Hội đồng duyệt phim chê... phim mình duyệt?

Thứ Sáu, 20/04/2007, 15:45
Khi nắng thu về có thể coi là bộ phim có nhiều chuyện lạ: có đến ba hội đồng duyệt một kịch bản phim, và lạ hơn nữa khi phim ra đời thì chính các thành viên hội đồng duyệt lại chê trách mạnh mẽ nhất về cái sự dở của nó!

Những ngày này đạo diễn Bùi Trung Hải có lẽ đang nằm vùi ở nhà đớn đau cho số phận đứa con tinh thần của anh, Khi nắng thu về. Bộ phim đầu tay vừa được công chiếu buổi đầu tiên đã phải chịu đựng một làn sóng chỉ trích từ báo chí và công luận.

Thực ra, một bộ phim dở, một tác phẩm dở đều có thể xảy ra với bất kỳ một nhà sản xuất hay một nghệ sĩ nào. Bùi Trung Hải cũng không phải là trường hợp bất thường.

Tuy nhiên sự khác thường ở Khi nắng thu về lại nằm ở chỗ: có đến ba hội đồng duyệt một kịch bản phim dở; và lạ hơn nữa khi phim ra đời chính các thành viên hội đồng duyệt lại chê trách mạnh mẽ nhất về sự dở của nó!

Nói Bùi Trung Hải là “nạn nhân” thì chưa chính xác, nhưng chỉ một mình anh phải đứng ra chịu sự chỉ trích của dư luận thì quả là oan uổng. Để đến được tay Bùi Trung Hải, Khi nắng thu về đã được nâng lên đặt xuống tới ba hội đồng duyệt, trong đó cửa đầu tiên chính là hội đồng nghệ thuật của Hãng phim truyện Việt Nam, được coi là nhà sản xuất của phim.

Thế nhưng, khi phim ra đời lại chính đạo diễn Vương Đức, Phó GĐ Hãng phim truyện VN, thành viên hội đồng nghệ thuật là người lớn tiếng chê bai phim đầu tiên. Hình như Vương Đức quên phắt mình là một trong những người góp phần cho bộ phim ra đời. Và lẽ ra vừa với vai trò lãnh đạo hãng, vừa với vai trò đồng nghiệp, anh cần có trách nhiệm giám sát, góp ý để Bùi Trung Hải làm tốt phần việc của mình thì hình như Vương Đức không hề nghĩ đến.

Cùng “chia sẻ” với anh, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, nguyên Cục phó Cục Điện ảnh, một thành viên của Hội đồng duyệt phim quốc gia, cũng vô cùng “bức xúc” với chất lượng của kịch bản phim mà bà là thành viên của hai cấp hội đồng thẩm định nó. Bà cũng thấy phí công vì đã khuyên bảo Bùi Trung Hải nhưng anh không nghe! Bà đã “góp ý tất cả những gì thấy là dở, là chưa được. Vậy là đã làm hết trách nhiệm của mình rồi”. Nói vậy thì tội lỗi của đạo diễn Bùi Trung Hải lớn thật, lớn quá!

Không chỉ vậy, lý do của nhiều ông bà “hội đồng” khác cũng “nhân đạo” không kém: Vẫn biết Khi nắng thu về là kịch bản không xuất sắc nhưng vì là cuối năm rồi nếu không duyệt thì sang năm sau cán bộ công nhân của hãng không có việc làm!?

Nghe thật buồn, chẳng nhẽ đội ngũ biên kịch của cả nước đi đâu hết rồi hay sao, mà không thể cống hiến cho Hãng phim truyện VN một kịch bản tốt hoặc ngược lại, hãng phim đã làm gì để các nhà biên kịch không chịu vắt óc, vắt sức ra cống hiến?

Không chỉ thế, các đồng nghiệp của Bùi Trung Hải còn chỉ cho anh cách trở thành ngôi sao một cách nhanh nhất với “kịch bản tồi đạo diễn vẫn có thể làm thành sản phẩm tốt, tùy vào tài năng đạo diễn”. Nói như vậy thì đến Martin Scorsese, Clint Eastwood, hay Trương Nghệ Mưu sang đây cũng phải đội nón ra về! Bột dở mà đòi làm bánh ngon thì chỉ có .. nghệ sĩ Việt Nam dám làm!

Thôi thì làm phung phí hơn tỷ bạc của nhà nước để làm một phim dở là tội lớn rồi. Nhưng trong lúc Bùi Trung Hải đang “bầm dập” vì sự chỉ trích từ khắp nơi thì những người giao cho anh dự án, mà nói theo “ngôn ngữ chuyên môn” là các nhà sản xuất, lại cũng chê trách hay lên giọng kẻ cả thương hại anh thì quả là một cách cư xử đáng ngạc nhiên.

Ngoài trách nhiệm với nhà nước, chẳng nhẽ Hãng phim truyện Việt Nam, các thành viên hội đồng duyệt phim quốc gia có thể thanh thản vậy sao. Kể cả về góc độ lương tâm lẫn trách nhiệm, đều không biết dùng lời nào để tả, chỉ dám mượn tên một bộ phim: Như thế là tội ác!

Theo Tùng Cát (Vietnamnet)
.
.
.