Mạc Can và cuộc chia tay không hẹn trước

Thứ Hai, 22/06/2009, 15:23
Không có tiệc chia tay nào cả. Tôi đồ rằng ông ra đi vào một buổi chiều nào đó, khi sân bay Tân Sơn Nhất đổ mưa. Chuyến bay đó sẽ rất dài. Và ông cũng không biết mình sẽ tới nơi nào, hình dung về nó là việc làm khó khăn với ông. Nước Mỹ xa xôi diệu vợi. Mạc Can lại một lần nữa cố tình lẫn vào cuộc đời này...

Vài tháng trước, diễn viên Mỹ Uyên đã quyết định mua bản quyền cuốn "Tấm ván phóng dao" của Mạc Can để chuyển thể thành kịch trên sân khấu 5B, Võ Văn Tần. Mạc Can mừng lắm. Nhưng ông nói Mỹ Uyên nên làm hợp đồng sớm. Ông cũng muốn mọi thứ phải được thực hiện ngay, ông sẽ bán hẳn cho Mỹ Uyên để cô toàn quyền trên sân khấu. "Bởi vì chú sắp đi xa" - Mạc Can nói. Không ngờ ông đi thật.

Một buổi sáng, ông gọi điện cho nhà báo Hương Trà, ông tạm biệt cô và nói rằng ông đi Mỹ với con. Nhưng ông không muốn mọi chuyện ồn ào, vì thực lòng ông cũng không biết mình có sống được hẳn ở đó hay không. Một vài người thân thì mừng cho ông, vì ít nhất cuối đời ông vẫn có được một chốn nương thân yên ổn, với điều kiện sống tốt hơn.

Ít nhất tốt hơn cuộc sống bay lật phật khắp Sài Gòn, từ quận 12 vòng qua quận 8, từ quận Phú Nhuận chạy tới Nhà Bè, nay đây mai đó, không biết đâu là một mái nhà thực sự. Thời gian này, quán cà phê 81 Trần Quốc Thảo vắng bóng ông. Không còn thấy ông già mặt quạu ôm cái cặp sách ngồi uống một ly trà đá quen thuộc. Mạc Can đã là một điểm ghi nhớ của quán cà phê bề bộn đó.

Mạc Can là người luôn mang đến những bất ngờ, mà không ai biết trước. Dường như, cái cách sống bôn ba đó, cái hư thực trong đời riêng đó, là do ông lựa chọn, chứ không phải do dòng đời xô đẩy như mọi người vẫn nghe ông giãi bày. Nếu như dòng đời xô ông lên chiếc ghe và rùng mình suốt tuổi thơ với tấm ván phóng dao và những mũi dao sắc nhọn, thì ông đã chọn cho mình một cuộc trốn chạy suốt cuộc đời.

Ông không muốn đối diện với cuộc sống của mình. Và cũng không muốn ai soi chiếu vào nó. Không ai biết gốc tích thực của ông, không ai biết vợ ông là ai, con ông thế nào. Trong cuộc đời, ông di chuyển biết bao nhiêu lần. Ông nói với tôi rằng, ông thích cuộc sống của những xóm lao động. Ông thường thuê nhà ở một xóm nào đó, ngắm nhìn cuộc sống đó.

Mạc Can cùng anh trai và em gái trong màn ảo thuật phóng dao (thủơ nhỏ).

Trong cái cơ cực ấy có âm vang của lòng tốt và cả sự dữ dội của con người. Người ta có thể cãi vã, chửi bới nhau, nhưng cũng sẵn lòng sẻ cho nhau những bát cơm cuối cùng. Có thể họ tụ bạ quán nước đầu hẻm suốt ngày, đánh lô đề, chơi đỏ đen hoặc hóng tin vỉa hè và sẵn sàng nổi xung trước một kẻ lạ mặt vô tình chạm phải. Nhưng họ cũng sẽ băng bó vết thương cho kẻ lỡ vận bị nạn dọc đường.

