Làm phim về học giả Nguyễn Văn Vĩnh: Công trình kể biết mấy mươi…
Nơi bắt đầu cuộc đi tìm chân dung Nguyễn Văn Vĩnh
Ngôi nhà tầng xinh xắn số 55 nằm sâu cuối phố Lương Sử C, một trong những con phố ngang dọc đan chéo bện buộc mang phong cách rất Hà Nội, nằm áp sát ngay sau lưng Ga Hàng Cỏ, giờ đã là Ga Hà Nội. Ở đấy có gia đình người cháu nội học giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), một nhân vật văn hóa Việt mang đậm bi kịch của bối cảnh giao lưu văn hóa Việt-Pháp nửa đầu thế kỷ XX. Người cháu nội Nguyễn Lân Bình ấy sinh năm 1951, là con trai của một trong những người con trai của Nguyễn Văn Vĩnh: Nguyễn Dực.
Trong nhà Bình, ngay phòng khách, đặt bàn thờ cụ Vĩnh, quanh năm nghi ngút khói hương tưởng nhớ. Giữa lòng nhà còn giữ nguyên bộ tràng kỉ kiểu cổ, do đích thân cụ Vĩnh đặt làm, với hình ảnh điêu khắc, lấy từ truyện ngụ ngôn của La Fontaine: Con cò và con chó sói, cùng chữ ký rất bay, thoáng của cụ. Trên ban thờ, tấm hình chụp chân dung cụ Nguyễn Văn Vĩnh đen trắng trông phong trần, thông minh dĩnh ngộ, mắt sáng, tóc cắt cao, mang thần thái của một nhà báo.
Tôi đã cùng một số khách mời được xem bộ phim tư liệu gia đình về Nguyễn Văn Vĩnh ở gác 2 ngôi nhà đó và kinh ngạc vô cùng về cái cách làm phim của bộ ba: Nguyễn Lân Bình, xây dựng kịch bản cùng đạo diễn Trần Văn Thủy và quay phim Nguyễn Sĩ Bằng.
Có lẽ đây là một cách làm phim hi hữu, mà điểm xuất phát hoàn toàn là tâm huyết, là sự nặng tình đối với một nhân vật lịch sử ngay trong chính gia tộc của mình. Nguyễn Lân Bình đã không trông chờ ở bất cứ một sự giúp rập nào từ xung quanh, tự mình thế chấp ngôi nhà của mình cho ngân hàng lấy tiền tỉ để làm phim, nếu gọi theo cách "xã hội hóa", thì đây là quyết định "xã hội hóa" của một cá nhân, nhất quyết lần tìm cho ra con đường sự nghiệp của ông nội Nguyễn Văn Vĩnh.
Từ ngôi nhà này, cả gia đình của Bình đã lên đường đi Lào, đến đúng quãng sông Schepol, nơi ông nội Vĩnh đã mất, cùng đoàn làm phim. Nguyễn Lân Bình mang theo vợ con, Trần Văn Thủy cũng mang theo con trai lớn. Cả hai đều muốn vợ con, những người ruột thịt nhất, tận mắt trông thấy quãng sông này, nơi mà trong một đêm mưa gió mấy mươi năm trước, người ông nội, cụ nội Nguyễn Văn Vĩnh, đã mất trên một chiếc thuyền độc mộc, trong tay vẫn còn cầm bút với thiên phóng sự dở dang "Một tháng với những người đi tìm vàng".
Cả đoàn làm phim đã tham gia vào việc làm đám giỗ cho ông Nguyễn Văn Vĩnh ngay trên bờ sông, trong sự quan tâm thân mến của những người dân Lào bình dị đang sinh hoạt thường nhật xung quanh. Không ngờ thế hệ thứ 4 của cụ Vĩnh lại ý thức về cụ nội của mình sâu sắc đến thế. Đám trẻ ấy biết mình có một người cụ nội chết trên chính dòng sông xa xôi này ở nước Lào, và chết cho một sự nghiệp báo chí còn dang dở, một cái chết rất có ý nghĩa…
Gian nan chặng đường làm phim theo dấu người xưa
Trong khoảng một năm trời quay phim, đoàn làm phim đã không ngần ngại trải nghiệm lại cuộc hành trình văn hóa của Nguyễn Văn Vĩnh qua các địa danh: sông Schepol ở Lào, nhà lưu niệm Nguyễn Du ở Nghệ An, khu mộ lặng lẽ và khiêm tốn tại làng Phượng Dực (xã Phượng Vũ, Phú Xuyên, Hà Đông - nay là Hà Nội) quê ông, một số thành phố nước Pháp mà ông Nguyễn Văn Vĩnh từng đặt chân tới, thành phố Hồ Chí Minh, nơi ông Nguyễn Văn Vĩnh từng có thời gian làm báo và nay đã có con đường mang tên ông.
