Kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhà thơ Chế Lan Viên
Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương; nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà văn, nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện các cơ quan, ban, ngành của Trung ương và địa phương; các nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình lý luận: nhà thơ Trần Đăng Khoa, Bằng Việt, Hà Minh Đức, Mai Quốc Liên, Khuất Quang Thụy, Đỗ Chu… cùng nhiều thế hệ độc giả của nhà thơ Chế Lan Viên đã tham dự. Ông Phan Trường Định - con trai nhà thơ Chế Lan Viên, đại diện gia đình đã đến dự.
Tham luận "Năng động và tài hoa, tư duy Chế Lan Viên" của GS. Hà Minh Đức đã mở đầu lễ kỷ niệm trọng thể, khẳng định những đóng góp to lớn của nhà thơ với đất nước, với nền thi ca nước nhà: "Hơn năm thập kỷ đến với thơ, đời thơ Chế Lan Viên gắn với sự phát triển đất nước và nhân dân, là sự diễn đạt về số phận dân tộc mình…
Thơ Chế Lan Viên luôn tạo cho người tiếp nhận thỏa mãn, đủ đầy ý thơ và cảm xúc thơ. Trong tư duy Chế Lan Viên luôn năng động mở ra với đời. Tư duy triết luận kết hợp với tư duy chính luận, tạo nên sự sắc sảo, mạnh mẽ. 90 năm sinh cho một cuộc đời và hơn nửa thế kỷ sáng tạo với nhiều chặng đường chói sáng, tài năng nghệ thuật ấy mang dấu ấn của sự vĩnh cửu".
Nhà phê bình Lê Thành Nghị cũng nhấn mạnh những giá trị đích thực của đời thơ Chế Lan Viên: "Trong văn học Việt Nam thế kỷ XX, nếu chọn một nhà thơ tài hoa và độc đáo bậc nhất, chắc chắn nhiều người sẽ nghĩ đến Chế Lan Viên, bởi ông đã làm chúng ta đi từ kinh ngạc này đến kinh ngạc khác. Sức sáng tạo của Chế Lan Viên có thể nói là phi thường và dấu ấn thơ ông để lại trong đời sống tinh thần của thời đại ông sống quả hết sức sâu sắc. Có thể nói Chế Lan Viên đã làm phong phú thêm tâm hồn của mỗi người dân Việt bằng những câu thơ xuất phát từ tâm hồn đặc biệt của ông... Đến Chế Lan Viên, thơ Việt Nam đã phát lộ hết chiều kích, đã trở nên hết sức sang trọng, với những vẻ đẹp hiện đại có thể sánh với bất cứ nền thơ hiện đại nào của thế giới…".
Nhà phê bình Lại Nguyên Ân cũng đưa ra hàng loạt tư liệu về dư luận ngay khi tập Điêu tàn của Chế Lan Viên ra mắt vào cuối năm 1937, đầu 1938, cho thấy những giá trị nghệ thuật và lịch sử trong sáng tác của Chế Lan Viên.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận tuyển tập Chế Lan Viên do Giám đốc NXB Văn học tặng Bảo tàng Hội Nhà văn. |
Tại buổi lễ, các nhà thơ, nhà văn đều nhắc đến Chế Lan Viên với niềm trân trọng, khẳng định ông là người một đời với thơ, một đời vì thơ. Ông là nhà cách tân thơ ca của thời đại, khi đã làm mới một lần Thơ mới, lại làm mới lần nữa Thơ cách mạng ngày nay.
Ông đã làm nhiệm vụ đại sứ văn hoá với những tác phẩm thơ mang tính thời sự - thời đại và chính điều đó đã đưa ông lên tầm vóc nhà thơ cách mạng trong thế giới thế kỷ XX. Di sản thơ ông để lại thật đồ sộ, như vỉa ngầm sẽ tiếp tục được khai thác.
