Năm Tỵ nói chuyện rắn:

Lê Quý Đôn và bài thơ về rắn

Thứ Ba, 12/02/2013, 14:55
Bài thơ có nội dung, ý tứ sâu sắc, dẫn cả điển tích về Khổng Tử, Mạnh Tử (nước Trâu là quê hương của Khổng Tử, nước Lỗ là quê hương của Mạnh Tử), lại hoàn toàn đúng niêm luật của thể thơ thất ngôn bát cú và thể hiện rõ chủ đề hứa chăm học mà người ra đề đã yêu cầu.

Lê Quý Đôn là nhà bác học nổi tiếng của nước ta ở thế kỷ XVIII. Ông sinh ngày 5/7/1726 tại xã Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ (nay là xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).

Bố Lê Quý Đôn là Lê Trọng Thứ đỗ tiến sĩ năm 1724, làm quan đến chức Hình Bộ thượng thư.

Từ nhỏ, Lê Quý Đôn đã nổi danh thần đồng, 2 tuổi đã biết chữ, 5 tuổi đọc được nhiều bài Kinh Thi, 10 tuổi đã thông thạo lịch sử, một ngày đọc thuộc hàng chục cuốn sách, cất bút là thành thơ, thành phú. Bài thơ rắn của ông là một bài thơ nổi tiếng, đời đời lưu truyền như là một tác phẩm vô tiền khoáng hậu.

Chuyện kể rằng, quan Nghè Thứ (bố Lê Quý Đôn) là người tài trí, thanh liêm, học vấn uyên thâm, giỏi văn chương, thơ phú, được giới văn nhân khoa bảng hết sức trọng vọng. Hôm nọ, có một người tìm tới tham quan Nghè Thứ. Đến đầu làng, thấy một lũ trẻ tắm truồng trong ao, vị khách hỏi thăm:

- Cháu nào biết nhà quan Nghè Thứ hãy chỉ đường giúp ta!

Một cậu bé chừng bảy, tám tuổi, mặt mũi sáng sủa, chạy lên bờ hỏi:

- Ông đến nhà quan Nghè Thứ chơi, hẳn ông là người giỏi chữ. Vậy cháu đố ông biết đây là chữ gì. Nói được, cháu chỉ nhà cho.

Nói rồi, cậu bé (đang ở truồng) dạng hai chân và hai tay ra, nhìn vào ông khách. Vị khách trả lời ngay:

- Đó là chữ Đại chứ gì mà phải đố!

(Chữ Đại tiếng Hán khi viết giống như một người có đầu, dang hai tay và hai chân ra).

Không ngờ, thằng bé lắc đầu, nói to:

- Sai rồi! Đó là chữ Thái, ông ạ!

(Chữ Thái giống chữ Đại, nhưng có dấu chấm ở dưới tựa như của quý của thằng bé. Điều này do sơ ý, vị khách không thấy).

Cậu bé nói xong, chạy biến vào làng.

…Khi đến nhà quan Nghè Thứ, ông khách kể lại câu chuyện đố chữ lúc nãy và nói: Trẻ con làng này thông minh quá. Đứa trẻ đố chữ tôi lúc nãy ắt sau này phải là người tài giỏi!

Quan Nghè bảo con mang trà ra. Vừa nhìn thấy khách, cậu bé vội cúi đầu lí nhí chào. Khách “à” lên một tiếng, sửng sốt:

- Hóa ra đây chính là cậu bé đố chữ tôi lúc nãy!

Quan Nghè Thứ nổi giận, bảo cậu bé mang roi ra, nằm lên giường. Ông khách vội đứng lên xin tha cho cậu bé. Hỏi tên mới biết cậu là Lê Quý Đôn. Để quan Nghè bớt giận, khách bảo Lê Quý Đôn:

- Nếu muốn khỏi đòn thì cháu phải làm một bài thơ tạ tội.

Lê Quý Đôn ngẩng đầu thưa:

- Xin bác ra đề ạ!

- Ta ra đề thì khó lắm đấy, nên cho cháu tự suy nghĩ.

- Xin bác cứ ra đề, cháu xin lĩnh ý.

- Vậy ta ra đề là: “Rắn đầu biếng học”, phải làm thơ Nôm, thơ thất ngôn bát cú và phải hứa chăm học.

Chỉ trong chốc lát, Lê Quý Đôn đã ứng khẩu đọc:

Chẳng phải liu điu cũng giống nhà
Rắn đầu biếng học lẽ không tha
Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ
Nay thét mai gầm rát cổ cha
Ráo mép chỉ quen tuồng lếu láo
Lằn lưng cam chịu vệt dăm ba
Từ nay Trâu, Lỗ xin siêng học
Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia.

Vừa nghe xong, ông khách kinh ngạc kêu lên:

- Giỏi quá! Giỏi quá! Đúng là thần đồng!

Cái hay, cái độc đáo của bài thơ là ở chỗ Lê Quý Đôn đã đưa tên rắn vào từng câu thơ, mỗi câu thơ có tên một loài rắn: rắn liu điu (câu 1), rắn đầu (câu 2), hổ lửa (câu 3), mai gầm (câu 4), rắn ráo (câu 5), thằn lằn (câu 6), hổ trâu (câu 7), hổ mang (câu 8).

Bài thơ có nội dung, ý tứ sâu sắc, dẫn cả điển tích về Khổng Tử, Mạnh Tử (nước Trâu là quê hương của Khổng Tử, nước Lỗ là quê hương của Mạnh Tử), lại hoàn toàn đúng niêm luật của thể thơ thất ngôn bát cú và thể hiện rõ chủ đề hứa chăm học mà người ra đề đã yêu cầu.

Lê Quý Đôn sau này trở thành nhà sử học, nhà thơ, nhà giáo, nhà chính trị tư tưởng lỗi lạc, có nhiều đóng góp to lớn đối với đương thời và cả hậu thế

Phạm Hồng (Sưu tầm) (Báo CAND Tết 2013)
.
.
.