MC là phải đẹp?

Thứ Hai, 27/08/2007, 11:46
Dẫu MC đang là nghề đầy hấp lực đối với giới trẻ và ngày càng có nhiều gương mặt mới xuất hiện nhưng để tìm ra vài gương mặt có đủ niềm tin mà "gửi vàng" khi cần thì số MC đáp ứng được chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Hôm nay 27/8, vòng chung kết cuộc thi Người dẫn chương trình truyền hình 2007 diễn ra và người ta lại kỳ vọng sẽ xuất hiện những gương mặt mới, đủ sức đáp ứng được sự đòi hỏi liên tục gần đây của các chương trình truyền hình, đặc biệt là các gameshow, talk show.

Sao cứ "bắt" MC phải đẹp?

Dường như có một "luật bất thành văn" trong nếp nghĩ của nhiều người, kể cả các thí sinh dự thi, là: MC phải đẹp. Chính thế mà có vẻ như các thí sinh quá chú trọng đến ngoại hình khi xuất hiện trên màn ảnh nhỏ thay vì phải chăm chút cho những câu từ mình sẽ nói trước công chúng.

Bên cạnh đó, nhà tổ chức vì sợ "mất an toàn" khi lên sóng trực tiếp nên vô hình trung đã buộc thí sinh vào “khuôn” với sự chuẩn bị quá rõ ràng.

Một khi đã an toàn thì không thể phá cách, mà không phá cách thì làm sao tạo nên những thú vị độc đáo? Thế nên, chọn cho "trúng" một thí sinh giỏi thật sự là một việc cực kỳ khó khăn.

Điểm chung của các thí sinh dự thi năm nay (lẫn đa số MC đang hoạt động) là bệnh nói nhiều, nói thừa, nói sáo rỗng và thậm chí, có vẻ như họ không quan tâm đến ý nghĩa của ngôn từ mình dùng. Hiếm người chịu nói ít và nghe nhiều - điều cực kỳ cần thiết với những MC dẫn chương trình trò chuyện với khách mời.

MC Oprah Winfrey của truyền hình Mỹ không đẹp, nhưng lại dẫn chương trình rất duyên và thông minh, sắc sảo.

Sự so sánh nào cũng khập khiễng. Mặc dù vậy chúng tôi vẫn muốn nhắc tới trường hợp của Oprah Winfrey của truyền hình Mỹ: bà không đẹp, nhưng bà rất duyên và thông minh, sắc sảo, kiến thức lại rộng và không ngừng được bổ sung, cập nhật.

Không biết có khi nào ban tổ chức các cuộc thi chọn MC dám chấp nhận người dẫn chương trình có ngoại hình kiểu Oprah hay không?

Bởi lẽ, một người đẹp, nhìn quen mắt sẽ không còn choáng ngợp vì cái đẹp nữa. Khi ấy người ta muốn nghe xem người đẹp nói gì. Người đẹp chỉ có thể nói những điều cạn cợt, bóng loáng ngôn từ nhưng chẳng có tí nội dung ý nghĩa nào cả thì liệu người ta có chịu nghe không?

Dẫn chương trình bằng 4 thứ tiếng

Lần Duyên Dáng Việt Nam diễn ra ở Úc năm 2005, hai MC Thanh Bạch và Mỹ Uyên buộc phải nói cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Nói tiếng Anh ngay tại nước Úc, trước hàng ngàn khán giả, dù sử dụng tiếng Anh lưu loát, Ngô Mỹ Uyên cũng vẫn... thấp thỏm.

Cô và Thanh Bạch cứ kè kè bên mình kịch bản và lẩm nhẩm suốt thời gian tập luyện chương trình cũng như trước giờ công diễn. Cả hai đều cố luyện giọng Anh thật chuẩn và gần như thuộc lòng kịch bản.

Ngô Mỹ Uyên và Thanh Bạch trong chương trình Duyên dáng Việt Nam 17.

Khi DDVN diễn ra, khán giả vỗ tay khen ngợi hết lời khi hai người biểu diễn, tung hứng trên sân khấu với đoạn ca vọng cổ bằng tiếng... Anh và đối đáp với khán giả một cách tự tin.

