Hội thảo 70 năm Đề cương văn hóa Việt Nam: Bài học phát triển nền văn hóa trong tương lai

Thứ Năm, 19/09/2013, 07:11
Ngày 18/9, Hội thảo 70 năm Đề cương văn hóa (ĐCVH) Việt Nam do Ban Tuyên giáo TW và Bộ VH, TT&DL tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên BCT, Bí thư TW Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TW; đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên TW Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TW và nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã tham dự.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Bản ĐCVH là văn kiện có giá trị vô cùng to lớn và ý nghĩa lịch sử sâu sắc, được coi là tuyên ngôn của Đảng về một nền văn hóa dân tộc, khoa học, đại chúng mà chúng ta xây dựng… Ba nguyên tắc, ba tính chất cơ bản của nền văn hóa Việt Nam lúc đó và các giai đoạn tiếp theo là “Dân tộc hóa”, chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, làm cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập, tự do, nhân văn. “Đại chúng hóa” là chống mọi chủ trương, hành động làm cho văn hóa phản lại lợi ích của đông đảo quần chúng hoặc xa rời đông đảo quần chúng. “Khoa học hóa” là chống lại tất cả những cái lạc hậu, phản khoa học, phản tiến bộ, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tiến bước về phía trước.

Đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị hội thảo tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn các nội dung: tầm nhìn xa trông rộng của Đảng ta về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng; nhìn lại đánh giá sâu sắc hơn tầm vóc, vai trò to lớn của bản ĐCVH 1943, tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết (NQ) TW 5 về văn hóa, rút ra bài học quan trọng nào, đề xuất bổ sung, hoàn thiện các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để phát triển nền văn hóa của đất nước thời gian tới.

Các đại biểu dự Hội thảo khoa học.

Hơn 20 tham luận của các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý văn hóa với nhiều phát hiện và kiến nghị bổ ích được trình bày tại hội thảo.

Theo GS. Phong Lê,  sau 70 năm với bao biến động lịch sử, dễ thấy những bất cập của ĐCVH trong nhìn nhận, đánh giá lịch sử và văn hóa dân tộc: xã hội có thể là phong kiến-thuộc địa, nhưng văn chương học thuật lại không phải thế; đấu tranh bảo vệ học thuyết tư tưởng; tranh đấu về tông phái văn nghệ làm cho xu hướng tả thực XHCN thắng là một nhận thức không toàn diện. Nhưng chúng ta tiếp tục tìm thấy điểm tựa ở ĐCVH tinh thần coi trọng văn hóa: văn hóa không chỉ là động lực mà còn là mục tiêu của sự phát triển

GS Hà Minh Đức cho rằng, nói đến giá trị của ĐCVH, cần chú ý đến vấn đề hiệu quả. Nghệ thuật phải phục vụ cho chính nghĩa, cho lợi ích nhân dân. Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, ba phương châm “dân tộc”, “khoa học” và “đại chúng” là vấn đề được giới văn nghệ thảo luận nhiều hơn cả, vì còn có nhiều băn khoăn. Nói về ĐCVH 1943, là nói về sức sống của một tư tưởng, một đường lối văn hóa với tinh thần kế thừa và phát triển. Càng tiến lên phía trước, chân trời càng lùi xa, đó là biện chứng của đời sống và cũng là biện chứng của văn hóa.

Nhà báo Hữu Thọ bày tỏ lo ngại: Hiện tượng vô văn hóa và dưới văn hóa đang phổ biến. Mà một xã hội dưới văn hóa là rất nguy hiểm, đe dọa sự tồn vong của chế độ, vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực điều hành của Nhà nước và xã hội không yên bình ngay trong hòa bình. Trách nhiệm để cho sự suy thoái văn hóa ở 3 bộ phận: người sản xuất, người tiêu dùng và người quản lý. Trong tình hình mới, người ta nói tới trách nhiệm không nhỏ của các cơ quan truyền thông đại chúng và mạng xã hội. Trong đó, trách nhiệm quản lý quan trọng hàng đầu. 

Nhà báo Hữu Thọ phát biểu tại hội thảo.

Nhà báo lão thành Hữu Thọ: Nhìn tổng thể, nhận thức của lãnh đạo và xã hội về văn hóa ngày càng thấy rõ tầm quan trọng của văn hóa, xã hội dân chủ, cởi mở hơn. Nhưng đối chiếu với yêu cầu, phương hướng, nhiệm vụ do NQTW 5 đề ra, về cơ bản chưa đạt yêu cầu, có mặt giảm sút nghiêm trọng: Vấn đề “tư tưởng, đạo đức, lối sống” – “lĩnh vực then chốt của văn hóa” lại thể hiện rõ sự xuống cấp toàn diện cần được đánh giá và phân tích: Đánh giá sự xuống cấp về “văn hóa chính trị”- văn hóa của bộ máy cầm quyền là quan trọng nhất; đánh giá sự xuống cấp về văn hóa xã hội, đặc biệt là xu hướng sử dụng bạo lực trong các tranh chấp, mâu thuẫn, khác với tính khoan dung, hòa hiếu trong văn hóa truyền thống.

Phải chăng chủ nghĩa cá nhân thực dụng cộng với mê tín dị đoan đang là văn hóa chi phối? Trong quá trình hội nhập quốc tế, có xuất hiện tâm lý sùng ngoại không và ở lĩnh vực nào nặng nề nhất? Ở kỳ họp Quốc hội vừa rồi, khi bàn về việc không ngăn chặn được các vụ phạm pháp, có vị đại biểu Quốc hội đã chất vấn người có thẩm quyền một câu hỏi rất thực chất: Không ngăn chặn được là do bất lực, hay dung túng, bảo kê? Một câu hỏi không dễ trả lời nhưng là câu hỏi hay vì thực sự là câu hỏi của nhân dân.

Thanh Hằng
.
.
.