Khi đội ngũ biên kịch trẻ làm việc theo nhóm

Chủ Nhật, 01/06/2008, 11:38
Viết kịch bản cho điện ảnh và truyền hình từ xưa vốn là "đất" của các nhà biên kịch chuyên nghiệp, "lớn" cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề. Song, hiện nay, đặc quyền đó đang bị "tãi mỏng" bởi sự nhập cuộc của đội ngũ những người biên kịch trẻ tuổi, năng động và giàu tâm huyết.

Thế mạnh của tuổi trẻ

Nhóm biên kịch SGr 21 (Screenwriting Group 21) gồm bốn cô gái thuộc thế hệ 8X: Hà Anh Thu (28 tuổi), Đàm Vân Anh (26 tuổi), Nguyễn Quỳnh Trang (25 tuổi) và Lê Thu Thủy (26 tuổi). Họ vốn là những sinh viên học chuyên ngành Biên kịch khóa 21 (2001 - 2005) - Khoa Nghệ thuật Điện ảnh - Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.

Ngay từ khi đang học tại trường, dưới sự hướng dẫn của thầy giáo chủ nhiệm Lê Ngọc Minh, nhóm bốn cô gái này đã tìm được niềm đam mê chung, đó là viết kịch bản phim, theo đuổi đúng chuyên ngành mà họ đang theo học.

Họ đã thành lập một nhóm viết để tạo nên sức mạnh tập thể, cũng từ đó họ bắt tay vào viết theo đơn đặt hàng những bộ phim dài tập như "Những chàng trai đa cảm" (19 tập - Hãng phim Đông A sản xuất), "Chuyện cổ tích" (10 tập, phát sóng ở VTC), "Vua Cầu" (30 tập) - đạo diễn Quốc Tuấn. (Sẽ được phát sóng vào thời gian tới), Show truyền hình: Vui cùng Tweenies 156 tập (đã phát sóng trên VTV2), "Nhật ký Vàng Anh" (phần 2)… Phim nhựa "Chớp mắt cùng số phận" (Hãng phim truyện I), "Em muốn là người nổi tiếng" (biên kịch Hà Anh Thu)…

Họ chỉ là một trong số những nhóm biên kịch trẻ được thành lập trong thời gian gần đây và cùng nhau xây dựng một thương hiệu trong làng điện ảnh trẻ đang phát triển khá mạnh ở nước ta.

Nguyễn Quỳnh Trang, trưởng nhóm, tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh năm 2005 với tác phẩm "Cây bưởi ra hoa" (cũng là tác phẩm đoạt giải A cuộc thi Sáng tác kịch bản do Cục Điện ảnh tổ chức năm 2005 tâm sự: "Ban đầu, chúng tôi đến với nhau theo một bản năng nào đó, nhưng rồi dần dần, khi viết được vài kịch bản chung, chúng tôi cảm thấy được sự đam mê và gắn kết giữa các thành viên là không thể thiếu.

Mặc dù có nhiều nhà biên kịch vẫn cho rằng sáng tác kịch bản là việc làm của một người vì nó là tác phẩm mang đậm dấu ấn cái tôi cá nhân. Tuy nhiên với nền điện ảnh hiện nay, theo chúng tôi, quan niệm đó đã không còn thích hợp. Bởi kịch bản được sáng tác cuối cùng trở thành một bộ phim hoàn chỉnh là sự sáng tạo của rất nhiều người...".

Nhìn ra thế giới. Các nước có nền điện ảnh phát triển thì việc sáng tác kịch bản tập thể họ đã làm từ rất lâu. Ở Mỹ, bộ phim "Cuốn theo chiều gió" được sản xuất từ năm 1939 đã có tới mười lăm nhà biên kịch và ba đạo diễn. Dù đó là bộ phim được chuyển thể từ một tác phẩm văn học nổi tiếng nhưng vẫn phải có một tập thể lớn cùng sáng tác lại. "Cuốn theo chiều gió" đã trở thành bộ phim kinh điển nhờ cách làm như vậy.

Và đến nay, ở Hollywood, kinh đô của điện ảnh thế giới, thường có mười nhà biên kịch trở lên cùng sáng tác kịch bản và biên thoại. Đó là sự tổng hợp trí tuệ, tính sáng tạo và sự thống nhất của một tập thể.

ở phía Nam, nhóm 5 người viết trẻ, tuổi đời từ 19-22 có tên gọi "Sói con" dưới sự bảo trợ của đạo diễn Lưu Trọng Ninh và hãng phim M&T Pictures đã cho ra mắt bộ phim khá đình đám "Đi về phía mặt trời". Bộ phim là sự phối hợp hài hòa ý tưởng của đạo diễn và các nhà biên kịch trẻ tuổi thể hiện được khát vọng của chính cái tôi từng cá nhân trước đời sống.

Hiện nay, nhu cầu kịch bản trên thị trường là rất lớn. Đặc biệt, sự ra đời các hãng phim tư nhân là cánh cửa rộng mở đối với những người biên kịch trẻ. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên biên kịch đã nhận được "đơn đặt hàng" của chính các thầy cô giáo mình, những người có mối quan hệ rất rộng với các hãng phim và đạo diễn nổi tiếng. Đó là một niềm khích lệ lớn lao đối với những người viết trẻ.

Nguyễn Thị Vân Anh và Lương Thị Hoàng Mai đang là sinh viên năm thứ tư lớp biên kịch K24 nhưng những ngày chuẩn bị tốt nghiệp của hai cô gái này là những ngày bận rộn bởi vì họ vừa phải gấp rút hoàn thành kịch bản phim truyền hình dài 35 tập "Khuyến mại mùa cưới" (đạo diễn Đỗ Minh Tuấn - Hãng phim truyện Việt Nam).

