Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần:

Không thể viết cho thiếu nhi bằng tâm hồn của ông già

Chủ Nhật, 25/05/2008, 15:55
Nguyễn Ngọc Thuần được nhắc đến như một nhà văn trẻ có thành tựu thực sự, và thành tựu đó lại được bắt đầu từ văn học thiếu nhi. Cuốn sách "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" của anh vừa được trao giải Peter Pan tại Thụy Điển.

Dẫu vậy, với Thuần, giải thưởng không phải là điều lớn lao nhất khi anh bước vào văn chương. Sống chậm rãi giữa thành phố náo nhiệt, Nguyễn Ngọc Thuần nhìn mọi vấn đề tỉnh táo và nghiêm túc hơn nhiều bạn viết cùng thời…

Đã lâu rồi, anh không xuất bản sách mới. Đó là thời gian anh tự nghiệm hay là thời gian thay đổi trong sáng tác của anh?

Tự dưng tôi mất dần cái thú in sách, chỉ viết cốt để đăng báo. Và cũng chỉ viết lúc nào cảm thấy thật sự vui. Trong thời gian qua, có một cái gì đó hoàn toàn thay đổi về quan niệm của tôi. Nó là cái gì, tôi không biết, nhưng chắc chắn nó sẽ thay đổi mọi trật tự trong tôi nếu tôi xuất bản một cuốn sách mới.

Anh đang viết về cái gì vậy? Một tác phẩm đẹp và trong veo của "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ", "Một thiên nằm mộng"?

Tôi đang viết một cuốn dành riêng cho những người "đã từng không quá câu nệ sự thật", nhưng không biết có xong nổi hay không. Có quá nhiều thay đổi từ lúc bắt đầu, và tới giờ vẫn cứ tiếp tục thay đổi.

Nhân nói tới "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ", nó mới đoạt giải thưởng Peter Pan của Thụy Điển. Có ý kiến cho rằng, đây chỉ là một may mắn dành cho người mới đến từ một nền văn học còn mới lạ với châu Âu. Anh có cảm thấy tự ái về điều này?

Điều đó càng đáng mừng. Để tạo nên một cái gì "mới với châu Âu" sẽ vô cùng khó khăn hơn là tạo nên một cái gì "giống châu Âu". Nếu ai đó không tin văn học Việt Nam có thể đoạt được một giải thưởng của nước ngoài nào thì đó là do bản thân họ có quá nhiều mặc cảm.

Trong lịch sử của giải Peter Pan, các nước có các tác giả được trao giải là Pháp, Mỹ, Nga, Ireland, Phần Lan, Canada, và Trung Quốc. Không thể xem những nước trên là xa lạ với châu Âu được. Nhưng cũng đừng vì những điều đó mà quá đặt nặng. Giải thưởng không thể thay đổi cuốn sách của bạn, bởi vì cuốn sách bao giờ cũng có trước, trước khi giải thưởng được trao cho bạn. Nói cách khác, giải thưởng chỉ làm mỗi việc xác định lại tư tưởng của bạn mà thôi.

Anh, với những gì xuất hiện trước bạn đọc, là cây bút điềm tĩnh, có cách viết trong trẻo, nên đôi khi được hình dung như một nhà văn viết truyện cho… thiếu nhi. Với riêng tôi, thì tất nhiên anh không chỉ viết cho lứa tuổi này. Nhưng anh có  thấy viết cho thiếu nhi ở Việt Nam vừa cực nhọc, vừa dễ bị… bạc đãi bởi hệ thống phát hành không?

Điềm tĩnh chính là niềm tin của bạn. Bạn chỉ có thể hoặc điềm tĩnh, hoặc bấn loạn, không thể cùng một lúc cả hai. Văn chương là sự điềm tĩnh của tâm hồn. Bạn không thể vừa viết văn vừa hoang mang. Bạn phải tin chắc cái điều mình viết. Bạn chỉ thật sự là bạn khi không bị lay động. Bạn không thể phóng xe máy 200 km/h mà tâm trí vẫn thảnh thơi. Bạn sẽ bị bấn loạn ngay, bị chính tốc độ sai khiến bạn ngay.

Thực ra viết cho thiếu nhi bao giờ cũng được ưu ái hơn nhiều. Xin hãy tin tôi đi. Với trẻ con, con người luôn nương nhẹ ngay trong tiềm thức.

