Liên hoan phim quốc tế Việt Nam thiếu tính chuyên nghiệp

Thứ Ba, 19/10/2010, 10:25
Một số thành viên của Ban Giám khảo Liên hoan phim quốc tế Việt Nam 2010 phải đi tìm thành viên của BTC để hỏi địa điểm chiếu phim (?). Đó là chưa kể, 2 NSND - thành viên Ban Giám khảo của LHP - không nhận được giấy mời dự lễ cắt băng khai mạc LHP.

Liên hoan phim quốc tế (LHPQT) Việt Nam 2010 diễn ra từ ngày 17 đến 21/10 được kỳ vọng rất nhiều, bởi lần đầu tiên Việt Nam sẽ là nơi tụ hội của nhiều nhà điện ảnh tầm cỡ thế giới như đạo diễn Phillip Noyce, đạo diễn Marco Muller, Francois Catonne, Johany… và các nhà điện ảnh Việt Nam như NSND Hải Ninh, NSND Trần Phương, NSND Huy Thành, NSND Ngô Mạnh Lân, NSND Nguyễn Khắc Lợi, NSND Đoàn Dũng, NSND Trà Giang, NSND Thế Anh, NSND Bùi Đình Hạc, NSND Đặng Nhật Minh… và tất cả các nghệ sĩ ưu tú, những người đã đóng góp tích cực cho nền điện ảnh Việt Nam... Đây cũng là cơ hội cho điện ảnh Việt Nam được điện ảnh thế giới biết đến.

Hơn nữa, ngay từ buổi họp báo lần đầu tiên, Ban Tổ chức (BTC) LHPQT Việt Nam đã cho biết: Tính chuyên nghiệp được đặc biệt đề cao. Bởi trong khi phim Việt chưa phải là một trong những yếu tố để tạo ra chất lượng thuyết phục các nền điện ảnh quốc tế, thì tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức là yếu tố quan trọng làm nên chất lượng LHP.  Song, sự thật đã không hoàn toàn như thế!

Nhuộm nhoạm từ khâu chuẩn bị

Theo như Cục Điện ảnh (Bộ VH, TT&DL) thì khâu chuẩn bị cho LHPQT lần đầu được tiến hành từ cuối 2009. Thế mà, mãi đến ngày 28/9, các báo mới nhận được công văn yêu cầu đăng ký bằng văn bản việc cử phóng viên theo dõi LHP với "tối hậu thư": "chậm nhất là ngày 30/9". Công văn cũng hẹn "đúng 14h ngày 16/10, các phóng viên đến lấy thẻ tham dự LHP tại Nhà hát Lớn".

Giữa cơn mưa tầm tã vào chiều thứ bảy 16/10, gần trăm phóng viên các báo trong nước và quốc tế đã đội mưa để có mặt đúng giờ. Thế mà ai trực tiếp gặp các nhân viên của BTC LHP mới biết là chưa có thẻ, chứ không có một dòng nào thông báo về việc lỡ hẹn này. Việc lỡ hẹn đã kỳ cục, nhưng cách ứng xử của BTC càng kỳ cục hơn.

Các thành viên của BTC hẹn đến 15h sẽ có thẻ, nhưng 15h, rồi 16h trôi qua vẫn chưa thấy gì. Mãi đến gần 17h, việc phát thẻ mới được bắt đầu. Nhưng các thẻ cho báo chí hoàn toàn không có ảnh, nên lý do đưa ra về việc làm chậm thẻ là do một số nhà báo gửi ảnh đến không ghi tên, là hoàn toàn thiếu cơ sở.

Mặc dù, thẻ tác nghiệp của nhà báo ghi rõ: Thẻ có giá trị dự các hội thảo, các buổi chiếu phim trong khuôn khổ LHP, thế nhưng, ngay trong buổi sáng 17/10, tức là khi lễ khai mạc chính thức còn chưa kịp diễn ra, thì hầu hết các nhà báo đăng ký xem phim đều chỉ nhận được câu trả lời: Hết vé! Kèm theo đó là lời đề nghị các nhà báo nên mua vé để xem phim!

Trung tướng - nhà văn Hữu Ước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL-CAND, Tổng Biên tập Báo CAND tiếp các nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam đến thăm Báo CAND: NSND Hải Ninh, NSND Trần Phương, NSND Huy Thành, NSND Nguyễn Khắc Lợi, NSND Đoàn Dũng, NSND Trà Giang, NSND Thế Anh.

Ngạc nhiên hơn khi một số thành viên của Ban Giám khảo còn phải đi tìm thành viên của BTC để hỏi địa điểm chiếu phim (?), mà đúng ra là cần phải làm ngược lại. Đó là chưa kể, NSND Bùi Đình Hạc và NSND Đặng Nhật Minh đều là thành viên Ban Giám khảo của LHP, song cả 2 ông đều không nhận được giấy mời dự lễ cắt băng khai mạc LHP tại Nhà hát Lớn Hà Nội sáng 17/10 (!).

