Kệch cỡm hợp đồng ở V.League

Thứ Sáu, 29/01/2021, 06:33
Đến bây giờ người ta dễ nhìn thấy những câu chuyện cười ra nước mắt khiến chữ chuyên của V.League không trọn vẹn. Nhưng mấy ai tường tận hợp đồng ở V.League – thứ vốn xem như cái kim trong bọc cũng ẩn chứa nhiều điều bi hài.


Ngoại binh thấp thỏm với thử việc 1  tháng

Theo quy định của VPF nhiều năm qua, các CLB được phép thay đổi đăng ký ngoại binh sau khi vài vòng đấu của V.League ở giai đoạn 1 hay giai đoạn 2 diễn ra. Theo quan điểm của VPF, điều đó giúp cho các CLB có thể kiểm định lực lượng, đánh giá cầu thủ ngoại một cách kỹ càng trước khi tiến hành gắn bó lâu dài với “Tây”.

Vậy nhưng, quy định này phát sinh biến tướng. Nhiều CLB quyết định chơi một bản hợp đồng ngắn hạn với các ngoại binh nhằm mục đích sẵn sàng thanh lý bất cứ lúc nào mà không lo đến việc phải giải phóng hợp đồng với một khoản tiền lớn. Gramoz Kurtaj, nạn nhân của thứ gọi là bản hợp đồng thử việc 1 tháng của Nam Định hiểu rõ hơn ai hết về việc bị đội bóng thành Nam ép ký một loại hợp đồng mà anh chưa từng trải qua tại châu Âu.

Những ngoại binh như Gramoz luôn thấp thỏm trước việc bị CLB V.League thanh lý.

“Trong ngày cuối cùng đăng ký cầu thủ tạm thời, Nam Định đưa tôi một bản hợp đồng. Họ nói rằng chỉ ký hợp đồng 1 tháng với tôi. Tôi chịu áp lực khi đặt bút ký. Bởi nếu không, Nam Định sẽ ký với cầu thủ khác, khi vẫn còn rất nhiều cầu thủ đang thử việc”, Gramoz chia sẻ. Anh đã khởi đầu với Nam Định hoàn hảo với 2 bàn thắng. Nhưng rốt cuộc ở trận đấu sau đó, Gramoz xin phép không ra sân vì căng cơ. Nhưng Nam Định không chấp nhận lý do đó. Họ thẳng tay thanh lý hợp đồng và mời người đại diện đưa Gramoz rời đội bóng.

Bi kịch của sự bỏ rơi và mất quyền lợi ở V.League không chỉ xảy ra đối với Gramoz. Bởi ít nhất sau đó, anh vẫn được Thanh Hoá cứu ở phần còn lại của mùa giải, với một bản hợp đồng chí ít là đàng hoàng khi kéo dài 1 năm. Nhưng không phải ngoại binh nào cũng được như Gramoz. Những cầu thủ như Claudecir (Hồng Lĩnh Hà Tĩnh), Walter Luiz (Viettel), Felipe Martins (SLNA)… thậm chí còn chẳng biết mình sẽ được đội bóng nào nhận. Trường hợp của Diakite của TP Hồ Chí Minh cũng không khấm khá hơn. Chỉ cần HLV Mano Polking lắc đầu, anh sẽ phải rời đội bóng Sài thành ngay lập tức.

Câu chuyện giờ không chỉ dừng lại ở thứ bản hợp đồng thử việc 1 tháng kệch cỡm. Vấn đề nằm ở việc VFF đưa ra quy định về thời hạn đăng ký ngoại binh không phù hợp. Ngoại hạng Anh, La Liga,… đều quyết định các đội bóng phải chốt danh sách trước khi mùa giải diễn ra. Vậy nhưng, trong khi VPF yêu cầu các đội phải đăng ký danh sách ngoại binh trước khi V.League bắt đầu thì họ lại để các CLB có quyền “sinh sát” ngoại binh khi V.League trải qua vài vòng đấu. Đương nhiên, những cầu thủ bị gạt bỏ rơi vào cảnh bơ vơ. Họ có thể phải đối diện với nửa năm thất nghiệp mà có khi không có một khoản tiền đền bù để sinh sống.

