Mai này ai khảy đàn chapi?

Chủ Nhật, 17/01/2010, 12:13
Vượt gần 500 cây số, rồi chúng tôi cũng đặt chân lên vùng đất mà nhiều năm trước, nhạc sĩ Trần Tiến từng đi qua và cảm hứng sáng tác bài hát "Giấc mơ chapi" với giai điệu, ca từ mượt mà, tình tứ. Ngày trước người Raglai ai cũng biết khảy chapi, giờ thì chỉ dừng lại ở những người già. Nhưng người già cái tai kém, cái mắt không còn tinh, cái tay yếu nên không thể khảy đàn. Vậy là chapi đành ngủ yên, chịu lép vế trước những cái máy hát nhạc ầm ĩ.

Nhạc cụ của người nghèo…

Tại thôn Suối Rớ, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, nghe già làng Pinăng Son nói chuyện chapi mà buồn não lòng. Hướng ánh mắt về phía ngọn Gia Rích hùng vĩ, già Son hồi ức: "Hồi mình được bảy tám mùa rẫy đã biết cầm đàn chapi khảy ru em rồi. Không như cái mã la (nhạc cụ bằng đồng) chỉ những nhà giàu có trâu mộng, dê to mới đổi được, đàn chapi là bạn của người nghèo, ai nghèo cũng có chapi. Muốn có chapi không phải tốn kém gì. Chỉ việc vào rừng chặt lồ ô rồi khắc, gọt là thành. Đàn chapi dễ làm lắm!".

Dứt lời, già Son vào trong nhà dài lấy ra cây đàn chapi được làm từ một lóng cây lồ ô với chiều dài 35cm, đường kính khoảng 8cm, mà nhiều năm trước già vẫn thường khảy. Dùng đôi bàn tay gân guốc phủi bụi cây đàn vì đã lâu không sử dụng, già Son hồi ức ngày này của gần 2 thập kỷ trước, cái thời mà già tuy 60 mùa rẫy nhưng vẫn vác xà gạc vào rừng đẵn lồ ô làm đàn chapi: "Làm cái đàn của người nghèo dễ lắm! Lồ ô làm đàn phải chọn loại không quá già, không quá non. Cắt lấy ống rồi, mình dùng con dao nhỏ thật bén rạch dài, lẩy lên thành mười hai dây theo từng cặp. Giữa ống mình làm sáu cái phím bằng tre, mỗi phím đính vào hai dây đàn. Dưới mỗi ống mình khui một lỗ nhỏ rồi dùng dây mây vạt mỏng cột chặt. Giữa ống thì dùi một lỗ lớn cắm vào đoạn tre làm tay cầm khi khảy…".  

Một bà mẹ ở thôn Ma Oai đang khảy đàn chapi ru con ngủ.

Là người ngoại đạo nên khi nghe già Son mô tả kỹ thuật làm đàn chapi, chúng tôi chưa hiểu hết về nó. Nhưng trước sự nhiệt tình của già, ai nấy đều gật gù cho cái bụng già được vui. Do cây đàn chapi bị đứt mấy dây nên già Son không thể khảy tặng khách những bài bản mà ngày trước già vẫn thường búng tay như bài “Ru em”, “Chào khách”, “Mừng làng có hội vui”… Không nỡ để khách buồn lòng, già trĩu giọng giới thiệu: "Mày sang thôn Ma Oai đi, ở đấy còn có người giữ cái chapi, biết khảy chapi. Chứ ở làng mình chẳng còn đứa nào nữa rồi".

Giữ lửa cho hồn xưa sống mãi

Trong tâm trạng háo hức, chúng tôi sang làng Ma Oai (thuộc thôn Ma Oai, xã Phước Thắng). Trên con đường đất đỏ dẫn vào làng ẩn dưới chân núi Tà Năng, anh Katơ Huân, Trưởng ban Văn hóa - Thông tin xã Phước Thắng, tỏ ra rất hào hứng khi nhắc đến nhạc cụ truyền thống của tộc người. Anh trải lòng: "Tùy địa phương, tùy hoàn cảnh mà có nơi mai một, có nơi vẫn giữ gìn tiếng đàn chapi. Những năm trước, do sự tấn công của các nhạc cụ hiện đại nên bà con quay lưng với nhiều nhạc cụ truyền thống. Nhưng rồi dân làng nhận thức được nét tinh hoa của những nhạc cụ truyền đời nên cứ chiều chiều cả làng rộn vang tiếng mã la, tiếng chapi gọi sông gọi suối".

Xuyên suốt thôn Ma Oai, lữ khách rất vui khi được tận mắt thấy những bà mẹ lưng địu con, tay cầm những chiếc đàn chapi mê mải búng, khảy ru con ngủ. Một bà mẹ tên Chamalé Thị Thanh thật lòng: "Hồi nhỏ mình được mẹ khảy đàn chapi ru ngủ. Lớn lên mình lại khảy đàn ru con". Chị nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật cho ống lồ ô biết nói tiếng người: "Muốn đàn mình để hai que chéo hướng xuống đất, một đầu mình bịt lại bằng da thành bụng để tiếng âm vang, trong. Các ngón tay thì mình ôm trọn ống tre trên các phím mà khảy".

Nữ nghệ nhân luống tuổi tên Pinăng Thị Mai, có chân trong đội mã la Ma Oai gồm 6 phụ nữ từng lưu diễn nhiều địa phương trong cả nước, cho biết: "Những bài bản khảy từ đàn chapi tương tự như vỗ mã la. Cái khác ở chỗ mã la phải nhiều người cùng vỗ, âm nó vang xa. Còn đàn chapi chỉ một người khảy, âm thanh tuy trong trẻo nhưng rất nhỏ, chỉ hợp ở nơi núi rừng thinh lặng. Muốn diễn tấu trong ngày hội hoặc ở nơi sân khấu phải có bộ khuếch đại âm thanh. Đây cũng là trở ngại khiến đàn chapi ít được đưa vào các tiết mục biểu diễn nên việc gìn giữ, phát huy nhạc cụ này tại một số địa phương còn gặp không ít trở ngại".

Hôm ấy chúng tôi được những cư dân Ma Oai thết đãi bữa "đại tiệc" chapi với các bài bản ru hồn như tiếng thì thầm của cha ông, của núi rừng và ngàn xưa vọng về… Có khi âm thanh của chapi nghe trong vắt như tiếng con suối reo, vi vu như gió luồn qua khe đá. Lúc này giấc mơ chapi về một cuộc sống tươi đẹp, bình yên lại hiện về, phủ tràn trên vùng đất Ma Oai. Tiễn khách, nghệ nhân Pinăng Thị Mai sau khi nắn lại tay đàn chapi cho một bé gái, trải lòng: "Chừng nào núi rừng còn cây lồ ô, còn có người Raglai khao khát cuộc sống bình yên, trù phú và được yêu đúng người mình thương… thì hồn chapi còn sống mãi"

Thành Dũng
.
.
.