Họa sĩ danh tiếng gốc Việt - Người bạn của tuổi thơ

Thứ Ba, 25/05/2010, 14:34
VINK, họa sĩ danh tiếng người Bỉ, gốc Việt tên thật là Vĩnh Khoa, là họa sĩ truyện tranh rất nổi tiếng ở châu Âu với các truyện tranh "Nhà sư điên" (Le Moine Fou) và "Những cuộc phiêu lưu của He Pao" (Les voyages de He Pao).

Ngày Quốc tế Thiếu nhi năm nay, sẽ có một sự kiện dành cho các em thiếu nhi. Đó là "Tuần lễ truyện tranh tại Việt Nam" lần đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 1/6 tại Hà Nội, do Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức.

Cùng với 2 triển lãm truyện tranh mang tên "Truyện tranh và nhạc Jazz" của Wallonie-Bruxelles và "Truyện tranh và Đồng dao" của Nhà xuất bản Kim Đồng, giới thiệu về mối liên hệ giữa truyện tranh và âm nhạc, các em bé sẽ được gặp gỡ với một vị khách mời đặc biệt tại "Tuần lễ truyện tranh tại Việt Nam" lần thứ nhất.

Đó là VINK, họa sĩ danh tiếng người Bỉ, gốc Việt. Ông tên thật là Vĩnh Khoa, là họa sĩ truyện tranh rất nổi tiếng ở châu Âu với các truyện tranh "Nhà sư điên" (Le Moine Fou) và "Những cuộc phiêu lưu của He Pao" (Les voyages de He Pao). Ông vinh dự được Ban tổ chức chọn làm khách mời danh dự trong sự kiện này.

Sinh năm 1950 và mãi đến năm 1980, VINK mới đặt bước vào nghề. Chỉ sau 5 năm, họa sĩ VINK đã nhanh chóng khẳng định được tài năng của mình trong làng hội họa thế giới bằng giải cao nhất về truyện tranh của Bỉ và lập tức được hãng phim hoạt hình nổi tiếng Walt Disney ở Los Angeles mời hợp tác. Để rồi, dường như, tên của ông luôn có mặt trong rất nhiều tập truyện tranh của châu Âu. Những bức họa luôn tràn đầy sự sáng tạo của VINK được giới chuyên môn đánh giá cao. Ở đó, còn là một năng khiếu nổi bật trong việc thể hiện độc đáo những điều ông quan tâm và mong muốn đưa đến người xem.

Các nhà phê bình hội họa ở nhiều nước đã dành những lời ngợi khen nhất khi nhắc đến tài năng sáng tác truyện tranh của VINK. Mỗi bức họa của ông, không chỉ thể hiện một trình độ thẩm mỹ sâu sắc, mà còn thăm thẳm một cái nhìn nhân ái về cuộc sống với đủ mọi cung bậc tình cảm.

Nhưng có lẽ, các em nhỏ sẽ học được ở người họa sĩ làm rạng danh làng mỹ thuật Việt Nam này nhiều điều đáng quý. Đó là trước khi trở thành một họa sĩ được nhiều người trên thế giới biết đến, với những bức họa có tiếng nói và sức sống riêng, VINK từng trải qua một tuổi thơ gian khó.

Bức "Cây nêu và em bé" của họa sĩ VINK.

Mê hội họa từ năm lên 4 tuổi, nhưng do cha mẹ muốn ông phải có một nghề nghiệp vững chắc theo quan niệm của họ, để kiếm sống, nên ông không được khuyến khích cho thiên bẩm này.  Cho đến khi ông du học tại Bỉ, nỗi nhớ gia đình, quê hương giày vò, ông lại lấy hội họa để giải khuây. Học ngành kinh tế, nhưng VINK lại chăm chú đọc sách… y khoa, chỉ để được học vẽ những cơ thể con người một cách hoàn chỉnh.

Ra trường, ông được nhận vào thỉnh giảng ở một trường sư phạm, nhưng tự biết mình không phù hợp, VINK đã thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Liège, quyết tâm thực hiện bằng được nguyện ước của mình. Để kiếm kế sinh nhai, người họa sĩ tài ba cũng đã từng phải làm đủ mọi việc, từ dọn dẹp, lau nhà, rửa bát và cả trông trẻ v.v…

Sau 4 năm, ông ra trường. Khi ấy, VINK đã ở tuổi 30. Bộ truyện tranh cổ tích Việt Nam là tác phẩm trình làng của VINK cũng ít nhiều gây được ấn tượng với công chúng. Và rồi, tác phẩm "Lịch sử 1.000 năm thành phố Liège" với bút pháp độc đáo đã đặt cây cầu nối người họa sĩ đất Việt với giới phê bình mỹ thuật ở Bỉ.

Năm 1985, bộ truyện Le Moine Fou (Nhà sư điên) đã mang lại cho VINK giải thưởng truyện tranh lớn nhất của Bỉ. Để rồi, đến nay, cái tên VINK đã trở nên quen thuộc với độc giả châu Âu, bởi số lượng truyện tranh của ông đã được xuất bản rất lớn.

Thành quả của VINK hôm nay, chính là bởi ông đã biết kết hợp một cách hài hòa giữa tư duy truyền thống của hội họa Á Đông với hội họa phương Tây hiện đại. Mỗi bức vẽ của ông như truyền được cho người xem những cảm hứng vô bờ về tình cảm, cuộc sống con người với những suy tư đa chiều, đa sắc tộc.

Hy vọng rằng, những gì đã trải nghiệm, ông sẽ tiếp tục truyền cho cậu con trai cũng mang niềm đam mê hội họa từ trong máu như cha, để nền mỹ thuật Việt Nam có thêm những điều tự hào về những người con xa xứ nhưng luôn biết khai thác dòng chảy dân tộc vào mỗi tác phẩm, để làm giàu thêm xúc cảm của chính mình và người thưởng thức, như một cách giới thiệu đặc sắc về nguồn cội

Dạ Miên
.
.
.