Lại bàn về ông “vua” sân cỏ

Thứ Tư, 30/03/2011, 10:35
Cái title báo này hẳn sẽ có người cho là rất ngô nghê. Bởi "vua" dù có quyền lực đến mấy và sang trọng đến mấy thì xét cho cùng cũng là người, vì thế không thể xếp "vua" và "người" trong một mối quan hệ đối xứng như vậy được. Tuy nhiên, nếu co hẹp vấn đề ở cuộc chơi V.League, nơi mà sai lầm của những "ông vua sân cỏ" vẫn được cho là những sai lầm rất "con người" thì lại nảy sinh nhiều lắm những hỉ - nộ - ái - ố.

Con tàu V.League mới đi qua 8 sân ga, nhưng đã có khá nhiều những "ông vua sân cỏ" bị các cầu thủ, các HLV phàn nàn. Mà có cả trăm kiểu phàn nàn, từ phàn nàn bằng miệng như của HLV Lê Thụy Hải với "ông vua" Ngô Quốc Hưng: "Ông ấy bắt thế thì có khác gì giết chết Thanh Hóa chúng tôi", đến cả những phàn nàn bằng cách ném áo (Đình Tùng - Thanh Hóa), ném băng đội trưởng (Lê Đức Tuấn  - HN.ACB), rồi cả những phàn nàn bằng hành động như việc một cầu thủ của Khánh Hòa thẳng thừng đụng vào "chỗ kín" của "còi vàng" Võ Minh Trí.

Chao ôi, khi nghe cái tin một cầu thủ đụng vào "chỗ kín" của một trọng tài thì chắc chắn là cả dân trong cuộc lẫn dân ngoài cuộc chỉ còn biết cách ôm bụng mà cười ra nước mắt. Nhưng sự thật là thế đấy. Sự thật là giới bóng đá bây giờ có cả trăm ngàn kiểu phản ứng trọng tài.

Và sự thật là bất luận trọng tài trẻ, mới lần đầu bắt V.League như ông Ngô Quốc Hưng, Nguyễn Quốc Hùng (người vừa bị cầu thủ HN.ACB phản ứng dữ dội sau khi ông phạt đội này 11m trong trận gặp Khánh Hòa trên sân Nha Trang), hay trọng tài gạo cội như Võ Minh Trí cũng đều bị "tố" như nhau cả.

Trọng tài Ngô Quốc Hưng đã thừa nhận mình sai trong trận Thanh Hóa - Sông Lam. Ảnh: Quang Minh.

Cái kiểu thi nhau tố trọng tài và thi nhau nghĩ ra các biện pháp "tố" trọng tài (trong đó có những biện pháp hết sức quái đản) khiến người ta phải đặt ra câu hỏi: Đây là V.League - giải bóng đá chuyên nghiệp số 1 ĐNA như nhiều người vẫn nói hay là cái chợ, nơi mà người ta sẵn sàng thượng cẳng chân hạ cẳng tay, rồi sẵn sàng tổng sỉ vả nhau khi phải đối diện với những hoàn cảnh không như ý?

Trước việc các ông vua sân cỏ bị tố cáo dữ dội, Hội đồng Trọng tài Quốc gia (HĐTT QG) cũng đã lập tức vào cuộc, để lập tức mổ băng, soi xét vấn đề. Kết luận được đưa ra, có những trường hợp trọng tài đúng 100%, điển hình như trường hợp ông Võ Minh Trí thổi Khánh Hòa tới 3 quả 11m trong trận đấu trên sân Chi Lăng ở vòng 7, nhưng cũng có trường hợp trọng tài đã sai 100%, điển hình là tình huống ông Ngô Quốc Hưng bắt lỗi bóng chạm tay trung vệ Thanh Hóa, từ đó "ép" Thanh Hóa chịu 11m trong trận đấu với Sông Lam.

Theo luật FIFA thì chuyện trọng tài đúng - sai ra sao, và những cuộc mổ băng liên quan đến quyết định của các trọng tài ra sao phải là điều tuyệt mật, không được công bố. Nhưng vì đặc thù riêng của BĐVN nên HĐTT cũng đã sẵn sàng công bố những cái lẽ ra phải tuyệt mật ấy - đó là một điều đáng hoan nghênh. Bởi khi mọi thứ đã "hai năm rõ mười" thì cả bên tố cáo lẫn bên bị tố cáo đều không có lý do gì để kêu ca phàn nàn nữa.