Ác mộng hợp đồng đào tạo trẻ

Lại nói chuyện cầu thủ Tây, họ có ít nhất 15-30 ngày thử việc và được thi đấu vài trận giao hữu trước mùa giải mới. Nhưng các cầu thủ này vẫn phải nơm nớp lo sợ trong một ngày trái nắng trở trời có thể phải xách va li và lên đường rời đội bóng bất cứ lúc nào. Trong bối cảnh mà người Việt Nam tung hô Đặng Văn Lâm vì sẵn sàng đơn phương chấm dứt hợp đồng với Muangthong United khi quyền lợi không được đảm bảo thì ngay ở V.League, việc các CLB xử sự bất công với ngoại binh vẫn cứ nhan nhản mùa này qua mùa khác.

Nhưng đâu chỉ có cầu thủ Tây trải qua bi hài với chuyện hợp đồng. Ngay những cầu thủ trẻ cũng từng ngày trải qua việc bị ép phải ký những giấy tờ xoay quanh đến tương lai của bản thân mà họ thậm chí còn chẳng hiểu gì.

Trường hợp của hậu vệ Phan Bá Hoàng là điển hình cho điều đó. Anh kể lại rằng, trước giờ ngủ trưa, Hà Nội FC gọi anh và một loạt cầu thủ phải ký hợp đồng với dày cộp giấy tờ. Không có bố mẹ ở bên, cũng chẳng người đại diện hiểu về luật lệ, Bá Hoàng chỉ còn biết nhắm mắt ký bừa mà không hề hay biết có những điều khoản cài vào trong đó. Đến khi đọc kỹ lại, anh mới tá hoả khi biết rằng mình phải cống hiến theo diện đào tạo trẻ cho Hà Nội FC đến năm 25 tuổi mà không được phép đàm phán về lương, thưởng hay có lót tay bởi không được ký hợp đồng chuyên nghiệp.

Câu chuyện kể trên cũng xảy ra với nhiều đội bóng. HAGL thậm chí còn yêu cầu những gương mặt trẻ của mình phải gắn bó với CLB đến năm… 28 tuổi. Thậm chí là có thể phải cống hiến thêm 3 năm nữa nếu như CLB yêu cầu. Trong bối cảnh mà nghề cầu thủ rất ngắn, bản thân họ luôn mong muốn những bản hợp đồng chuyên nghiệp hoặc chuyển nhượng thì việc bị ràng buộc với những bản hợp đồng cài liên tục các điều khoản trẻ chẳng khác gì chặt đứt mơ mộng và tham vọng của những tài năng trẻ lỡ theo đuổi nghiệp quần đùi áo số.

Yêu cầu lạ của Hà Nội FC

Tính đến hiện tại, Phan Bá Hoàng đã được Hà Nội FC đồng ý thanh lý hợp đồng. Nhưng trong quy định thanh lý mà Hà Nội FC cho phép, Bá Hoàng cần phải đảm bảo hoàn thành 1 năm hợp đồng đối với… Phố Hiến. Rất may là đến hiện tại, Phố Hiến đã liên hệ và có được Bá Hoàng từ Hà Nội. Thậm chí, họ còn ký hợp đồng 2 năm, giúp cầu thủ này thoát kiếp làm xe ôm ở Cần Thơ – nghề mà anh phải chấp nhận làm tạm bợ để kiếm sống trong vài tháng vừa rồi.

Cầu thủ trẻ Việt Nam luôn bị “trói” với những điều khoản đào tạo trẻ rắc rối trong hợp đồng.
An Khánh
.
.
.