Đặc biệt hơn, chưa ráo mực với những tập phim trước, hai cô gái này lại chuẩn bị bắt tay vào viết kịch bản phim mới dài 25 tập "Nắng cuối mùa" (đạo diễn Vũ Đình Thân).

Khi được hỏi về tâm trạng của mình khi hoàn thành xong những tập phim dài, Vân Anh tâm sự: "Đôi lúc cũng mệt mỏi lắm chị ạ, ăn cũng nghĩ về kịch bản, ngủ cũng nghĩ về kịch bản, nằm mơ cũng thấy đang viết kịch bản… nhưng đây là con đường mình đã chọn, mình chọn nghề, nghề chọn mình và mình sống được nhờ nghề thì ắt mình phải đam mê thôi"!

Tôi hỏi, nhóm em có 2 người, sao không tìm thêm người để đỡ vất vả hơn? Vân Anh chia sẻ: "Thực ra, em và Mai làm việc khá ăn ý, dù mệt nhưng cố thêm một tí mình vẫn có thể hoàn thành công việc theo tiến độ được giao, và em thiết nghĩ 2 người đã là đủ cho một nhóm vì dễ thống nhất quan điểm hơn".

Một nghề thu nhập cao nhưng cũng đầy thử thách

Hiện nay, theo giá Nhà nước quy định, mỗi tập phim được trả chi phí từ 5-6 triệu. Nếu làm việc chăm chỉ, mỗi nhóm biên kịch sẽ viết được vài phim trong một năm, mỗi phim chừng 20-30 tập, như vậy số tiền của họ kiếm được so với đồng lương của một sinh viên ra trường là rất lớn.

Tuy nhiên, như Nguyễn Quỳnh Trang nói: Ban đầu, nhóm SGr 21 có ý định cùng chung nhau thành lập công ty biên kịch, nhưng rồi ý tưởng đó không thực hiện được vì nhiều lẽ, một phần, họ chưa đủ sức để cạnh tranh với những công ty được các "ông bầu" là các đạo diễn, các nhà sản xuất có uy tín cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề bảo trợ.

Phần nữa, họ mới chỉ là những sinh viên tốt nghiệp ra trường, vốn sống và kinh nghiệm viết còn hạn chế, cho dù lòng tâm huyết với nghề có lớn đến mấy thì họ vẫn phải tìm thầy để bổ sung kiến thức ở những lĩnh vực cụ thể nào đó mà họ chưa biết đến, nếu đi ra ngoài quy luật, họ vẫn chỉ tạo ra những sản phẩm hời hợt, nông cạn của lứa tuổi.

Nguyễn Quỳnh Trang cho biết, hiện nay, tuy nhóm của cô mỗi người đã có một công việc ổn định tại một cơ quan Nhà nước: Trang ở lại trường làm giảng viên, Hà Anh Thu về Phòng Biên kịch Hãng phim truyện Việt Nam, Lê Thu Thủy về Phòng Nội dung 1, Hãng phim truyền hình, Đài THVN, Đàm Vân Anh về Phòng Nội dung 3, Hãng phim truyền hình, Đài THVN, nhưng nhóm của cô vẫn "có nhau" nếu được đặt hàng và hiện tại họ vừa hoàn tất một kịch bản phim dài 30 tập sẽ được khởi chiếu vào giờ vàng trên VTV.

Thời gian qua, phim Hàn Quốc và Trung Quốc chiếm thị phần lớn trên các kênh truyền hình Việt Nam. Dù không thiếu những bộ phim dở nhưng nó lấy được không ít nước mắt của khán giả Việt Nam. Để phủ sóng cân bằng cho phim nội có lẽ chúng ta sẽ phải chờ đợi ở những nhà biên kịch trẻ đầy tiềm lực, những nhóm biên kịch trẻ đủ tâm huyết và tài năng cộng với thời gian rất dài ở phía trước họ sẽ cùng chung sức gánh vác tiếng nói của thế hệ mình, góp phần vào sự đổi mới của nền điện ảnh nước nhà.

Gần đây, tại Việt Nam, đã có nhiều nhóm viết kịch bản ra đời và ban đầu họ đã thu được những thành công nhất định. Nhóm "Lưỡng Hà Song Thủy"gồm 4 cô gái (Thu Hà, Thái Hà, Nguyễn Thủy, Đinh Thủy) ngay khi vừa tốt nghiệp lớp Lý luận phê bình điện ảnh khóa 1 thuộc Dự án điện ảnh Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, đã cho ra mắt kịch bản "Âm tính" và được hãng Lasta mua bản quyền sản xuất ngay, bộ phim này được khởi quay vào tháng 6 năm 2008.

Sở dĩ họ có được những thành công ban đầu bởi ngay khi rời ghế nhà trường họ được sự bảo trợ của Công ty Scripts (do nhà văn Nguyễn Quang Lập làm Giám đốc) cùng với chính sự nỗ lực của những người viết trẻ tâm huyết với nghề họ đã cho trình làng nhiều kịch bản hấp dẫn giới trẻ như "Lập trình cho trái tim", "Tuổi yêu"… được biết, số lượng của nhóm này hiện nay đã lên tới 9 thành viên và họ đang cùng nhau xây dựng cho mình một "thương hiệu" trong làng biên kịch trẻ.

Trong một cuộc trả lời báo giới, nhà văn Nguyễn Quang Lập đã khẳng định rằng công ty của ông sẽ là sân sau của những nhà sản xuất, đáp ứng tất cả mọi yêu cầu đưa ra và sẽ có hàng đảm bảo chất lượng.

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.
.