim truyện, nhân vật là sự quan trọng số một thì việc xây dựng những nhân vật nhạt nhòa đã là một trong những nguyên nhân khiến phim Việt bị "chết yểu" ngay từ khi mới ra đời.

Nhân vật Pao trong "Chuyện của Pao" có những nét hình thức và tâm lý quá hiện đại không phù hợp với một cô gái Mông giai đoạn ấy.

Nhân vật Dần do diễn viên Trương Ngọc Ánh thủ vai trong "Áo lụa Hà Đông" cũng không thuyết phục được người xem vì mặc dù được xây dựng là một phụ nữ mạnh mẽ, can đảm nhưng cũng lại sẵn sàng cam chịu bị hành hạ về thể xác và xúc phạm về nhân phẩm với mục đích mua cho con một chiếc áo dài.

Nhân vật Sáu Mân trong "Giá mua một Thượng đế" đã phần nào mang những nét tính cách của một phụ nữ hiện đại, biết vượt qua những trắc trở của đời sống riêng tư, trở thành một người thành đạt, nhưng việc Sáu Mân lại dễ dàng mắc bẫy người tình của chồng cũ khiến người xem thấy còn… khó tin.

Theo nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến, nguyên nhân của tình trạng trên trước hết là do nội lực sáng tác hạn chế cùng với thái độ tự mãn của các nhà biên kịch, đạo diễn.

Các nhà làm phim lười biếng, chạy theo số lượng mà quên mất phải chăm chút cho nhân vật của mình. Nguy hiểm hơn và thường thấy là sự áp đặt vốn sống chủ quan ít ỏi của mình vào nhân vật nên nhiều tình tiết trong phim rất khiên cưỡng.

Lâu nay, nhân vật của chúng ta thường theo một chiều, tốt là tốt từ đầu đến cuối mà xấu thì lúc nào cũng xấu. Một bà mẹ miền quê là phải tảo tần, lam lũ, công tử con nhà giàu là phải ăn chơi, con nhà nghèo là phải ngoan ngoãn, học giỏi... Những mô típ ấy đã khiến cho chúng ta có một loạt những nhân vật na ná như nhau.

Các phim như "Gái nhảy", "Những cô gái chân dài", "Lọ lem hè phố" đều có chung mẫu nhân vật là những cô gái sống trong gia đình không hạnh phúc hoặc vì hoàn cảnh xô đẩy mà trở thành cave hay nghiện hút rồi chuốc lấy kết cục bi thảm.

Nhân vật mờ nhạt, không rõ nét còn bởi thói mô hình hóa, thói "tự kiểm soát" đã ăn sâu vào những người làm phim. Đó là hệ quả tất yếu của một cơ chế duyệt phim còn nhiều bất cập. Điều này khiến các nhà biên kịch, các đạo diễn e ngại sự khác biệt, chỉ lo rằng kịch bản hay phim làm ra sẽ không được duyệt. Họ chấp nhận được gọt tròn, miễn là kịch bản được cấp kinh phí để làm. Điều này càng gia tăng trong tình trạng viết kịch bản thành nghề chuyên nghiệp như hiện nay

Một lý do nữa khiến điện ảnh chúng ta chưa có được những nhân vật ấn tượng bởi chính các diễn viên thủ vai không chịu đầu tư, tìm tòi, chỉ muốn diễn xuất một chiều cho nhanh để còn chạy show các vai khác. Không ít diễn viên sẵn sàng dùng kỹ xảo quay phim để khắc phục nhược điểm diễn xuất. Diễn viên không thuộc lời thoại đã trở thành chuyện… thường ngày ở huyện thì còn nói gì tới việc hóa thân vào nhân vật.

Người viết bài đã từng chứng kiến cảnh diễn viên trẻ D. H. bắt cả đoàn làm phim phải quay lại tới 7 lần chỉ vì không thuộc một câu thoại chỉ có vài chữ.

Có lẽ rất ít người trong số các diễn viên xinh đẹp, trẻ trung của chúng ta hiện nay sẵn sàng phản đối kịch bản cũ vì thấy không hợp lý và bắt tay vào viết từng trường đoạn cho nhân vật của mình như NSND Trần Phương từng làm thuở ông được giao vai anh Lực trong phim "Vợ chồng anh Lực" của đạo diễn Trần Vũ.

Điều đáng lo ngại hiện nay là trong khi cuộc sống sôi động từng ngày, từng giờ và có biết bao tấm gương thanh niên biết xây dựng đất nước bằng tài năng, trí tuệ của mình với một lý tưởng trong sáng, cao cả thì trong điện ảnh hoàn toàn thiếu vắng lớp người đó.

Thấp thoáng đâu đó xuất hiện những thanh niên "hiện đại" nhưng cách xây dựng lại sa vào thói mô hình hóa,  tốt quá khiến người xem thấy không có thực. Hoặc đôi khi, cái khó với các nhà làm phim là hình mẫu nhân vật tốt có thật nhưng vì tâm lý nghi ngờ từ lâu đã ăn sâu vào khán giả nên họ không tin là thật. Có người còn nói vui rằng, ngày nay, nhân vật bước lên phim thì dễ nhưng đi vào công chúng lại vô cùng khó khăn.

Cần phải nhìn nhận công bằng là, hiện nay để có được một nhân vật mang tầm thời đại là điều không dễ với không chỉ điện ảnh mà còn với các lĩnh vực khác như sân khấu, văn học… Nhưng nói vậy, không có nghĩa là chúng ta không thể làm được, điều cần nhất là sự dấn thân vào cuộc sống một cách thực sự của những nhà làm phim.

Nói như nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Quang Lập thì các nhà làm phim hãy xây dựng những nhân vật là "người ra người" chứ không phải "na ná người" và phải ý thức được rằng đời sống phải là nguồn gốc của mọi sự cách tân

Thảo Duyên - VNCA số 78
.
.
.