"Lối mòn" của... diễn viên phim truyền hình

Thứ Năm, 30/06/2011, 17:01
Lâu nay, làm phim truyền hình, các đạo diễn đã hầu như thụ động khi mặc định cho một diễn viên nào đó vào một loại vai nhất định nào đó. Cứ thấy diễn viên Nguyễn Hải trên phim thế nào cũng phải biến mình theo tuýp nhân vật không trùm xã hội đen, thì là quan, giám đốc tham nhũng. Thấy gương mặt nghệ sỹ Đỗ Kỷ là hiểu ngay, anh sẽ chắc chắn vào vai Công an.

Được quảng bá rầm rộ và trình chiếu vào khung giờ đẹp nhất trên VTV1 (20h10' các ngày thứ 2, thứ 3, thứ 4 hàng tuần), tới nay, dù đã phát sóng khoảng 10 tập, nhưng bộ phim "Chủ tịch tỉnh" vẫn chưa thu hút được sự chú ý trong dư luận như kỳ vọng của nhà sản xuất - Đài Truyền hình Việt Nam. Cốt truyện thiếu liền mạch, những kịch tính thể hiện rõ ý đồ sắp xếp của tác giả và đạo diễn cùng một dàn diễn viên, dẫu "gạo cội", lành nghề, nổi tiếng, nhưng lại quá quen mặt đã tạo cảm giác nhàm chán, lẫn lộn cho người thưởng ngoạn...

Khi phim "Chủ tich tỉnh" bắt đầu lên sóng (từ 6/6), cũng là lúc bộ phim "Ngôi biệt thự màu tro lạnh" đang vào hồi gay cấn nhất. "Ngôi biệt thự màu tro lạnh" cũng chiếu trên VTV1, cùng vào 20h10' tối thứ 5, thứ 6. Điều khiến công chúng hơi hẫng hụt là phần lớn dàn diễn viên chính của "Ngôi biệt thự màu tro lạnh" lại lập tức xuất hiện trong "Chủ tịch tỉnh".

Từ NSƯT Minh Hòa, Trần Nhượng, Thế Bình, Minh Thảo đến Linh Huệ, Hồng Sơn, Phú Thăng... Không thể phủ nhận, đây là dàn diễn viên xịn, có tên tuổi, đã được bảo chứng bằng hàng trăm vai diễn ấn tượng cả trên sân khấu lẫn điện ảnh, truyền hình. Nhưng sự xuất hiện dồn dập của họ với tần suất dày đặc trong nhiều bộ phim dài tập, cùng một thời điểm phát sóng rất khó làm thành sự hấp dẫn, cuốn hút, ngược lại khiến người xem thấy khó phân biệt rạch ròi. Nhất là, lâu nay, làm phim truyền hình, các đạo diễn đã hầu như thụ động khi mặc định cho một diễn viên nào đó vào một loại vai nhất định nào đó.

Vậy nên, cứ thấy NSƯT Minh Thảo xuất hiện là người ta nghĩ, nhân vật của anh không thuộc hạng lưu manh, đâm thuê chém mướn như "Ngôi biệt thự màu tro lạnh", thì cũng buôn ma túy (Phim “Cuồng phong”), hoặc cùng lắm là giám đốc bù nhìn, làm tay sai cho vợ (Phim “Chủ tịch tỉnh”). Diễn viên Nguyễn Hải trên phim thế nào cũng phải biến mình theo tuýp nhân vật không trùm xã hội đen, thì là quan, giám đốc tham nhũng. Thấy gương mặt nghệ sỹ Đỗ Kỷ là hiểu ngay, anh sẽ chắc chắn vào vai Công an.

Cảnh trong phim "Chủ tịch tỉnh".

"Ngôi biệt thự màu tro lạnh" và "Chủ tịch tỉnh" đều được thực hiện bởi đạo diễn lão làng Bùi Huy Thuần, có lẽ thế nên ông đã chọn giải pháp an toàn, làm việc với các diễn viên quen thuộc và thạo nghề, mong tạo hiệu ứng tốt cho phim. Cũng chính sự cầu toàn đó khiến cho người xem đã không gặp được nhân vật, mà chỉ còn thấy chính diễn viên đó xuất hiện trên màn ảnh. Làm việc với cường độ lớn, thời gian quay phim lại nhanh, các nhân vật một mô típ như nhau nên không khó hiểu khi cách nghĩ phim truyền hình Việt Nam cứ quen quen, cũ cũ, nhàn nhạt luôn đeo đẳng người xem. NSƯT Phạm Cường từng tiết lộ, anh đã tham gia trên dưới 700 tập phim truyền hình. Cũng là một số đếm lớn đến khó tính nổi với NSƯT Minh Thảo, Minh Hòa... khi thống kê những tập phim mà họ đã từng diễn xuất.

Sau những bộ phim giải trí do các đơn vị xã hội hóa sản xuất chiếm sóng giờ vàng bị coi là "thảm họa" phim Việt, Đài Truyền hình Việt Nam đang nỗ lực lấy lại thế thượng phong bằng cách đầu tư cho "đặc sản" của mình: dòng phim chính luận. Từng được yêu mến với các bộ phim như "Luật đời", “Chạy án”, “Ma làng”, "Đất và người", "Bí thư tỉnh ủy"..., VTV tiếp tục ra mắt "Chủ tịch tỉnh", những mong có các bộ phim dài tập đậm tính thời sự xã hội thuyết phục được khán giả.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC) "bật mí": Sau 38 tập phim "Chủ tịch tỉnh", VTV có thêm loạt phim chính luận đa dạng về thể tài như "Rừng chắn cát" (28 tập), "Cầu vồng tình yêu", "Cổ vật", "Đi qua ngày giông bão", "Chỉ còn lại tình yêu"...

Ông Nguyễn Hà Nam - Trưởng ban Thư ký biên tập VTV cũng hứa hẹn: VTV nỗ lực đầu tư hơn nữa cho dòng phim chính luận, ưu tiên phát sóng vào giờ vàng để khẳng định thương hiệu và đáp ứng nhu cầu quan tâm tới các vấn đề đương đại của khán giả.

Nhưng, có nỗ lực kiếm tìm kịch bản, nâng cao năng lực đến đâu mà VTV và các nhà sản xuất không chú trọng tìm kiếm, đào tạo diễn viên, cứ mãi ăn theo các gương mặt đã định hình, chắc chắn sẽ khó làm cho phim truyền hình tươi mới, lạ lẫm hơn với đông đảo khán giả. Các đạo diễn không mạnh tay gửi gắm niềm tin vào các nhân tố lạ, trẻ, chưa quen mặt với công chúng thì phim sẽ càng ngày đi vào lối mòn đơn điệu. Phim truyền hình, dẫu ở nước nào cũng vậy, muốn níu được người xem ngồi lại trước màn ảnh nhỏ, trước hết phải phụ thuộc vào đội ngũ diễn viên, vừa tài năng, có sắc vóc, và luôn làm thanh xuân cho vai diễn của mình

Khánh Bằng
.
.
.