Kỳ họp thứ 9, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương

Thứ Tư, 05/05/2010, 16:26
Kỳ họp thứ 9 của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương (LLPBVHNT TƯ) diễn ra trong 2 ngày, đã khai mạc tại Hà Nội sáng 4/5.

Tham dự kỳ họp, có đồng chí Phùng Hữu Phú, Ủy viên TƯ Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo TƯ, Chủ tịch Hội đồng LLPBVHNT TƯ; đồng chí Nguyễn Hồng Vinh, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng LLPBVHNT TƯ; đồng chí Dương Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Văn phòng TƯ Đảng; đại diện một số vụ chức năng thuộc Ban Tuyên giáo TƯ; đại diện một số cơ quan Đảng và 28 thành viên Hội đồng LLPBVHNT TƯ.

Đánh giá hoạt động của Hội đồng thời gian qua, đồng chí Nguyễn Hồng Vinh, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng LLPBVHNT TƯ, nhấn mạnh: Ban Chỉ đạo đề án Chống diễn biến hòa bình và đề án Đấu tranh chống quan điểm sai trái trong VHNT đã kịp thời phát hiện, tham mưu cho Ban Bí thư chỉ đạo và ngăn chặn nhiều âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch, trong việc dùng VHNT để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Nhóm chuyên gia đã viết hàng trăm bài đấu tranh phản bác lại các quan điểm sai trái trong VHNT.

Thời gian tới, Hội đồng đang chuẩn bị chu đáo cho lớp tập huấn tại Tam Đảo giữa tháng 5/2010 và Hội thảo khoa học quốc gia "VHNT với hiện thực cuộc sống hôm nay" vào tháng 7/2010.

Hội đồng LLPBVHNT TƯ thảo luận các vấn đề về VHNT cấp thiết hiện nay.

 Tình hình trao giải thưởng VHNT hiện nay được Hội đồng dành thời gian đánh giá và thảo luận: Việc trao giải thưởng đã góp phần tôn vinh các giá trị sáng tác và định hướng hoạt động, động viên đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo. Tuy nhiên, hiện có quá nhiều giải thưởng, chất lượng không tương xứng với số lượng. Một số giải thưởng, cuộc thi đã gây hoang mang, phản ứng trong dư luận, khi tiếp thu vội vã lý luận của nước ngoài, cường điệu mặt đen tối, tiêu cực, mất mát, cay đắng; nhân danh đổi mới áp đặt những thiên kiến, ẩn ức cá nhân, thoát ly hiện thực, thoát ly bối cảnh lịch sử, phủ nhận quá khứ.

Một số nơi có sự điều chỉnh, nhưng có những giải thưởng ở một địa phương vẫn lặp đi, lặp lại, thành một khuynh hướng, một dòng phái, bị dư luận phê phán nhưng chưa điều chỉnh, là biểu hiện không thể xem thường. Bên cạnh đó, các văn bản pháp qui chậm được thi hành hoặc cụ thể hóa. Giá trị giải thưởng không cao, còn sự cào bằng, nên không kích thích sáng tạo. Có biểu hiện thiếu thống nhất trong chỉ đạo xét giải thưởng cấp cao. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn giải thưởng chưa đủ tầm, nên hội viên thiếu thông tin, báo chí không được thông tin đầy đủ, nên đưa tin phiến diện.

Riêng công tác xét thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam đã đảm bảo tính định hướng, có chất lượng, có ý nghĩa khẳng định giá trị và động viên sáng tác. Tuy nhiên, tiêu chí xét giải có lúc thiếu nhất quán. Bước sơ khảo chưa bao quát hết tình hình văn học; qui chế giải thưởng lạc hậu.

Một số thành viên Hội đồng LLPBVHNT TƯ cũng cho rằng giải thưởng VHNT nhiều năm nay còn thiếu khách quan trong chấm và trao giải. Việc trao giải không đúng giá trị, chuẩn mực, nên không định hướng được dư luận, không kích thích sáng tác. Nhiều thành viên Hội đồng LLPBVHNT TƯ cho rằng, "hội đồng nào, giải thưởng đó", nên cần xem xét lại các hội đồng chấm giải, để có hội đồng có trình độ và công tâm. Cần có những giải thưởng sang trọng, hàn lâm để trao cho những giá trị văn chương, để người được nhận cảm thấy kiêu hãnh. Cần đổi mới mạnh mẽ vì cơ cấu trao giải thưởng quá lạc hậu và các giải do Nhà nước trao phải được tổ chức trang trọng, giá trị tương xứng.

Đồng chí Phùng Hữu Phú đã kết luận ngày họp đầu tiên: Hội đồng dành thời gian trao đổi vấn đề giải thưởng là rất xứng đáng, vì vấn đề này tác động lớn đến việc động viên sáng tạo, đoàn kết giữa các hội viên cũng như trong xã hội. Hội đồng xin tiếp thu các ý kiến và sẽ báo cáo Bộ Chính trị, đề nghị xây dựng đề án xét giải thưởng, vì qui định hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, lạc hậu, cần thay đổi. Nhưng việc đổi mới cần vững chắc, hiệu quả. Hội đồng cũng tán thành đề xuất tổ chức một số cuộc trao đổi tọa đàm rộng rãi với một số tổ chức, như qui trình triển khai thực hiện đề án

Thanh Hằng
.
.
.