Lập thư viện tư nhân để thu lại… niềm vui
Chủ nhân ngôi nhà kiêm thủ thư, ông Phạm Văn Hùng, năm nay vừa tròn tuổi bảy mươi và cũng là người con trai duy nhất còn lại của mẹ Dương Thị Rau, kể lại: "Ba tôi - cụ Phạm Ngọc Giáo và hai người em trai Phạm Ngọc Đồng, Phạm Ngọc Thái đều là liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Theo đó, má tôi có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH.
Hồi còn sống, mỗi khi nghe thấy mấy đứa trẻ ở cùng khu phố đi học về tụ tập đùa giỡn, rồi gây sự lẫn nhau ngoài đường, dù chúng không phải là con cháu ruột rà của mình, nhưng má tôi thường bước ra khuyên can, dạy bảo. Nhiều đêm bà nằm ngẫm nghĩ mãi, đến một đêm rằm tháng tư mới bày tỏ với vợ chồng tôi ý tưởng lập một thư viện tư nhân để thu hút thanh thiếu niên và học sinh đọc sách giải trí, nâng cao kiến thức, từ bỏ những thói hư tật xấu.
Ngặt một nỗi thời điểm đó là năm 2000, đời sống sinh hoạt gia đình đều trông vào tiền lương hưu ít ỏi của vợ chồng tôi, nhưng vẫn phải chắt chiu dành dụm để lo học phí cho bốn đứa con, còn tiền phụ cấp danh hiệu Bà mẹ VNAH của má tôi cũng không nhiều, nên không biết tìm đâu ra một nguồn kinh phí ít nhất cỡ chục triệu để lập thư viện. Thấy má tôi trăn trở mãi với ý tưởng đó, vợ chồng tôi thật sự day dứt. Chính sự day dứt đó đã thôi thúc tôi thực hiện trọn vẹn tâm nguyện của bậc sinh thành".
Nghe chuyện tưởng chừng đơn giản lắm, nhưng bảy năm sau thư viện tư nhân Bà mẹ VNAH Dương Thị Rau mới ra đời, vì vợ chồng ông Hùng phải chờ đến khi bốn người con tốt nghiệp đại học, trung học chuyên nghiệp, lúc đó họ mới có thể dành dụm được chút ít tiền để thuê thợ tu sửa, chuyển hóa một phần ngôi nhà thành phòng đọc sách, đóng bàn ghế, giá sách…
Trước khi thực hiện, ông Hùng đã trình bày lại ý tưởng của mẹ Rau trong một cuộc họp ở địa phương và điều đáng mừng là ý tưởng đó đã được cán bộ, đảng viên cùng nhiều người dân thật sự đồng tình ủng hộ. Mấy ngày sau, ông Hùng cất công tìm đến một số cơ quan chức năng có thẩm quyền để đặt vấn đề xin thành lập thư viện tư nhân.
Ở đâu, ông cũng nhận được những lời khen nhiệt thành, nhưng không một ai hướng dẫn, trợ giúp thủ tục pháp lý hoặc hứa hẹn đăng ký ủng hộ vài ba quyển sách khi thư viện ra đời. Nghĩ đến tâm nguyện của người mẹ đã về cõi vĩnh hằng, ông Hùng thấy lòng mình xốn xang đến khó tả, nên ông kiên trì tìm hiểu, thăm dò ý kiến của một số cán bộ công chức đang công tác trong ngành văn hóa thể thao và du lịch.
Điểm cuối cùng ông tìm đến gõ cửa là phòng làm việc của ông Dương Thái Nhơn - Giám đốc Thư viện tỉnh Phú Yên. Vốn tính hiền lành, giản dị và nhiệt tình với công việc, nhưng khi mới nghe ông Hùng trình bày, vị giám đốc tỏ ra e ngại, phần vì không phải chức năng thẩm quyền của mình, phần vì lần đầu tiên ở Phú Yên có người đặt vấn đề lập thư viện tư nhân.
Đến khi biết được đó là tâm nguyện của một bà mẹ VNAH đã đi xa, ông Nhơn không chỉ vui vẻ nhận lời hướng dẫn làm thủ tục đề nghị cơ quan chức trách cấp giấy phép, mà khi Thư viện Bà mẹ VNAH Dương Thị Rau ra đời, ông còn chỉ đạo thủ thư luân phiên cho mượn 200 tập sách trong thời hạn từ ba đến sáu tháng, đồng thời cử nhân viên hướng dẫn lập mã số, sắp xếp nhóm sách…
Tiếp đó, vợ chồng ông Hùng dốc hết số tiền tiết kiệm mua hơn 200 tập sách. Nghe tin Thư viện Bà mẹ VNAH Dương Thị Rau chuẩn bị mở cửa đón bạn đọc, Đảng ủy, Ban chỉ huy Trung đoàn 888 thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên đóng quân ở gần đó đã đến chia vui với gia đình ông Phạm Văn Hùng và trao tặng thư viện 400 tập sách, còn Trường Huấn luyện quân sự Phú Yên hỗ trợ thường xuyên mỗi kỳ hai tờ báo Phú Yên và Quân đội nhân dân.
Một thời gian sau, từ thành phố Hà Nội, Thư viện quốc gia và Vụ Thư viện thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã gửi tặng 1.100 tập sách; một số nhà hảo tâm ở TP Hồ Chí Minh ủng hộ 600 tập; Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Dậu ở cùng khu phố trao 1 triệu đồng để ông Hùng mua bổ sung thêm một số đầu sách.
Bất ngờ và xúc động hơn nữa là một số cán bộ hưu trí ở phường Phú Đông, Phú Thạnh thường dành suất báo của mình mang đến thư viện cho nhiều người cùng đọc