Không còn “Gặp nhau cuối tuần”

Thứ Ba, 19/12/2006, 08:58
Sau 7 năm tồn tại với hai chiều dư luận ngược nhau, "Gặp nhau cuối tuần" đã ghi hình buổi cuối cùng vào đêm 15/12 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội trong sự ngậm ngùi của nhiều nghệ sỹ.

Sự dừng lại của "Gặp nhau cuối tuần" được hiểu như một lần hi sinh cần thiết cho một sự hồi sinh thuyết phục hơn của các nghệ sỹ hài trong những chương trình giải trí trên sóng truyền hình Việt Nam.

Buổi ghi hình đông nghẹt khán giả, với sự tụ hội của các nghệ sỹ hài hàng đầu hai miền Nam - Bắc: Hồng Vân, Bảo Quốc, Phạm Bằng, Văn Hiệp, Chí Trung, Quốc Khánh, Quang Thắng, Công Lý, Vân Dung, Xuân Bắc, Minh Vượng, Tự Long, Thúy Nga, Việt Hương, Anh Vũ, Đức Hải, Hoàng Sơn...

Kết cấu như một vở kịch, trên một chuyến tàu sang trọng ra biển lớn, người ta có thể bắt gặp đủ loại người, từ sang trọng đến thấp hèn, từ người tử tế đến kẻ lưu manh, từ sếp đến lính... Tựa như cả một xã hội thu nhỏ cùng đi trên một chuyến tàu. Và rồi họ gặp phải những tảng băng trên biển, tất cả những mối quan hệ ấy, những cuộc hành trình ấy đều phải dừng lại.

Có thể hiểu được ý tưởng của những người làm chương trình. Nhưng với 3 tiếng rưỡi ghi hình, khán giả cũng tỏ ra thấm mệt bởi kịch bản có một ý tưởng nhưng khi triển khai ra thành từng cảnh để từng cặp nghệ sỹ thể hiện đã thấy rõ sự chắp vá, không xuyên suốt. Phần đầu tiên chiếm khá nhiều thời lượng của chương trình nhằm để các nghệ sỹ xuất hiện, cho họ vào những vai thành công nhất của mình trong "Gặp nhau cuối tuần", như một lần nhắc nhớ khán giả, đã bị không ít người cho là nhạt và rườm rà.

Thế nên vấn đề mở ra thì rộng, nhưng lại không có đủ một lượng chi tiết, sự kiện để khi đóng lại gây được độ ép phê. Vẫn có những tiểu phẩm gây hiệu ứng tốt, nhưng là một vở kịch hài thì không phải. Tất nhiên, những người làm chương trình không nói rằng, sẽ thực hiện một vở kịch, nhưng thấy rõ tham vọng của họ với chương trình cuối cùng này.

Từ chương trình cuối cùng này, tạm gọi là một chương trình được đầu tư kỹ lưỡng (như các show "Gặp nhau cuối năm" phát vào dịp Tết), cho thấy rõ sự cạn nguồn của kịch bản. Sức người có hạn và lực bất tòng tâm, đó là điều ai cũng nhận ra với "Gặp nhau cuối tuần".

Làm hài kịch mà lại lên sóng hàng tuần, chỉ để khán giả cười được đã là một cố gắng có phần kiệt sức. Vậy mà chương trình đã duy trì tới 7 năm, là một show truyền hình lâu nhất của VTV và cũng là chương trình có rating quảng cáo cao nhất với 35 tỷ đồng mỗi năm. Điều ấy cho thấy sức hấp dẫn của hài kịch là rất lớn. Thế nhưng, vẫn buộc phải dừng lại, không gì khác bởi chất lượng của nó đã không còn như mong đợi.

Thử nhìn lại những ý tưởng buổi đầu với những chương trình về sau sẽ thấy sự khác biệt. Những chương trình đầu tiên là sự kỳ công với ý tưởng hết sức mạch lạc, dù diễn xuất và cách thực hiện còn nhiều vụng dại. Về sau thì thực hiện chuyên nghiệp hơn, diễn xuất của nghệ sỹ đã "nghề" hơn, nhưng rất nhiều chương trình bị cho là sống sít và qua quýt.

"Gặp nhau cuối tuần" là cánh cửa mở ra cho rất nhiều nghệ sỹ trẻ vốn chỉ là những diễn viên chạy cờ của các nhà hát. Từ chương trình này, những Thu Hương, Trà My, Tiến Quang, Công Lý... từ vô danh thành những danh hài. Thế nhưng, "Gặp nhau cuối tuần" với mật độ lên sóng liên tục cũng là nơi biến các diễn viên trẻ thành những người được nuông chiều mà dễ dãi hơn với công việc của mình.

Ngừng phát sóng "Gặp nhau cuối tuần" và thay vào đó là một chương trình giải trí tương tác và một bộ phim sitcom (phim chỉ có các tình huống ứng xử và đặc biệt là có các tình huống hài, gây cười trong một số bối cảnh cố định...) nhiều tập là dự định mới của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam VFC.

Ông Nguyễn Khải Hưng, Giám đốc VFC cho rằng, lời chia tay nào cũng mang nhiều tiếc nuối. Nhưng không còn cách nào khác. Sự dừng lại của một cái cũ sẽ là mảnh đất cho những cái mới phát triển.

Trả lời báo chí, ông Hưng cho rằng, đã có khoảng 15 diễn viên được "Gặp nhau cuối tuần" đào luyện thành những gương mặt hài được khán giả nhớ tới. Nhưng giờ họ đã xuất hiện dày đặc trên các kênh truyền hình và thấy rõ sự nhàm chán. Sự xuất hiện của họ càng nhiều trong "Gặp nhau cuối tuần" càng khiến họ cũ kỹ.

Thế nên, "Gặp nhau cuối tuần" sẽ chỉ còn xuất hiện 4 show một năm vào các dịp 1-5, 2-9, Tết tây và Tết ta. Bộ phim sitcom có thời lượng vài trăm tập với dàn diễn viên độc quyền đang là niềm hy vọng mới của VFC.

Còn chương trình tạp kỹ sẽ thế chỗ vào lịch phát sóng của "Gặp nhau cuối tuần". Đó là một chương trình của những người trẻ tuổi với các phần trò chuyện, ca nhạc và tiểu phẩm hài...

Rất có thể lời tạm biệt của "Gặp nhau cuối tuần" sẽ lại là lời mở đầu ý nghĩa cho những chương trình mới, những tiếng cười ý nghĩa hơn...

Toàn Nguyễn
.
.
.