Họa sỹ Lê Tâm: Không đẹp một mình

Chủ Nhật, 27/07/2008, 15:35
“Nếu họa sỹ cho rằng "ta là một, là riêng, là thứ nhất" thì anh ta thật ngờ nghệch. Để làm gì nếu họa sỹ áp đặt sáng tạo của mình để tờ báo bán ì ạch. Cái đẹp phải có ích với độc giả. Thế họ mới chọn mình… Họa sĩ phải cùng với phụ trách báo "thân kiếm hợp bích" thì mới mong có kết quả. Với thời đại mà mọi người đều cần làm việc theo nhóm thì khái niệm họa sỹ đẹp một mình gần như không tồn tại.”- họa sỹ Lê Tâm nói.

Có thể gọi Lê Tâm là người đa diện. Người ta có thể gặp anh trong chương trình giới thiệu nhạc sỹ với những sáng tác mới. Cũng có khi anh lại là ca sĩ đàn hát nhảy múa với một ban nhạc. Nhưng, có một công việc thầm lặng hơn, nhưng nó lại neo giữ nhiều tâm huyết nhất của anh, đó chính là công việc trình bày báo.

Gần 15 năm qua, Lê Tâm làm việc cần mẫn và trở thành một trong những họa sỹ trình bày được giới làm nghề quý trọng. Lê Tâm vừa đoạt hai giải thưởng tại cuộc thi trình bày những trang báo đẹp (với trang bìa và trang ruột tờ An ninh thế giới Cuối tháng) do Bộ Thông tin - Truyền thông phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức.

Cuộc trò chuyện này là sự lần hồi phơi lộ những "mặt khuất" của khối đa diện này…

- Ở Việt Nam, không ai được học để chỉ làm họa sỹ trình bày. Họ tự mê và tự làm, đôi khi người ta làm vì quen tay nữa. Với anh thì sao?

- Trừ một số ít ỏi họa sỹ được đào tạo ở nước ngoài, hầu hết các họa sĩ đồ họa báo chí đều tự học. Tôi cũng thế. Nhưng quá trình tự học nó đến tận bây giờ chứ không phải chỉ buổi bắt đầu. Khởi đầu công việc này từ một tờ báo về lĩnh vực kinh tế, vốn liếng đồ họa của tôi gần như con số không.

Người đặt hàng tôi cứ "mê tín", chỉ tin tưởng ở cá tính của tôi. Tôi cũng khoái món này nên gật đầu nhưng kể cũng hơi liều. Thời đó, báo chí trình bày không ngon lành như bây giờ. Muốn tìm mẫu để tham khảo thì hơi nan giải. Tôi nghĩ ngay ra một kế. Mua rất nhiều báo, tạp chí cũ của nước ngoài về nghiên cứu. Quá hay và rẻ.

Sau khoảng gần một tháng thì tôi "cô 3 bát lấy 1 bát" tất cả những gì thu hoạch được thành hệ thống, áp dụng luôn vào tờ báo đầu tiên. Thấy "đồng bọn" nức nở là không tồi. Kết quả ban đầu cũng có tý phấn khởi nhưng tôi thừa biết rằng cứ mày mò mãi không tránh khỏi què cụt.

May là tôi gặp được một số lớp bồi dưỡng trình bày báo ngắn hạn của Hội Nhà báo và Trung ương Đoàn tổ chức. Tôi được nghe các chuyên gia hàng đầu Việt Nam, trong đó có họa sỹ Minh Hạnh mà bây giờ mọi người đều biết là nhà thiết kế thời trang nổi tiếng. Rồi các chuyên gia của Pháp, Thụy Sỹ giảng bài. Mỗi khóa học xong, tôi tự thấy "công lực" của mình "thâm hậu" hẳn lên.   

- Đến giờ, chúng ta vẫn khá mơ hồ về một trang báo đạt chuẩn về kỹ thuật và mỹ thuật. Người ta hay dùng những từ như "đẹp" và "sang" để nói về một cách trình bày nào đó. Nhìn từ đáy sâu lĩnh vực của mình, anh thấy cái đẹp trên trang báo là cái đẹp như thế nào?

- Cái đẹp là sự giản dị và tạo được hiệu ứng mạnh về thị giác. Phải ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Chứ để "vẻ đẹp tiềm ẩn" thì khó bán báo lắm. Nếu nói sâu về chuyên môn thì sẽ rất dài.

Tôi lấy ví dụ từ tờ An ninh thế giới Cuối tháng. Khi bắt tay vào thực hiện tờ báo, người phụ trách và họa sỹ đã thống nhất về phong cách của nó. Ý tưởng của Tổng biên tập là chỉ dùng sắc đen trắng, giới hạn số từ không quá 2.000. Để title và ảnh căng to hoành tráng. Khi ấy người ta quen dùng title nhỏ nên những cái title khủng long của tờ này đã làm cho nhiều người thích thú.