Với những người viết văn và biên tập văn chương, ở Nguyễn Ngọc Thuần có một nội lực khác, đó là viết về những vùng nhạy cảm trong đời sống, những cảm nhận về sự đổi thay trong vòng luân sinh của kiếp người. Ở đó, dường như anh đã không còn là Nguyễn Ngọc Thuần của sự trong veo nữa mà nhiều suy ngẫm, dằn vặt. Tại sao anh lại phân thân rõ rệt được như vậy?

Để một con người già đi về suy nghĩ cũng như hình dáng, đó không phải là công việc mà con người cần phải cố gắng, nó là chuỗi tự nhiên. Chỉ có nỗ lực làm trẻ lại của ông già mới khó, mới phải cố gắng, còn người trẻ thì luôn luôn có cơ may già đi, không việc gì phải cố cả. Một con người suy ngẫm và dằn vặt sẽ là một tai nạn hơn là niềm vui thú.

Tôi không bao giờ chủ đích trở thành như thế. Cũng không có chủ đích để trẻ lại. Chẳng qua, khi viết cho thiếu nhi thì không thể bằng tâm hồn của một ông già.

Anh gần như không thuộc về Sài Gòn mặc dù anh đã làm việc và sống ở thành phố này hơn 10 năm. Anh đã sống theo nhịp sống của mình chứ không chạy theo sự gấp gáp của thành phố này. Anh có cho rằng, đó là điều kiện cần thiết cho một nhà văn hôm nay?

Mỗi người có một nhịp điệu riêng về cuộc sống, một cách thở quân bình, cách đi, một cách nghiền ngẫm, cách tư duy, cách quan niệm thế nào là vừa phải. Ngay cả một chiếc xe máy bạn đi cũng mang màu sắc về cá nhân bạn, cách bạn nhìn nhận thế giới, cách bạn để tâm hồn mình rung động theo kiểu nào. Cho nên, dù có ở thành phố này 10 năm, hay nhiều hơn thế nữa thì tôi vẫn là tôi mà thôi, một cậu bé tĩnh lặng ở nông thôn, tôi không thể đi qua thành thị mà trở thành "huyên náo" được. Nhưng điều đó không hẳn là điều tốt duy nhất trên đời này.

Một tâm hồn huyên náo vẫn có thể hay, hay theo cái kiểu huyên náo của nó. Không có một cái gì đúng hoàn toàn. Cái hay là cái sai, nó phải sai một chút, nó phải có một khuyếm khuyết, một tì vết, nó phải không được hoàn thiện. Bởi cuộc sống chỉ có một. Chính cái sai mới làm cho cuộc sống này trở nên phong phú thêm.

Đọc và viết, anh có thấy cuộc sống của nhà văn Việt Nam khá quanh quẩn và tẻ nhạt? Và phần nào đó đáng thương, khi họ ảo tưởng về sức mạnh của những con chữ của mình trong thời đại mà người đọc sách có thể đếm được chắc chắn là con số 1.000 (có thể kém hơn, dựa vào số bản in) và số tiền họ kiếm được từ một cuốn tiểu thuyết chỉ bằng tháng lương công chức nhà nước?

Đúng là chữ nghĩa rất dễ gây cho người ta những ảo giác. Nhưng tôi tin nếu đúng là chữ nghĩa thì nó luôn luôn có một sức mạnh. Chữ nghĩa có thể phá hủy hoặc làm lành cuộc đời tôi. Tôi lớn lên từng ngày là nhờ một vài câu chữ của ai đó hơn là hệ thống giáo dục nhà trường. Cũng nhờ chữ nghĩa, tôi được người khác trân trọng hơn, so với tôi lúc tôi còn là một thằng bé buồn chán tự ý bỏ học vào năm lớp 10 và không làm gì khác.

Đã là nhà văn thì cuộc sống không thể sinh động như người mẫu được. Tẻ nhạt là cái chắc. Một người phải núp sau con chữ, một người phải nhô ra ngoài ánh sáng. Nhưng bạn sẽ được an ủi một điều rằng, nếu bạn không xinh đẹp như người mẫu X,Y thì con đường trở thành một nhà văn như tôi sẽ không hề bị khép lại như cái thế giới tươi đẹp kia. Đó không phải là một may mắn hay sao?

Xin cảm ơn anh!

Dương Bình Nguyên (thực hiện)
.
.
.