Liên hoan phim quốc tế Cannes lần thứ 61: Đa dạng sắc màu

Thứ Hai, 19/05/2008, 14:29
Liên hoan phim được coi là có uy tín nhất trên thế giới Cannes lần thứ 61 vừa được chính thức khai mạc ngày 14 và sẽ kết thúc vào ngày 25/5 tới.

Ban giám khảo ở Cannes năm nay do ngôi sao Hollywood Sean Penn làm Chủ tịch cùng các thành viên là những gương mặt quen thuộc của điện ảnh thế giới như các nữ diễn viên Natalie Portman, Jeanna Balibar, Alexandra Maria Lara; các đạo diễn Alfonso Cuaron, Rachid Bouchareb…

22 bộ phim tham gia chương trình tranh giải chính thức tới Cannes từ nhiều quốc gia nhưng không có bộ phim nào của Anh. Các bộ phim Nga cũng không được chọn vào chương trình tham dự chính thức của liên hoan phim quốc tế Cannes lần thứ 61.

Năm nay, nước chủ nhà Pháp trình chiếu ba bộ phim tại Cannes với hy vọng sẽ có được giải thưởng lớn là Cành cọ vàng sau 20 năm không được nhận vinh dự này. Đó là các phim "A Christmas Story" (Arnaud Desplechin, với Chatherine Deneuve trong vai chính); "La Frontiere De L'Aube" (Philippe Garrel) và "Entre les Murs" (Laurent Cantet). Các nhà điện ảnh Pháp cũng hợp tác với đồng nghiệp các nước khác trong một số bộ phim có trong chương trình dự thi ở Cannes năm nay.

Anh em nhà đạo diễn người Bỉ Jeanne-Pierre Dardenne và Luc Dardenne mang tới Cannes năm nay phim "Le Silence De Lorna" (đây là phim Bỉ hợp tác với Pháp và Italia làm).

Những khán giả yêu thích phim châu Á năm nay có thể xem tại Cannes ba phim: "My Magic" (Eric Khoo, Singapore); "24 City" (Giả Chương Kha, Trung Quốc) và "Serbis" (Brilliante Mendoza, Philippines).

Có bốn đạo diễn Mỹ tham dự liên hoan phim quốc tế Cannes lần thứ 61. Đạo diễn kiêm diễn viên gạo cội người Mỹ Clint Eastwood  năm nay mang tới Cannes bộ phim lịch sử "Changeling", kể chuyện một người mẹ gặp lại đứa con của mình từng bị bắt cóc. Trong phim có sự tham gia của Angelina Jolie và John Malkovich.

Đạo diễn người Mỹ thứ hai có tác phẩm tham gia chương trình chính thức của liên hoan phim quốc tế Cannes lần thứ 61 là Charlie Kaufman, tác giả kịch bản phim hài trữ tình "Eternal Sunshine of the Spotless Mind" do đạo diễn người Pháp Michel Gondry thực hiện năm 2004.

Phim "Synecdoche, New York" là tác phẩm điện ảnh đầu tiên mà Kaufman xuất hiện với tư cách đạo diễn. Vai chính do ngôi sao nổi tiếng Philip Seymour Hoffman đóng. Đạo diễn người Mỹ thứ ba có mặt ở liên hoan phim quốc tế Cannes lần thứ 61 là Steven Soderbergh. Ông mang tới đây bộ phim kéo dài tới ba giờ về người anh hùng châu Mỹ La tinh Che Guevara.

Bộ phim "Che" do Soderbergh dàn dựng là công trình hợp tác của điện ảnh ba nước Mỹ, Tây Ban Nha và Pháp. Cách đây không lâu vẫn còn râm ran tin đồn rằng, Soderbergh sẽ không kịp hoàn thành bộ phim hai tập "Che" trước ngày khai mạc liên  hoan phim quốc tế Cannes lần thứ 61. Tuy nhiên, nhà đạo diễn lừng danh đã không lỡ hẹn với khán giả ở Cannes.

Đạo diễn Mỹ James Gray mang tới Cannes năm nay phim "Two Lovers".

Năm nay đạo diễn Wim Vanders, một trong những đạo diễn thường xuyên trình chiếu các tác phẩm của mình tại Cannes đã lại trở về đây với bộ phim hình sự "The Palermo Shooting". Đây là tác phẩm đầu tiên mà Wanders thực hiện ở Đức sau rất nhiều năm hành nghề xa quê hương.

