Về 4 vở diễn giành Huy chương vàng tại Liên hoan sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần III -2015:

Khắc họa sâu sắc, đa diện hình tượng người chiến sĩ Công an

Thứ Ba, 28/07/2015, 09:07
Liên hoan sân khấu toàn quốc (LHSKTQ) về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần III đã khép lại với nhiều dư âm tốt đẹp. Bốn vở diễn xuất sắc nhất được trao huy chương vàng: “Không phải là vụ án” (tác giả: Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn: NSƯT Nguyễn Công Bảy) của Đoàn Kịch nói CAND, “Người chiến sỹ năm xưa” (biên kịch: Chu Lai, đạo diễn: NSND Lê Hùng) của Nhà hát Chèo Quân đội, “Dư chấn" (biên kịch: Xuân Đức, đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang) của Nhà hát Kịch Việt Nam và vở cải lương “Cũng là tình yêu” (tác giả: Thanh Huyền, đạo diễn: NSƯT Trần Thắng Vinh) của Đoàn Văn công Đồng Tháp.

Là vở diễn khai mạc Liên hoan, “Không phải là vụ án” đã để lại ấn tượng tốt trong lòng khán giả, mà theo GS. Tất Thắng, Chủ tịch Hội đồng giám khảo LHSKTQ về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần thứ III: Vở diễn đã đặt ra một vấn đề mới là quan hệ giữa người cán bộ quản giáo với người tù. 

Cách đối xử giữa 2 bên rất xúc động, đã cho thấy văn hóa ứng xử của người Công an và rất thuyết phục khán giả. Vở diễn đề cập đề tài người chiến sĩ Công an, nhưng không có cảnh đâm chém, súng đạn mà là những câu chuyện đầy tình người. Cách dàn dựng đi sâu vào các chi tiết, khai thác cảnh sinh hoạt, những câu chuyện tình cảm, nhưng vẫn cho thấy có sự ngăn cách giữa cuộc sống của người tù với bên ngoài và điều đó khiến những người phạm tội thấy cần phải phấn đấu nhiều hơn để được hòa vào xã hội. 

Cảnh trong “Người chiến sĩ năm xưa”.

Lần đầu tiên dự LHSKTQ về “Hình tượng người chiến sỹ CAND”, Nhà hát chèo Quân đội đang mang đến một vở diễn với câu chuyện rất xúc động về người lính. Sự kết hợp của một ekip làm sân khấu tên tuổi, lại được các nghệ sĩ có nghề của Nhà hát chèo Quân đội thể hiện, đã mang đến một bữa tiệc tinh thần đúng nghĩa cho khán giả, khi tái hiện một quá khứ bi tráng không thể nào quên trong lịch sử dân tộc. Bởi thế, không ngạc nhiên khi đêm diễn “Người chiến sĩ năm xưa”, Nhà hát Âu Cơ đã không còn một ghế trống, cho thấy sự đón đợi của công chúng với vở diễn. 

Với tài năng sáng tạo và kinh nghiệm lão luyện của NSND Lê Hùng, vở diễn đã hấp dẫn từ cảnh khai màn, bằng sự gay cấn của một phiên tòa xử nguyên một cán bộ an ninh biệt động, với tội danh chống lệnh cấp trên, để rồi, dẫn dắt công chúng trở về một thời gian khổ. 

Vở diễn đã khai thác tận cùng những vấn đề từng được coi là nhạy cảm: Có những người lính tình nguyện đi theo con đường đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc, nhưng trong góc khuất của tâm hồn họ, vẫn có sự toan tính, cơ hội, tham vọng quyền lực, thậm chí bất chấp tính mạng đồng chí, đồng đội. Chính trong môi trường khốc liệt ấy, càng làm nổi rõ hơn phẩm chất cao quý của những người lính đích thực: mạnh mẽ, ngay thẳng, dũng cảm và sẵn sàng chịu đựng gian khổ, hy sinh vì đồng đội! Đây thực sự là một vở diễn thành công đáng ghi nhận của cặp biên kịch – đạo diễn tên tuổi Chu Lai –Lê Hùng. 

Ngoài giải vàng cho vở diễn, còn có 3 huy chương vàng xứng đáng dành cho các cá nhân: Quốc Khánh (vai Sáu Thành), Hiền Lương (vai Út Vân) và Lâm Thanh (vai Diệu Hương). GS. Tất Thắng cho rằng, không chỉ kể về chuyện thời chiến, vở chèo còn kể tiếp được câu chuyện sau này, ở thời hiện đại, lý giải mầm mống của những con người xấu là có từ trước, chứ không phải bỗng dưng họ trở nên xấu xa. 

Là đơn vị xa nhất đến Hà Nội tham dự Liên hoan, Đoàn Văn công Đồng Tháp đã mang đến vở cải lương “Cũng là tình yêu” đặc sắc và trở thành vở cải lương duy nhất trong danh sách huy chương vàng. Đánh giá về vở diễn, nhà văn Xuân Đức, thành viên Hội đồng giám khảo LHSKTQ về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần thứ III cho biết: Đây là một vở diễn duyên dáng, gọn gàng, một câu chuyện giản dị về tấm lòng nhân ái của người chiến sĩ Công an dành cho người từng lầm lỡ. Vở diễn đạt sự đồng đều cả về nội dung, lẫn cách dàn dựng, không bị phô, hết sức cảm động và thuyết phục người xem. 

Ấn tượng đặc biệt của vở diễn đọng lại trong lòng khán giả chính là giọng hát đầy ấn tượng của 2 ngôi sao cải lương: Minh Trường, người vừa giành huy chương vàng vọng cổ và Mỹ Vân, giọng ca vừa đoạt huy chương vàng Giải diễn viên xuất sắc Trần Hữu Trang, đã góp phần quan trọng để vở diễn giành được vị trí cao nhất. Và thêm một lần nữa, cả 2 lại cùng giành huy chương vàng cho 2 vai diễn của mình tại LHSK lần này. 2 giọng ca vàng đã không chỉ mang cho khán giả Thủ đô một đêm diễn đáng nhớ, mà chinh phục được cả Hội đồng Giám khảo vốn dày dạn kinh nghiệm về nghệ thuật sân khấu truyền thống. 

GS Tất Thắng đánh giá cao “Cũng là tình yêu” bởi đây là vở diễn đề cập đến nỗi oan của người chiến sĩ Công an. Đây cũng là vở diễn duy nhất người Công an phải ra trước vành móng ngựa, là một nét mới tại LHSK lần này. Hơn nữa, các vai diễn của vở đều có giọng hát rất tốt, từ vai chính đến vai phụ và điều này làm nên sức nặng cho một vở cải lương mà yếu tố “ca” được đánh giá hàng đầu. 

Thanh Hằng
.
.
.