Và ông sẽ ở đó cho đến khi ông thông thuộc, thì lại bắt đầu đi tìm một căn phòng mới. Trong cái thú vui kỳ lạ đó, có một sự bất ổn mãi mãi. Ông là người bắt đầu vào đời bằng sự phiêu bạt. Và tâm lý di chuyển ăn sâu vào máu, đến mức khi đã rời cái ghe nghiệt ngã thơ ấu, ông vẫn luôn tìm sự đổi thay. Ông chống lại tâm lý "an cư lạc nghiệp".

Với ông mọi thứ đều là tạm. Như một cuộc sống tạm. Sự mơ hồ mang đến nét quyến rũ riêng nào đó. Nhưng nó cũng mang đến thật nhiều hồ nghi. Khi trước, ông hay hỏi xin tiền các nghệ sỹ, để làm từ thiện, cho người này khó khăn, người kia vất vả. Mọi người xúm vào giúp ông.

Nhưng cũng có khi, người ta nói thấy ông đi cùng một cô gái chân dài vào quán cà phê đẹp. Và ông đang... có bồ, ông xin tiền là để cho bồ. Nhưng ông không giải thích, không thú nhận hay phủ nhận. Như thể tin thì tin, không tin thì thôi. Và con người ông luôn để lại dư luận hai chiều, hai cái nhìn âm bản và dương bản như thế.--PageBreak--

Chuyện ông có người bồ trẻ đẹp hoàn toàn không phải hoang tưởng. Chính ông công bố một chuyện còn động trời không kém. Đó là việc ông có con với một người đàn bà Nhật. "Trong chuyến quay phim sang Việt Nam, bà ta thuê tôi đóng vai người hướng dẫn du lịch, giới thiệu mua sắm đặc sản phong vị Sài Gòn. Là cái phim quảng cáo du lịch, nên cũng chẳng có gì đạo diễn, kịch bản đâu. Nhưng không hiểu sao, đến giữa những ngày quay, tôi và bà Yoko đó có sự cảm mến đặc biệt. Chúng tôi yêu nhau say đắm. Hai năm sau, tôi nhận được lá thư, bà ấy nói tôi đã có một đứa con gái. Bà ấy báo là báo vậy thôi, chứ không có ý định cho tôi có quyền quyết định gì với hai mẹ con bà ấy cả. Khi đó tôi làm gì có tiền sang Nhật, mà sang Nhật thì cũng biết bà ấy ở đâu mà tìm. Vậy mà may mắn gần đây hai mẹ con đã sang Sài Gòn tìm tôi. Con gái đẹp lắm, mặt nó có nét giống tôi".

Mạc Can giở máy tính cho tôi xem hình, quả là một cô gái xinh xắn, có nhiều nét giống ông. Nghĩ lại câu chuyện ấy mới chợt nhận ra, dường như người đàn ông đào hoa không phụ thuộc vào ngoại hình, mà là cái duyên trời sinh. Nên nếu ông 60 tuổi vẫn có chân dài bên cạnh cũng là chuyện bình thường vậy. Nhưng ngay cả câu chuyện ông có con gái người Nhật cũng là câu chuyện hư hư thực thực. Ông chỉ hé ra cho mọi người tới đó thôi. Rồi đóng sập lại.

Ông không cho đăng bức ảnh đó lên báo. Và ông cũng không tiết lộ sâu hơn về cuộc tình này. Sự mơ hồ trong ông là có chủ đích. Ông bảo, gia đình là chuyện riêng tư, ông không bao giờ muốn nói tới. Vậy thì khi ông chủ động nói chuyện có một đứa con không phải con của vợ mình, thì nghĩa rằng ông muốn công khai một mối tình!

Một người bạn trong giới văn chương của ông nói, Mạc Can là một chân dung đa diện, nhìn khóc thành khóc, thấy cười là cười. Ở ông, dường như cái vui bao giờ cũng kèm những cái lo, nỗi hạnh phúc luôn trộn lẫn với những tủi nhục. Và cả đời ông, chưa bao giờ ông thích đám đông, không bao giờ làm người hài hước, nhưng lại phải quăng mình vào những nơi ồn ã nhất, làm mặt hề cho thiên hạ cười chơi.