Chính vì thế, tờ báo này khi mới ra đời đã tạo được ấn tượng về nội dung và hình thức và tạo được nhiều cảm hứng cho đồng nghiệp. Đẹp là dễ đọc, title vạm vỡ đơn giản, lượng từ vừa đủ. Đừng để độc giả bội thực mà bỏ ta đi; dễ nhìn, ảnh, minh họa to, sinh động. Từ đó độc giả dễ mua.

- Anh vừa nói rằng, một trang báo đẹp là một trang báo không có quá nhiều từ. Nhưng những ấn phẩm của tờ báo mà anh đang thực hiện (Báo CAND, ANTG Cuối tháng và Văn nghệ Công an) đang là những tờ báo có số lượng từ trên một trang khá nhiều đấy chứ?

- Nhìn thì có vẻ là như vậy. Nhưng tất cả đều đã được tính kỹ trên từng phân vuông. Vì sao tờ ANTG Cuối tháng có vẻ như là nhiều từ nhưng vẫn được đánh giá là những trang báo đẹp, dễ đọc và có điểm nhấn thị giác? Bởi vì khi bắt đầu thực hiện, chúng tôi đã tính, nó tối đa là 2.000 từ và ảnh to nhất có thể. Có bài báo, vì tôn vinh hình ảnh, lượng từ chỉ còn 1.300, thật kỷ lục. Tuy vậy có những bài, hình ảnh không sinh động mà phần viết xuất sắc thì có thể ưu tiên phần từ. Nhưng không nên quá đà.

Tôi phải giải thích thêm, ngày trước nhiều tờ báo, tạp chí ẩu lắm, bên nội dung ném cho họa sĩ một đống bản thảo, có khi nhiều gấp mấy lần lượng bài có thể in 1 số báo. Họa sỹ cứ thế mà vẽ maquette. Thiếu đất thì cắt bài. Muốn chém đâu thì chém. Cách làm này rất mệt mỏi mà còn biến họa sĩ thành đao phủ. Ô hay, bọn tôi là những tay làm đẹp cơ mà.

Tờ An ninh thế giới Cuối tháng ngay từ số đầu đã áp dụng cách mới mẻ là dùng phiếu làm trang. Trong đó số lượng từ đã được anh Nguyễn Quang Thiều, anh Hồng Thanh Quang chủ động khống chế rồi, tôi chỉ việc làm sao cho đẹp mà thôi. Tôi vẫn quan niệm, phong cách tờ báo thuộc về người chủ báo, còn họa sỹ là người sáng tạo trên những "đơn đặt hàng" như vậy.

- Vậy thì vai trò sáng tạo của người họa sỹ sẽ nằm ở đâu trong guồng máy này?

- Công việc làm báo cần phẩm chất nhà nghề. Và sự nhà nghề thì cần có sự quy chuẩn thống nhất về phong cách rất cao. Chúng ta không thể thay đổi style liên tục như tắc kè hoa và gọi đó là sự sáng tạo. Người họa sỹ nhà nghề chính là làm đúng theo yêu cầu của một "đơn đặt hàng", nghĩa là phải thống nhất được với ông chủ báo về phong cách. Sau đó, từ phong cách ấy, anh ta sẽ sáng tạo theo cách của mình để đạt hiệu quả cao nhất.

Có vẻ mâu thuẫn nhỉ. Cứ như là chúng ta chỉ cần những cái mẫu và một người thợ lành nghề là xong. Không phải vậy. Thực ra. Những tay nhà nghề chẳng khác gì cầu thủ. Huấn luyện viên yêu cầu đá kiểu 4 - 4 - 2 mà anh lại đá kiểu 4 - 5 - 1 là hỏng rồi. Phải trung thành với lối chơi đã chọn. Tuy vậy, mỗi cá nhân đều không thiếu đất thể hiện "kỹ thuật cá nhân" của mình.

Đừng nghĩ rằng không thể ngẫu hứng. Và không có gì khó hình dung cả, thời đại này máy tính rất sẵn, một cái máy tính thay cho cả xưởng sắp chữ chì, nhưng những ấn phẩm xấu vẫn rất nhiều, còn những tờ báo thực sự có phong cách vẫn đếm trên đầu ngón tay.

Hoặc cũng là tờ báo ấy, nhưng họa sỹ này trình bày sẽ có lửa, còn đổi người khác sẽ thành chảy nước. Vai trò của người họa sỹ, có vẻ như vô hình và không tên, nhưng thiếu là biết nhau ngay.

- Kỹ thuật và công nghệ đã buộc các họa sỹ ứng dụng phải chấp nhận một cuộc chơi mới, là nó đang chiếm lĩnh nhiều công việc mà ngày trước họ phải mày mò bằng tay. Trình bày báo là lĩnh vực thể hiện rõ nhất điều ấy. Như thế, anh được giải phóng, nhưng đồng thời khả năng sáng tạo của anh cũng sẽ bị máy tính hạn chế rất nhiều. Anh nghĩ sao?