Đạo diễn tài năng người Thổ Nhĩ Kỳ Nuri Bilge Caylan có mặt tại Cannes với tác phẩm điện ảnh thứ 5 của mình: "Three Monkeys".

Trong chương trình chính thức dự thi ở Cannes năm nay còn có hai phim của Italia là "Gomorra" (Matteo Garrone) và "Il Divo" (Paolo Sorrientino) cũng như các phim "Adoration" (Atom Egoyan, Canada); "Delta" (Kornel Mondruczo, Hungary - Đức); "Linha De Passe" (Wallter Salles - Daniela Thomas, Brazil); "Leonera" (Pablo Trapero, Argentina - Hàn Quốc); "La Mujer Sin Cabeza" (Lucrecia Martel, Argentina - Tây Ban Nha).

Phim "Blindness" của đạo diễn Brazil, Fernando Mereilles, trình chiếu vào đêm khai mạc, đã được đánh giá như một ứng cử viên sáng giá cho giải Cành cọ vàng. Trong phim có sự tham gia của nữ diễn viên nổi tiếng của Hollywood, Julianne Moore…

Bộ phim hoạt hình Israel "Waltz With Bashir" của đạo diễn Ari Folman được trình chiếu trong khuôn khổ dự thi chính thức ngày 15/5 đã gây nên chấn động mạnh đối với công chúng.

Được thực hiện theo phong cách phim tài liệu, bộ phim này kể về sự việc đã xảy ra một phần tư thế kỷ trước: những hoạt động quân sự của quân đội Israel trên lãnh thổ Lebanon và các cuộc tắm máu do lực lượng cánh hữu Lebanon gây nên trong các trại tị nạn Palestine. Đạo diễn Folman từng là lính trong đơn vị quân đội Israel có mặt ở nơi đã diễn ra các sự việc bi thảm.

Theo kết luận điều tra của cộng đồng quốc tế, Israel không phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc cảnh sát Lebanon thảm sát người tị nạn Palestine ở các trại tị nạn đó.

Bộ phim "Waltz With Bashir" miêu tả những biến đổi tâm lý của người lính Do Thái trong chiến tranh.

"Nhiệm vụ của tôi không phải tìm ra thủ phạm mà là để hiểu, điều gì đã xảy ra với chúng tôi" - đạo diễn Folman đã nói như thế trong cuộc họp báo ngày 15/5 ở Cannes.

Việc công chiếu tại Cannes phim "Waltz With Bashir"  trùng với dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập quốc gia Israel. "Đó là sự trùng hợp tình cờ, chúng tôi đã không chuẩn bị ra phim chào mừng bất cứ một ngày lễ nào" - đạo diễn Folman tuyên bố (Cũng xin nói thêm, kênh truyền hình của lực lượng khủng bố Al-Qaeda vừa tung ra thông tin rằng, trùm khủng bố Osama Bin Laden sẽ có một bài phát triểu động trời qua băng video nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập quốc gia Do Thái ở Trung Đông).

Theo đánh giá của giới chuyên môn, sự xuất hiện của phim "Waltz With Bashir" cho thấy, xã hội Israel hiện đại không ngại đặt ra trước mình những câu hỏi phức tạp và mâu thuẫn nhất. Cũng chính bộ phim này cho thấy sự tồn tại của một phong trào nhân văn mạnh mẽ trong lòng xã hội Israel, có thể giúp quốc gia Do Thái tạo dựng một triển vọng mới trong những nỗ lực lập lại hòa bình trong khu vực.

Các chuyên gia cho rằng, phim "Waltz With Bashir" đã mở ra một khuynh hướng mới trong dòng phim tài liệu. Bộ phim đã được thực hiện trên cơ sở các cuộc phỏng vấn 9 quân nhân và các nhà tâm lý học.

Thế nhưng, để rời khỏi khuôn khổ truyền thống của dòng phim tài liệu và có thể tìm tới những đúc kết trừu tượng rộng lớn, đạo diễn Folman đã chuyển những hình ảnh quay bằng camera với những con người thật thành hoạt hình.

"Việc này đã giúp tôi có được sự tự do tìm tòi sáng tạo cũng như khả năng kết hợp những sự việc đời thực với thế giới quan của các nhân vật" - đạo diễn tâm sự.

Kết quả là, theo các nhà phê bình điện ảnh ở Cannes, Folman đã đẩy dòng phim tài liệu lên được một nấc thang sáng tạo nghệ thuật và hình ảnh mới

Phương Ly (tổng thuật)
.
.
.