Tôi nhớ hoài cảnh phim "Ván bài lật ngửa", có cảnh ông đóng vai cái đầu lâu ca cải lương trong một màn ảo thuật rùng mình. Ông cũng giống nhiều người, coi ảo thuật là cái nghề mưu sinh hơn là một niềm đam mê. Ảo thuật chính là nghệ thuật của sự lừa mị. Làm thế nào để giả mà như thật. Làm sao để biến cái không thể thành có thể trong tích tắc.

Khán giả có thể sẽ không quan tâm và không biết, họ vẫn say mê theo những trò diễn. Nhưng ngày này qua tháng khác, người nghệ sỹ tự biết mình là ai, mình ở đâu, mình như thế nào. Làm thế nào để khỏi chán mình là một nỗ lực đôi khi rất tuyệt vọng.

Mạc Can đã dùng cả cuộc đời mình, làm một thí nghiệm, với chính ông (mà thực ra đời này ai cũng đem đời mình ra làm thí nghiệm, đến khi rút ra được kết luận thì mọi sự đã an bài) để xem mọi cảm xúc trộn lẫn ấy, sẽ tạo thành điều gì? Phải chăng nó là khuôn mặt ông, khuôn mặt rầu rầu chán chán, mà khán giả vẫn bật cười. Pha chế thứ biệt dược ấy là bí quyết riêng của ông. Và ông đã phải trả giá cho nó bằng cuộc đời mình...

Khi Mạc Can, một anh hề viết văn, đã mang đến một sự lạ của đời sống văn học. Ông mang đến một thứ văn học vừa lộng lẫy vừa bi thương, vừa trần thế vừa ảo mộng. Dường như không thể phân biệt được đâu là ông, đâu là nhân vật của ông. Những gì ông viết ra, ông đã để cuộc đời ông, những sự đời ông gặp, lấn sâu vào nhân vật của mình. Và cái gì cũng giống như một màn tự truyện. Nhưng lại không hoàn toàn là tự truyện. Những cuốn sách của ông cứ ra đời. Và mỗi lần sách ra đời, ông lại kể thêm vài chuyện đời éo le khác thường bằng giọng kể hóm hỉnh hồn nhiên...

Và bây giờ Mạc Can đi Mỹ. Không ai biết ông có những đứa con nào ở Mỹ. Và ông đi Mỹ theo diện gì. Khi nghe tin ông đi Mỹ, tôi đã có ý định đi tìm thông tin từ đơn vị xuất nhập cảnh. Nhưng rồi chợt nghĩ, tìm để mà làm gì, việc ông ở đâu cũng là một nỗi mơ hồ. Và sự mơ hồ lúc này mang hàm nghĩa của sự đổi thay nào đó. Ông ra đi có những lý do cho riêng mình.

Nhưng tôi chợt bần thần nghĩ, rồi một chiều nào đó, ông sẽ ngồi ở nước Mỹ, ngắm ra một dòng sông như dòng Potomac chẳng hạn, và nhìn những bờ cây ôn đới, nghĩ về những đám lục bình trên dòng sông nơi ông sinh ra. Và ông sẽ viết về những ngày tháng ở đó trong một sự mường tượng về cuộc sống ở bên này.

Nghe ông đi, tôi lại nhớ truyện "Bông vạn thọ" của Lý Lan, chị đã trông vào những bông cúc nở ở Mỹ để nhớ về cái Tết của mình ở Việt Nam. Những bông cúc vạn thọ bừng nở trong những khu vườn, ấy là mùa xuân. Và người Việt bứng thành những chậu vàng rực để trưng trong dịp Tết. Còn ở Mỹ, hoa cúc chỉ là hoa cúc thôi. Chỉ có những người tha hương, mới nặng lòng với nó.

Thực ra là nặng lòng với ký ức của mình. Và viết văn ở một mảnh đất khác, thực ra là sự nhọc nhằn hơn rất nhiều, vì phải bắt ký ức đi về. Thế nên tôi vẫn nghĩ, mỗi chuyến đi của Mạc Can chỉ là một cuộc dạo chơi. Và ông sẽ trở lại, bằng một sự bất ngờ nào đấy, cũng mơ hồ không kém...

Thảo Điền
.
.
.