Khai thác hiệu quả giá trị các di sản thế giới

Thứ Bảy, 11/07/2015, 15:13
Tính đến hết năm 2014, cả nước có 17 di tích và loại hình nghệ thuật được UNESCO công nhận là Di sản (DS) văn hóa vật thể và DS văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Việc khai thác hiệu quả tiềm năng của các di tích thuộc nhóm DS văn hóa vật thể như: Vịnh Hạ Long, phố cổ Hội An... đã mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho địa phương và đất nước, góp phần giải quyết công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho người dân nơi đây.

Trong những năm qua, nhờ đẩy mạnh khai thác, quảng bá hình ảnh, thương hiệu của các DS nên lượng khách du lịch tham quan tại các điểm DS thế giới tại Việt Nam không ngừng tăng lên. Vịnh Hạ Long, quần thể di tích Cố đô Huế từ khi mới được công nhận là DS thế giới chỉ có vài chục nghìn du khách, đến nay đã thu hút trên 2 triệu du khách tới tham quan, nghiên cứu mỗi năm. Nhờ đó, riêng nguồn thu hằng năm từ tiền vé của những DS này có đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách của địa phương.

Cụ thể, năm 2014, doanh thu từ vé tham quan Vịnh Hạ Long vào khoảng 350 tỷ đồng, quần thể di tích Cố đô Huế đạt hơn 139 tỷ đồng, phố cổ Hội An đạt hơn 98 tỷ đồng... Đó là chưa kể nguồn thu từ các dịch vụ khác. Tuy nhiên, so với tiềm năng sẵn có, những kết quả vừa qua được cho là chưa tương xứng.

Không chỉ đóng góp lớn cho ngân sách địa phương, việc khai thác hiệu quả giá trị của DS còn trực tiếp góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa dân tộc đến với đông đảo bạn bè thế giới.

Đặc biệt, nhiều DS sau khi được quốc tế công nhận cũng nhận được sự hỗ trợ của UNESCO và các tổ chức, như: dự án tu bổ, tôn tạo nhóm tháp G ở Mỹ Sơn do Chính phủ Ý tài trợ với kinh phí trên 1,5 triệu USD; dự án bảo tồn DS Hoàng thành Thăng Long do Quỹ Tín thác (Nhật Bản) tài trợ với kinh phí 1,1 tỷ USD; đến nay, di tích Cố đô Huế đã được nhiều chính phủ và 26 tổ chức quốc tế tài trợ với nguồn kinh phí gần 10 triệu USD để phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn…

Bên cạnh những kết quả to lớn kể trên, việc quản lý bảo tồn và phát huy giá trị các DS thế giới ở nước ta còn bộc lộ một số hạn chế, như: các quy định, quy chế quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị DS còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa được điều chỉnh kịp thời. Việc phân công, phân cấp, giao trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị quản lý DS tại một số địa phương còn nhiều bất cập... Nhiều chuyên gia văn hóa lo ngại, trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị DS, yếu tố kinh phí luôn là trở ngại lớn được đặt ra.

Trong khi nguồn ngân sách đầu tư của Nhà nước hạn chế, năng lực khai thác của cơ quan quản lý DS còn bất cập, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt hơn chủ trương xã hội hóa trong công tác bảo tồn, khai thác giá trị của DS.

Theo GS Ngô Đức Thịnh - Ủy viên Hội đồng DS Quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hoá Việt Nam, việc thực hiện xã hội hóa không chỉ giúp giải quyết được những khó khăn về nguồn vốn đầu tư cho công tác bảo tồn, mà còn tạo động lực để khai thác, phát huy hiệu quả giá trị của DS.

“Việc làm này là hoàn toàn phù hợp, bởi Nhà nước chủ trương người dân cùng đóng góp bảo tồn DS thì cũng có thể cùng phối hợp khai thác giá trị của DS” - GS Thịnh nhấn mạnh.

Vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất chủ trương kêu gọi DN hợp tác, cùng tham gia khai thác du lịch đối với Vịnh Hạ Long. Theo đó, vấn đề quản lý Nhà nước và bảo tồn DS do tỉnh thực hiện, DN chỉ thực hiện khai thác du lịch và dịch vụ. Dù có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh chủ trương này, nhưng đây là hướng đi gợi mở và phù hợp với xu thế chung của thế giới. 

Các chuyên gia cũng lưu ý: Xã hội hóa không đồng nghĩa với việc tư nhân hóa mọi hoạt động liên quan đến DS. Cơ quan chủ quản phải giữ vai trò quản lý và hướng dẫn theo đúng định hướng và chủ trương của Nhà nước. Các DN tham gia với năng lực tài chính và sự nhạy bén trong kinh doanh sẽ khai thác tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh của DS. Tuy nhiên, DN phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan và chịu sự quản lý, giám sát của Nhà nước.

Cảnh Vũ
.
.
.