Vấn đề tới đây tưởng như xong, nhưng thực chất lại chưa xong khi ông Chủ tịch HĐTT khẳng định rằng những cái sai của "vua" (nếu có) đều là những cái sai rất con người, vì thế cần được thông cảm. Ngay lập tức "quái lão" Lê Thụy Hải phản thùng: "Lúc nào người ta cũng lấy hai chữ "con người" để bao biện cho cái sai của trọng tài là sao? Mặt khác, trọng tài sai thì được thông cảm, vì trọng tài là con người. Nhưng chúng tôi phản ứng một tí thì lập tức bị phạt. Vậy chúng tôi không phải là con người, chúng tôi là con ngợm chăng?".

Thực ra nếu cứ để ý nhau và chấp vặt nhau từng câu nói như thế thì chắc chắn là người ta sẽ phải ngồi đó mà cãi nhau cả ngày. Vì thế vấn đề không phải là ai đúng, ai sai trong từng cuộc tranh luận mang nặng tính "chấp vặt". Vấn đề là từ thực tế này, người ta chợt nhận ra một sự thật nguy hiểm, nhưng lại là cốt lõi của vấn đề: Dân làng bóng bây giờ đang mất niềm tin vào nhau một cách trầm trọng.

Nhiều cầu thủ, nhiều HLV khi bị trọng tài thổi phạt lập tức cho rằng mình bị thổi ép, bị dằn mặt - chứ không phải bị thổi phạt một cách đúng nghĩa. Ở phía ngược lại, nhiều trọng tài khi bị các cầu thủ, HLV phản ứng lập tức cho rằng họ phản ứng mình vì "tư thù" hoặc vì những nguyên nhân hậu trường nào đó - chứ không phải phản ứng vì chuyên môn. Chính từ việc người ta không tin nhau, nói đúng ra là không tìm được những cơ sở để tin trong một xã - hội - bóng - đá nhập nhằng đen - trắng đã dẫn tới việc cứ có sự cố một tí là người ta có thể ngay lập tức nổi khùng, và ngay lập tức ném về phía nhau những ánh nhìn thù hận.

Nhưng ai cứu rỗi niềm tin? Ai trả lại cho sân bóng Việt Nam một vùng trời trong trẻo sau cơn bão tiêu cực cầu thủ, và cả cơn bão tiêu cực trọng tài từng làm ngả nghiêng cả nền bóng đá?

Cách phân công trọng tài không hợp lý

Những lùm xùm liên quan đến các tiếng còi của "vua" một phần bắt nguồn từ cách phân công trọng tài không giống ai của HĐTT. Đơn cử như ông trọng tài Ngô Quốc Hưng ở vòng 2 V.League đã bị phía Thanh Hóa phản ứng dữ dội (vì ông rút thẻ đỏ với HLV trưởng Thanh Hóa Lê Thụy Hải), thế mà lại tiếp tục được phân công bắt trận Thanh Hóa - Sông Lam ở vòng 7.

Ngô Quốc Hưng là một trọng tài trẻ, thiếu kinh nghiệm, nên việc phải bắt một trận đấu có một đội bóng cách đây chưa lâu từng phản ứng mình, rõ ràng sẽ tạo cho ông nhiều áp lực. Ở phía ngược lại, nếu ông có sai sót gì với đội bóng đó (thực tế là đã sai sót) thì mọi thứ cũng sẽ rất dễ bị nhìn nhận theo chiều hướng tiêu cực.

Rất mong, việc phân công trọng tài sẽ được tổ chức lại một cách khoa học hơn và cả "tế nhị" hơn.

Hội đồng Trọng tài cũng có vấn đề?

Trước tình trạng hàng loạt trọng tài bị tố cáo, một ủy viên HĐTT không ngại ngần lên báo nói rằng, năm nay công tác tập huấn trọng tài đã diễn ra khá rầm rộ. Vì thế, việc các trọng tài bị tố cáo, và thực tế là đã mắc sai phạm một phần quan trọng bắt nguồn từ công tác giảng dạy, tập huấn trước đó. Những điều ông ủy viên HĐTT này tuyên bố chẳng khác gì việc "vạch áo cho người xem lưng".

Và với cái kiểu "người nhà tố nhau" như thế, không khó nhận ra HĐTT hiện nay cũng không đoàn kết như người ta vẫn nghĩ (?). Và với một cái Hội đồng "có vấn đề" thì việc bản thân từng trọng tài cũng "có vấn đề" e là không khó hiểu.

Phan Đăng
.
.
.