Không phải ngẫu nhiên Chế Lan Viên có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong đồng nghiệp, đặc biệt là những nhà thơ trẻ. Văn học Việt Nam thế kỷ XX sẽ nhạt đi biết bao nếu không có Chế Lan Viên. Tính hiện đại trong thơ Chế Lan Viên làm nên sức sống lâu bền của thơ ông. Chắc chắn Chế Lan Viên sẽ còn đồng hành với chúng ta đến mai sau, và sẽ là nhà thơ đi xa nhất theo trục thời gian phía trước.
Những kỷ niệm khó quên với nhà thơ Chế Lan Viên của nhiều nhà văn, nhà thơ đã được ôn lại tại buổi lễ, trong niềm trân trọng, tiếc thương một tài thơ lớn của Việt Nam: tham luận "Chế Lan Viên như tôi biết" của nhà thơ Bằng Việt; nhà thơ Trần Đăng Khoa với những cảm nhận về hồn thơ Chế Lan Viên; ký ức của nhà báo Phan Quang, những kỷ niệm của GS Mai Quốc Liên, nhà văn Bùi Bình Thi về nhà thơ lớn Chế Lan Viên đã tạo nên niềm xúc động, ý nghĩa lắng sâu trong buổi lễ. Dường như, mỗi người đã từng có kỷ niệm với Chế Lan Viên, đều mong muốn có một nén nhang thơm với tài hoa lớn của thi đàn Việt Nam trong buổi lễ này.
Tại buổi lễ đặc biệt này, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Giám đốc hệ phát thanh có hình VOV Đài tiếng nói Việt Nam, đã mang đến một món quà tinh thần vô giá: đoạn ghi âm giọng đọc bài thơ "Người thay đổi đời tôi - Người thay đổi thơ tôi" của chính nhà thơ Chế Lan Viên, đã được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam lúc sinh thời. Điều này tạo nên cảm giác gần gũi, ấm cúng, như thể Chế Lan Viên cũng về đây, dự buổi lễ trang trọng này.
Thay mặt các thế hệ nhà văn, nhà thơ Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đưa ra những lời nhận định chân tình: "Nếu sự nghiệp thi ca của Chế Lan Viên càng mang lại hạnh phúc cho các thế hệ độc giả bao nhiêu, thì lại càng gây khó khăn cho những người làm thơ bấy nhiêu. Bởi lẽ, Chế Lan Viên đã tạo được một thế giới riêng, một từ trường riêng, một vùng ảnh hưởng mà những người mới làm thơ phải có một bản lĩnh nào đó mới có thể thoát ra khỏi từ trường đó. Phải là một nhà thơ tài lắm, Chế Lan Viên mới tạo ra được điều kỳ diệu ấy".
Ông Nguyễn Cừ, Giám đốc NXB Văn học, cũng chia sẻ những tình cảm và sự gắn bó của nhà thơ Chế Lan Viên với NXB Văn học cũng như tình cảm của NXB Văn học với ông. Nhân dịp này, NXB Văn học đã trao tặng Bảo tàng Hội Nhà văn Việt Nam toàn bộ tuyển tập của nhà thơ Chế Lan Viên.
Thay mặt gia đình, ông Phan Trường Định đã không giấu được niềm xúc động trước tấm lòng của các nhà văn với cha mình, trước những kỷ niệm đẹp mà bạn bè, đồng nghiệp của ông còn lưu giữ, cũng như buổi lễ kỷ niệm trang trọng và ấm áp mà Hội Nhà văn đã dành cho nhà thơ.
Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 20/11/1920. Những câu thơ huyền diệu được ông cho ra đời ngay từ khi mới 11, 12 tuổi, để rồi, 17 tuổi, Chế Lan Viên đã xuất bản tập thơ đầu tay "Điêu tàn". Từ đây, cái tên Chế Lan Viên bắt đầu tạo được ấn tượng trên thi đàn Việt Nam và cùng với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn trở thành "Bàn thành tứ hữu" của Bình Định. Chế Lan Viên từng là Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban thư kí Hội Nhà văn Việt Nam, đại biểu Quốc hội các khóa IV, V và VI, Ủy viên Ban văn hóa - giáo dục của Quốc hội. Ông mất ngày 19/6/1989 tại TP HCM, thọ 68 tuổi. Ông đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. |