Đặc biệt, đoàn làm phim đã đến Marseille, thu được những thước phim quý, dựng lại những ấn tượng ngay từ buổi bình minh của thế kỉ XX, khi Nguyễn Văn Vĩnh, một thanh niên Việt đầu xanh tuổi trẻ, đặt chân đến cảng Marseille nước Pháp, dự Hội chợ đấu xảo lần đầu. Ấn tượng khiến ông Vĩnh bất ngờ nhất là Nhà hát Lớn Marseille và cuộc thưởng ngoạn đầu tiên với sân khấu Pháp cổ điển. Vở "Le Cid" diễn đêm 26/6/1906 làm ông bàng hoàng. Thư ông viết từ Marseille (27/6/1906) về Việt
Khát khao này, cùng với những điều mắt thấy tai nghe về văn hóa văn minh Pháp, đã xui khiến khi về nước, Nguyễn Văn Vĩnh quyết thành nhà báo tự do, tự do ra báo, thành lập nhà xuất bản. Việc đầu tiên ông làm được cho sự nghiệp xây dựng một nền kịch nghệ Việt
Về văn hóa, ông cũng là người đầu tiên khơi nguồn cho cử chỉ văn hóa rất quan trọng: "Việt Nam hóa" ảnh hưởng của sân khấu phương Tây, bắt đầu bằng nghệ thuật dịch từ tiếng Pháp ra tiếng Việt những tác phẩm cổ điển của Molière, và là một trong vài người Việt đầu tiên ý thức được công cuộc "Việt Nam hóa" kịch Tây phải là một quá trình chuyển động văn hóa.
Nỗ lực của những người làm bộ phim, dày công tìm lại dấu vết của những con đường mà Nguyễn Văn Vĩnh đã đi qua, đã được đền bù một cách xứng đáng qua những thước phim đẹp đẽ, chân tình và xúc động.
Một mô hình của phim tài liệu chân dung nghệ thuật
Phim "Mạn đàm về Người Man di hiện đại", 4 tập, dài 215 phút, thoạt đầu, chỉ mang nghĩa "hướng nội": phim tư liệu gia đình. Đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy, quay phim Nguyễn Sỹ Bằng đã hoàn tất bộ phim sau một năm. Thoạt đầu, phim được trình chiếu trước gia tộc, và một số nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm đến thân phận lịch sử Nguyễn Văn Vĩnh.
Rồi hữu xạ tự nhiên hương, nhiều cơ quan, tổ chức đoàn thể đã liên hệ với gia đình để chiếu giới thiệu bộ phim và hầu hết những phản hồi về bộ phim đã khiến cho những người làm phim hết sức phấn khởi.
Xem phim, số đông nhận thức: Đúng là phim tài liệu chân dung nghệ thuật! So với ý tưởng ban đầu, "Mạn đàm về Người Man di hiện đại" đã vượt ngưỡng rất xa khỏi tư liệu gia tộc!
Dù để nguyên 4 tập hay rút gọn để chiếu ở nước ngoài, (đã được mời trình chiếu không chỉ ở nước Pháp), bộ phim vẫn đảm bảo thông tin cốt lõi về Nguyễn Văn Vĩnh, với bi kịch người trí thức Tây học tiền phong trong lĩnh vực: văn hóa, văn minh, báo chí, văn học, nghệ thuật… của Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX.
Các nhà làm phim có lí khi đặt tên và chọn phương pháp mạn đàm xuyên suốt giọng kể tự sự của bộ phim.
