Khi nào bóng đá nữ “xây nhà từ móng”?

Thứ Ba, 13/05/2014, 09:35
Trước khi bước vào hành trình chinh phục giấc mơ World Cup, đội tuyển bóng đá nữ quốc gia liên tục nhận những gói tài trợ thuộc loại khủng mà trước đây có nằm mơ các cô gái vàng Việt Nam cũng không thấy. Sự sung túc và đủ đầy lúc này với tuyển nữ là rất cần thiết, bởi những cô gái vàng ấy mang theo giấc mơ của cả một nền bóng đá. Chỉ có điều người ta vẫn chưa yên tâm khi nhìn vào những nữ cầu thủ trẻ, những người chưa bao giờ hết tủi thân khi bước chân vào nghiệp quần đùi áo số.

Không “ăn dè hà tiện” không được

Ngay cả trong lúc bóng đá Việt Nam bết bát nhất thì đội tuyển nữ quốc gia cũng mang lại niềm tự hào cho người hâm mộ và nền bóng đá. Ngày mai (14/5), đội tuyển nữ Việt Nam bước vào hành trình chinh phục giấc mơ World Cup. Các cô gái vàng của bóng đá nước nhà không còn cách quá xa giấc mơ ấy, nhất là khi được chơi trên sân nhà. Nếu biến giấc mơ có mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh của người Việt thành hiện thực thì các cầu thủ nữ đã làm nên một điều kì vĩ chưa từng có cho nền bóng đá nước nhà.

Thế nhưng trước giờ xung trận không phải là không có những âu lo cho đội tuyển nữ. Vấn đề chủ yếu không nằm ở đôi chân mà ở tư tưởng khi vẫn có quá nhiều nỗi lo bủa vây các cô gái đang mang theo niềm hy vọng của cả một nền bóng đá. Chuyện tưởng như khó tin trong chuyến đi tập huấn tại Trung Quốc, các nữ tuyển thủ phải mang mì gói đi ăn thêm. Một nữ cầu thủ khi đưa những bức ảnh chụp bữa ăn đơn sơ lên trang Facebook cá nhân, nhiều người đã không thể không lo lắng. Bữa ăn đạm bạc đến khó tin của tuyển nữ trong một chuyến tập huấn nước ngoài làm nhiều người lo ngại sức chiến đấu của đội tuyển nước chủ nhà ở VCK Asian Cup nữ sắp tới.

Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng quyết định tăng tiền ăn cho các tuyển thủ nữ thêm 20 USD/ngày. Rõ ràng đó là một khoản tiền không nhỏ nếu được dùng vào việc đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho các nữ tuyển thủ. Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông của VFF Nguyễn Xuân Gụ còn khẳng định: “Với sự quan tâm của VFF và các nhà tài trợ, bây giờ không thể gọi các tuyển thủ nữ là con nhà nghèo nữa. Nhưng khổ nỗi các tuyển thủ nữ từ xưa tới nay có thói quen chi tiêu, ăn uống hà tiện. Có kinh phí trợ cấp ăn, dinh dưỡng họ muốn quy thành tiền mặt để cất đi”.

Đội tuyển nữ Việt Nam luôn phải vượt khó để chinh phục những mục tiêu cho VFF. Ảnh: P.Ngọc.

Các tuyển thủ bóng đá nữ Việt Nam bao năm nay sống trong thiếu thốn nên thói quen “ăn dè hà tiện” hình thành trong họ, ăn vào nếp nghĩ. Không trách được các cô gái của tuyển nữ bởi chế độ họ được hưởng khi tập trung đội tuyển quốc gia cũng khác một trời một vực so với khi thi đấu ở CLB. Thủ môn Kiều Trinh bảo rằng: “Có tiền thưởng, tiền lương hay trợ cấp, chúng tôi luôn phải nghĩ đến chuyện tiết kiệm để lo cho tương lai. Sau khi giải nghệ, nếu không có lưng vốn để xoay xở làm ăn thì không biết sống bằng nghề gì”.

Sau “giấc mơ” là gì?

Nhiều nữ tuyển thủ khẳng định những gì họ đang nhận được là điều mà trước đây có nằm mơ họ cũng không dám nghĩ tới. Ngay cả giai đoạn thống trị bóng đá nữ khu vực Đông Nam Á, tuyển nữ Việt Nam cũng luôn tủi thân và chịu nhiều thiệt thòi nếu so bì với các đồng nghiệp nam.

VFF nhiệm kỳ này đang rất muốn để lại một dấu ấn bằng một suất có mặt ở VCK World Cup nữ vào năm 2015 của tuyển nữ quốc gia. Nhưng nếu nhìn vào những nhà tài trợ liên tiếp đến với tuyển nữ thì sự đối đãi dành cho các cô gái vàng vẫn có một khoảng cách so với đội tuyển nam. HLV Trần Vân Phát cũng cho rằng: “Không bao giờ nên lấy bóng đá nữ để so với bóng đá nam. Nữ cầu thủ bất cứ đâu trên thế giới cũng thiệt thòi hơn so với các nam cầu thủ”. Nhưng điều ông Phát trăn trở là đằng sau giấc mơ World Cup các thế hệ nữ tuyển thủ sau này có còn được quan tâm, có còn được chăm lo.

Bóng đá Việt Nam quyết tâm chăm lo cho lứa cầu thủ trẻ để gây dựng lại sau một giai đoạn dài thất bát nhưng các nữ cầu thủ trẻ thì vẫn chưa bao giờ hết tủi thân khi bước chân vào sự nghiệp chơi bóng. Cựu tiền đạo Nguyễn Thị Tuyết Mai chia sẻ: “Một lần tôi về thăm đội bóng cũ Phong Phú Hà Nam, nhìn các lứa đàn em chơi bóng với thu nhập chỉ 2-3 triệu/tháng mà thương rớt nước mắt. Bộ mặt ở đội tuyển và bộ mặt bóng đá nữ ở CLB là rất khác nhau”. Bóng đá nữ Việt Nam đã không còn thống trị độc tôn ở khu vực khi Thái Lan, Myanmar dồn lực đầu tư, đưa đội tuyển của họ đi tập huấn ở những nền bóng đá nữ phát triển hàng đầu như Nhật Bản.

Một cầu thủ nữ dù đã khoác áo tuyển thủ vẫn không tránh khỏi cảm giác tủi thân và cách sinh hoạt của họ cũng rất khó thay đổi ngay cả khi đã sung túc, đủ đầy. Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng nói rằng, đã đến lúc bóng đá Việt Nam phải xây nhà từ móng, nhưng trong sự khẳng định ấy của ông Dũng hình như bóng đá nữ không xuất hiện. Dù có vươn tới giấc mơ World Cup VFF có lẽ vẫn cần những khoảnh khắc nhìn lại những đôi chân nữ nhi tội nghiệp chạy mải miết trên sân cỏ. Giấc mơ của một nền bóng đá đang gửi gắm ở những đôi chân ấy

Hải Minh
.
.
.