DDVN ở Singapore vừa qua, cả hai phải dẫn chương trình bằng 4 thứ tiếng: Anh, Việt, Hoa và Malaysia. Ngày khởi hành, vừa ra đến sân bay Tân Sơn Nhất, Thanh Bạch đã vội làm quen với những du khách Singapore gốc Malaysia để kiểm tra khả năng phát âm tiếng Malaysia của mình.

Anh tập luyện liên tục trong suốt chặng hành trình. Buổi tối khi dự tiệc do ban tổ chức mời, Thanh Bạch vẫn không rời tập kịch bản. Anh cứ nói mãi những câu quen thuộc như ban sáng, rồi để chắc ăn hơn, anh yêu cầu một nhân viên phục vụ Singapore gốc Malaysia nghe và nhận xét những gì anh đã nói. Kết quả anh nhân viên nọ thốt lên: "Good, so good!".

Ngô Mỹ Uyên cũng rất kiên trì tập phát âm tiếng Hoa. Uyên thông thạo cả Anh và Hoa ngữ nhưng dẫn một chương trình lớn như DDVN, cô buộc mình không phạm sai sót nào và cũng như Thanh Bạch, rảnh phút nào là cô "láp nháp" tiếng Hoa lúc ấy. Kết quả là phần dẫn chương trình của Thanh Bạch và Mỹ Uyên hết sức thành công, được khán giả khen ngợi nồng nhiệt.

Những "tai nạn" không thể tha thứ 

MC La Thoại Phi (bìa trái) dẫn một chương trình dành cho thiếu nhi. (Ảnh: T.L)

Tôi từng nhận được lời mời của một công ty làm MC cho chương trình hội nghị khách hàng, nhưng vào giờ cuối họ rút lại lời mời. Tất cả thù lao cho MC, ca sĩ, nhóm nhạc được họ gom lại để trả cho một người dẫn chương trình mời từ Anh sang.

Vì tự ái và tò mò, tôi đã đến xem và thật sự bị cuốn hút bởi đẳng cấp của anh chàng này. Sau lần ấy tôi suy nghĩ rất nhiều về nghề nghiệp và khả năng làm nghề của bản thân.

Chúng tôi vẫn thường bảo nhau, MC là một nghề có nhiều tai nạn nghề nghiệp, và rất cảm kích khi khán giả rộng lòng bỏ qua nhiều thiếu sót của chúng tôi.

Nhưng thực sự có những "tai nạn" mà chúng tôi không thể tha thứ cho chính mình, đến từ nhiều lý do: sự hạn hẹp của kiến thức, thiếu sự chuẩn bị, và rất nhiều lần do sự tự khẳng định mình một cách vụng về, hoặc tự tin thái quá... 

Một lần tôi đã làm các thí sinh không vào được vòng chung kết xếp hạng của một cuộc thi sắc đẹp đã phải rơi nước mắt vì lời "an ủi hào hiệp" không đúng lúc của mình. Tôi đã dùng "cái quyền được phát ngôn" mà người ta trao cho mình làm tổn thương đến người khác!

Trải qua những vấp ngã lỗi lầm, tôi thấy mình vững vàng hơn, những cạn cợt vô tâm hoặc những "ờ", "à", "vâng" vô tội vạ mất dần đi.

Mọi người hay thắc mắc vì sao một số chương trình truyền hình trực tiếp quanh đi quẩn lại cũng chỉ ngần ấy gương mặt MC. Đơn giản, nhà sản xuất không dám mạo hiểm bởi truyền hình trực tiếp mà sai một từ quan trọng thì vô phương cứu chữa.

Những gương mặt ấy có thể không xuất sắc nhưng họ làm tròn việc, mà giữa vô vàn công việc phải lo cho một chương trình truyền hình trực tiếp thì việc MC làm tròn việc đã là đạt yêu cầu. Vậy đâu là cơ hội cho những người trẻ khẳng định khả năng của mình?

MC La Thoại Phi

Theo Nguyên Vân - Vinh Nguyễn - Đỗ Tuấn (Thanh niên)
.
.
.