- Thật sai lầm nếu chúng ta làm nô lệ cho máy tính. Sư phụ tôi nói rằng ông sợ nhất một cộng sự mới vừa bắt tay vào trang báo, chưa gì đã nhảy vào di chuột gõ phím. Điều đầu tiên phải là có ý tưởng gì không đã chứ. Những trang báo đẹp nhất mà ông ấy trình bày thường là những bản được phác họa bằng bút chì. Tôi cũng nghĩ vậy.

Khi phác họa bằng bút chì, chúng ta không bị những thao tác của máy tính làm cho mệt mỏi và chai lì. Lúc đó, chúng ta có quyền phóng bút nhanh chóng và tạo nên một trang báo theo ý mình. Với tôi, máy tính như một trợ thủ đắc lực. Đương nhiên, lúc nào tôi cũng lăm lăm một cây bút chì.

- Nếu theo dõi những tờ báo của anh sẽ thấy hai mảng đề tài lớn được đề cập thường xuyên là chống tội phạm và đời sống xã hội, trong đó đời sống văn nghệ được khai thác nhiều. Làm thế nào để chúng ta "mix" chúng lại trong một tổng thể mỹ thuật, mà chúng không "chỏi" nhau?

- Có những rào cản do chính thói quen đặt ra thì chúng ta có thể gạt phăng nó không thương tiếc. Có thời người ta cho rằng văn nghệ là hoa lá cành nên thơ phú, truyện ngắn là trình bày cứ xoắn lò xo đủ loại phông chữ. Tôi chống lại xu hướng "báo tường" này từ khi bắt đầu làm nghề. Mới đầu làm tờ Văn nghệ trẻ cũng có người thắc mắc sao trông nó cưng cứng. Nhưng rồi thì ai cũng khoái cái phong cách có vẻ cưng cứng ấy. 

Về vụ án dù thế nào thì cũng đâu có nghĩa là có thể trình bày tùy tiện. Nhất là tờ An ninh thế giới Cuối tháng, thường viết về những mảng phía sau những cuộc đời, đậm chất nhân văn thì hình thức của bài cũng không thể xem thường được, lại càng phải nghiêm túc. Anh thấy đấy. Có gì có thể ngăn cản hai mảng nghiêm túc "mix" lại với nhau đâu.

- Anh có nghĩ rằng, một tờ báo trình bày đẹp sẽ là một tờ báo bán chạy?

- Có. Với điều kiện kèm theo là nội dung phải thực sự hấp dẫn và thương hiệu tốt. Ngày nay mua một món đồ thôi, người ta cũng đã chú ý đến thương hiệu rồi, huống hồ báo chí nó còn thuộc về thương hiệu của lòng tin nữa.

- Và anh có nghĩ rằng, người họa sỹ trình bày sẽ mãi không thoát khỏi vị trí "thứ yếu" trong một tòa soạn, vì chúng ta không có quyền áp đặt sự sáng tạo của mình lên người khác, nghĩa là anh không có quyền sáng tạo độc lập?

- Bây giờ lại còn nghĩ cái kim giây, kim phút, cái nào quan trọng thì nản quá. Nếu họa sỹ cho rằng "ta là một, là riêng, là thứ nhất" thì anh ta thật ngờ nghệch. Để làm gì nếu họa sỹ áp đặt sáng tạo của mình để tờ báo bán ì ạch. Cái đẹp phải có ích với độc giả. Thế họ mới chọn mình.

Để làm được điều đó, họa sĩ phải cùng với phụ trách báo "thân kiếm hợp bích" thì mới mong có kết quả. Với thời đại mà mọi người đều cần làm việc theo nhóm thì khái niệm họa sỹ đẹp một mình gần như không tồn tại.

- Xin hỏi anh câu cuối cùng. Anh có niềm đam mê lớn là âm nhạc. Vậy công việc trình bày báo là công việc để anh kiếm sống, hay công việc anh theo đuổi như một sự nghiệp?

- Tôi không có khái niệm sự nghiệp theo cách nói thông thường. Tôi tìm được hạnh phúc trong bất kỳ lĩnh vực nào tôi từng tham gia. Không phân biệt, nhạc hay họa. Tôi có một cái may mắn hơn nhiều người là kiếm sống được bằng năng khiếu. Rất nhiều người chỉ được vẽ thực sự ngoài giờ làm việc. Còn tôi giờ làm việc là giờ thao tác năng khiếu.

Hiện nay, tôi được làm việc với một tập thể ăn ý, từ cán bộ quản lý tới kỹ thuật viên. Những thành quả đều có gốc từ đội hình tuyệt vời này. Thế nên, mỗi tháng gần 40 số báo được in mà công việc không quá tải, không nặng nề…

- Xin cảm ơn anh!

Thiên An (thực hiện)
.
.
.