Do thiếu cảnh quan hiện thực, các nhà làm phim đã dựng cảnh Hà Nội đầu thế kỷ XIX bằng ảnh đen trắng, lấy từ nguồn tư liệu của một người bạn Pháp. Qua ảnh, Hà Nội thời đó như cái làng to, nhà cửa lụp xụp, đường đất để trần chưa trải nhựa. Bờ bãi sông Hồng hoang dại cỏ may, thuyền bè tấp nập, chưa có cây cầu Paul Doumer (Long Biên), bắc ngang sông Hồng.
Bố mắng mỏ cậu bé Vĩnh 8 tuổi: "Mày muốn chăn bò hay kéo quạt?", khiến Vĩnh chọn thân phận thằng nhỏ kéo quạt thuê cho lớp đào tạo thông ngôn, do người Pháp mở ở đình Yên Phụ. Kéo quạt, học lỏm tiếng Pháp, nhắc bài học sinh kém. Thầy hỏi, chưa trò nào kịp trả lời, Vĩnh nhanh nhảu "cầm đèn chạy trước ôtô". Thầy coi Vĩnh là "thần đồng tiếng Pháp", đề nghị hiệu trưởng cho Vĩnh học chính thức lớp thông ngôn. Tuổi 14, Nguyễn Văn Vĩnh đỗ đầu khóa, được bổ ngay làm thông ngôn cho Tòa sứ Lào Cai…
"Mạn đàm" từ góc độ chuyên môn, các nhà văn hóa, nhà sử, nhà văn, nhà nghệ sĩ, nhà báo… đều cùng đánh giá Nguyễn Văn Vĩnh trên tinh thần tôn trọng sự thật khách quan. Các nhà sử học Phan Huy Lê, Nguyễn Đình Đầu, Đinh Xuân Lâm khẳng định Nguyễn Văn Vĩnh phải được nghiên cứu cẩn trọng trong bối cảnh giao lưu văn hóa Đông-Tây, trên tinh thần triết học "Francophonie".
Phan Huy Lê đánh giá: Nguyễn Văn Vĩnh là nhà tư tưởng dân chủ Việt
Nhà báo Trần Hòa Bình, nhà báo Yên Ba đều mong muốn đổi mới cách nhìn Nguyễn Văn Vĩnh-nhà báo, nhà văn-dịch giả, và khẳng định: Văn học chữ Quốc ngữ ở Việt Nam được bắt đầu một phần thông qua nghệ thuật dịch của Nguyễn Văn Vĩnh! Nhà sử học người Pháp Philipe ở Viễn Đông bác cổ hóm hỉnh: Nguyễn Văn Vĩnh luôn nghĩ mình ngang hàng người Pháp; người Pháp giận, bởi Vĩnh thiếu… mặc cảm nhược tiểu! Trịnh Văn Thảo, Phương Ngọc ở đại học Pháp cho Nguyễn Văn Vĩnh là khuôn mặt văn hóa Việt rực rỡ nhất đầu thế kỷ XX. Trần Văn Khê quá yêu thơ Nguyễn Nhược Pháp, đã kể ông phổ nhạc bài "Em đi chùa Hương" của con trai Nguyễn Văn Vĩnh hào hứng mê say đến thế nào!
Lên phim tự sự và độc thoại, các nhân vật trên đã giúp bộ phim cân bằng hài hòa tính chính luận (qua đánh giá của các nhà nghiên cứu) và tính nhân văn (tình cảm gia tộc chan chứa) nổi bật trong hình tượng Nguyễn Văn Vĩnh, nhân vật chính của bộ phim tài liệu nghệ thuật này.
Tháng 6/1999, Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh quyết định đổi tên đường Hậu Giang, dài 400m, thành đường Nguyễn Văn Vĩnh, bởi Nguyễn Văn Vĩnh là người có công đầu khai sáng việc dùng chữ Quốc ngữ cho người Việt đầu thế kỷ XX, với câu nói nổi tiếng: "Nước Nam ta mai sau này hay, dở cũng là ở chữ Quốc ngữ!".
Nguyễn Lân Bình vẫn ao ước phim "4 tập, 215 phút" sẽ chiếu rộng rãi cho các khán giả ở TP Hồ Chí Minh, nơi có con đường mang tên ông nội anh, Nguyễn Văn Vĩnh. Như thế, "Người Man di hiện đại" đã không chỉ là báu vật văn hóa của riêng gia tộc Nguyễn Lân Bình nữa...