Khai thác tài năng nhí để mua vui cho người lớn?

Chủ Nhật, 02/08/2015, 09:29
Sau khi game show dành cho người lớn đã bão hòa, những nhà sản xuất chương trình truyền hình liền quay sang khai thác thần tượng nhí. Không chỉ chiếm lĩnh giờ vàng trên VTV, các cuộc thi nghệ thuật của thiếu nhi còn đổ bộ sang các kênh khác.

Dường như những nhà tài trợ quá hào hứng, nên VTC có thêm “Young hit Young beat - Nhí tài năng”, còn Đài truyền hình Vĩnh Long cũng dự phần bằng “Little Giants-Người hùng tí hon”... Nếu chủ quan dựa theo các chương trình tranh tài thiếu nhi trên truyền hình, thì ai cũng ngỡ nước ta đang bùng phát nghệ sĩ nhí. Thực ra, đến hôm nay, chúng ta vẫn chưa có một sự hiểu biết hay một giáo trình nào để đào tạo những năng khiếu nghệ thuật.

Trước đây, những địa chỉ đáng tin cậy nhất để thăng hoa tài năng tuổi thơ là các Nhà thiếu nhi. Những tên tuổi được hâm mộ như Hồng Nhung, Thu Minh, Hiền Thục… đều được phát hiện và rèn luyện tài năng thông qua các hoạt động thân thiện của Nhà thiếu nhi.

Khi thị trường giải trí hình thành, thì những ngôi sao nhí lại trở thành đặc sản cho guồng quay lợi nhuận. Khoảng cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, hàng vạn đĩa hát của cô bé Xuân Mai đã được bán ra, và Xuân Mai được xem như cỗ máy in tiền không chỉ của gia đình mà còn của nhiều hãng sản xuất.

Do đó, Xuân Mai đã bị đánh cắp thời thơ ấu tươi đẹp. Bước qua giai đoạn trẻ con, Xuân Mai dần mờ mịt và hiện tại ca hát như một cái bóng nhạt nhòa của quá khứ!

Phải thẳng thắn nói với nhau, sau mỗi chương trình trên truyền hình, các tài năng nhí sẽ được gì? Một phần thưởng nho nhỏ và một con đường dở dang chăng? Trẻ em dưới 10 tuổi rất hồn nhiên, không nên cổ vũ các em theo đuổi những viễn cảnh phù du.

Trẻ em đang được khuyến khích làm nghệ sĩ trên truyền hình.

Ca sĩ Mỹ Linh được mời ngồi ghế nóng cuộc thi Young hit Young beat - Nhí tài năng, khẳng định: “Học viện Young hit Young beat sẽ tiếp tục đào tạo bài bản cho các tài năng nhí. Tôi tham gia chương trình cũng bởi mong muốn tìm kiếm được những tài năng trong mọi lĩnh vực nghệ thuật và đưa các bé về Học viện để đào tạo bài bản, giúp các em có nền tảng vững chắc”. Đó là một lời hứa, còn kết quả thì hãy đợi đấy!

Nhiều nhà giáo dục đã ái ngại về thực trạng các chương trình thi thố nghệ thuật dành cho thiếu nhi đang tràn lan trên truyền hình, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý học tập của các em. Thế nhưng, bây giờ đã gần hết mùa hè, mà nhiều sân chơi mới khởi động thì chắc chắn khi năm học mới bắt đầu thì nhiều em vẫn còn tung tăng làm nghệ sĩ!

Nếu cứ mải mê với những màn ca hát nhảy múa, tại sao các kênh truyền hình không sản xuất những chương trình kích thích trẻ em trau dồi kiến thức, để có thêm nhiều thần đồng như Đỗ Nhật Nam?

Lê Thiếu Nhơn
.
.
.