Ở cuộc họp báo quốc tế sáng 17/10 với sự tham dự của hàng trăm nhà báo trong nước và nước ngoài, nhưng việc chuẩn bị cũng thiếu chuyên nghiệp, dẫn đến gần như nửa đầu buổi họp, các phóng viên không hiểu hết nội dung trao đổi, do chất lượng phiên dịch kém. Đến mức, chính Giám đốc Công ty BHD, đơn vị đồng tổ chức LHP phải "giằng" lấy micro để phiên dịch bổ sung, hoặc dịch những phần mà người phiên dịch dịch không chuẩn...

Thiếu chuyên nghiệp hay thiếu trách nhiệm?

Lễ khai mạc LHPQT Việt Nam 2010 lần đầu tiên đã diễn ra nhạt nhẽo ngoài tưởng tượng. Đầu tiên, khán giả truyền hình phải "ăn quả lừa" khi phần đón các diễn viên trên thảm đỏ đã diễn ra từ lúc 18h, nhưng "nhà đài" vẫn điềm nhiên đề 2 chữ "trực tiếp" trên màn hình, để bàn dân thiên hạ tưởng là đang được xem trực tiếp!

Trong khi một số diễn viên Việt Nam được "fan" tung hô nồng nhiệt (do các tình nguyện viên của các trường đại học "đóng thế"), thì một số vị khách quốc tế đến lại lủi thủi đi trên thảm đỏ mà không có người dẫn, thậm chí, không cả được nhà đài giới thiệu tên tuổi, chức danh, như ông Marco Mueller, Giám đốc LHPQT Venice, trên cả một đoạn thảm đỏ dài, chỉ là một ví dụ.

Số lượng tình nguyện viên quá ít, khiến cho việc tung hô đôi lúc trở thành lạc lõng. Cái sự diễn của lễ đón đã bị "lộ vở" khi ca sĩ Phương Thanh và ca sĩ Minh Thuận là một trong những cặp nghệ sĩ đầu tiên đến trước, nhưng sau đó, lại thấy tiếp tục xuất hiện lần 2 trên thảm đỏ! Bên ngoài, một số chiếc xe hơi sang trọng cứ vòng đi, vòng lại đưa rước khách vào trước thảm đỏ, dù chỉ có vài bước chân, khiến người ta không khỏi không liên tưởng đến màn PR cho loại xe "khủng" này.

Vì BTC chỉ cho phép những người có vé mời mới được dự lễ khai mạc, nên các phóng viên dù có thẻ của BTC phát, cũng không được vào dự, chứ đừng nói người dân, đã làm nên khoảng cách không nên có của một LHP. Sự thưa vắng trên hàng ghế trong hội trường Mỹ Đình đã minh chứng cho điều này. Lẽ nào, một LHP thiếu vắng công chúng, lại là một LHP thành công?

Tại lễ khai mạc của sự kiện mang tầm quốc tế với sự tham dự của nhiều nhà điện ảnh tên tuổi trong nước và quốc tế, song, trong số các nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam, chỉ có 2 nghệ sĩ thành viên của Ban Giám khảo LHP là NSND Bùi Đình Hạc và NSND Đặng Nhật Minh được xướng tên. Còn những nhà điện ảnh Việt Nam gạo cội, có công lớn trong việc xây dựng nền điện ảnh cách mạng, như NSND Hải Ninh, NSND Trần Phương, NSND Huy Thành, NSND Ngô Mạnh Lân, NSND Nguyễn Khắc Lợi, NSND Đoàn Dũng v.v… đã không được nhắc tới, dù họ đang có mặt tại Liên hoan.

NSND Bùi Đình Hạc cho rằng, lẽ ra, trong một buổi lễ quan trọng như thế này của ngành điện ảnh, những tên tuổi của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam cần phải được nhắc tới và tôn vinh, vì công lao của họ là rất lớn. Điều này là sự cẩu thả, hay thiếu tôn trọng các nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam của BTC cũng như của Đài Truyền hình Việt Nam?

Đặc biệt, thư chúc mừng của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chỉ được MC đọc bằng tiếng Việt, mà không được dịch sang tiếng nước ngoài. Đây có phải là sự thiếu tôn trọng hay không, chắc BTC cũng như Đài Truyền hình Việt Nam rõ hơn hết. Việc tổ chức thiếu chuyên nghiệp đã dẫn đến sau lễ khai mạc, khán giả ra về hết, chỉ còn lại BTC dự buổi chiếu phim khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, khiến khán phòng đã trống vắng, lại càng trống vắng.

Liên hoan mới qua được ngày đầu tiên, nhưng đã bộc lộ quá nhiều lộn xộn bởi công tác tổ chức còn nghiệp dư, không xứng tầm của một LHPQT đã được trông đợi! Vì thế, không có gì khó hiểu, khi ngay sau lễ khai mạc LHPQT Việt Nam lần đầu, rất nhiều người đã bày tỏ sự thất vọng!

Nói ra những điều này, chỉ để mong rằng, LHP lần sau sẽ được tổ chức bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn, để không làm xấu mặt giới nghệ sĩ Việt Nam trước các nhà điện ảnh quốc tế

Thái Hoàng
.
.
.