Hồ Chí Minh, một danh nhân văn hóa có tầm nhân loại
Chính đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Hồ Chủ tịch, đã cố ý chọn ngày 10/5/1989 - ngày kỷ niệm 10 năm Bác Hồ viết Di chúc, đưa ôtô mời cả gia đình Đào Phan đến thăm nơi ở của Bác Hồ vì ông đã tin cậy chọn Đào Phan là người viết công trình "Hồ Chí Minh - danh nhân văn hóa" để kịp công bố vào dịp UNESCO tổ chức Hội thảo về "Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh" tại Hà Nội. (Theo hồi ký của Phan Bội Hoàn, người bạn đời của Đào Phan).
Có lẽ cũng nên giới thiệu đôi dòng về tác giả cuốn sách. Đào Phan tên thật là Đào Duy Dếnh, sinh ngày 10/7/1920, quê quán Khúc Thủy, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Ông sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Anh ruột của ông là học giả Đào Duy Anh, tham gia Đảng Tân Việt - tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam - đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh; chị Đào Thị Quyền, là cơ sở của cách mạng, các đồng chí Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng Bí thư, Trần Đình Tri, nguyên Thường trực Quốc hội… từng được gia đình chị che chở; anh Đào Duy Kỳ vào Đảng Cộng sản từ năm 1936, từng làm việc trực tiếp với các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh… có lúc là Quyền Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ, từng bị tù ở Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo, sau làm Trưởng ban Huấn học Trung ương…; cô em út Đào Thị Đính hoạt động bí mật cùng đồng chí Tố Hữu, từng ngồi tù 5 năm tại Huế, sau năm 1945 là Thành ủy viên Huế, rồi Trưởng ban Tổ chức TW Hội Phụ nữ Việt Nam…
Từ trước Cách mạng Tháng Tám, lúc 16 tuổi, ông đã tham gia chống Pháp trong phong trào thanh niên, học sinh ở Huế; năm 1937 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam; năm 1941 là Bí thư Hà Nội, từng bị thực dân Pháp bắt và lưu đày tại nhiều nhà tù ở Thừa Thiên, Phan Rang, Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo.
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, thoát khỏi ngục tù đế quốc, ông được đồng chí Nguyễn Chí Thanh cử làm Đội trưởng Đội Tuyên truyền xung phong Việt Minh Trung Bộ, tập hợp những thanh niên trí thức đi đến tận những vùng rừng núi, những thôn xóm xa xôi hẻo lánh diễn thuyết, diễn văn nghệ tuyên truyền cho Chính phủ Cụ Hồ...
Từng viết báo "Suối Reo" - tờ báo của các chiến sĩ cộng sản trong nhà tù Sơn La, năm 1947, ông được Trung ương điều ra phụ trách Nhà xuất bản và Báo "Quân du kích" - tiền thân của NXB và Báo "Quân đội nhân dân" hôm nay...
Năm 2005, cùng một lúc, cả 3 công trình nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh của ông được xuất bản nhân kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của Người. (Ngoài tác phẩm kể trên là 2 cuốn "Hồ Chí Minh - một nhân cách lớn" - NXB Văn hóa thông tin, 510 trang và "Đạo Khổng trong văn Bác Hồ", NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 375 trang).
Về tác phẩm “Hồ Chí Minh - danh nhân văn hóa”, đồng chí Vũ Kỳ đã trân trọng viết Lời giới thiệu như sau:
"Cuốn "Hồ Chí Minh - danh nhân văn hóa" đã được viết bằng công phu nghiên cứu của tác giả trong hai chục năm qua... Là một người phục vụ Bác Hồ lâu năm, tôi càng sung sướng khi thấy cuốn sách đã nêu được những đường nét sống động và chân thật của Người...".
Ông Nguyễn Dy Niên (hiện là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao), trong thư gửi tác giả nhân tác phẩm "Hồ Chí Minh - danh nhân văn hóa" xuất bản lần đầu năm 1991, đã viết:
"... Lâu nay ở Việt Nam chúng ta, khi nói về Hồ Chí Minh thì nặng về phần Anh hùng giải phóng dân tộc và quá nhẹ về phần Danh nhân văn hóa, hoặc có nói về danh nhân văn hóa thì khô khan, đơn điệu, gò ép và chỉ đóng khung trong "Nhật ký trong tù" và một vài bài viết của Bác. Điều này không đúng với lịch sử, với thực tế, với Nghị quyết của UNESCO khi nói về "những đóng góp to lớn, đa dạng của Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, nghệ thuật, là kết tinh của truyền thống văn hóa lâu đời của Việt Nam... Là một trong những tác giả của bản Nghị quyết UNESCO, tôi trăn trở về điều đó. Nhưng thưa Cụ, khi lướt qua 5 chương của cuốn sách, tôi bàng hoàng và sung sướng vì những điều trăn trở và ước ao đã được thực hiện...".
Hai nhận xét nêu trên đã nói lên phần nào giá trị của công trình. Cuốn sách gồm có 5 chương: Hồi tưởng về một dự báo; Nền văn hoá mới; Triết nhân và nghệ sĩ; Chiến lược con người - nhà giáo dục; Truyền thống và hiện đại. Qua 5 chương sách, với hàng trăm dẫn chứng cụ thể và sinh động - trong đó có ý kiến của nhiều trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng thế giới nhận xét, ca ngợi những phẩm cách đặc biệt về nhiều phương diện của Hồ Chí Minh, từ khi Người còn là chàng trai Nguyễn Ái Quốc đi tìm đường cứu nước đến lúc trở thành vị lãnh tụ tối cao của dân tộc - tác giả đã chứng minh một cách thuyết phục Hồ Chí Minh thật sự là một danh nhân văn hoá có tầm nhân loại. Đạt được điều đó, trước hết là nhờ công phu sưu tầm tài liệu của tác giả, nhưng quan trọng hơn là nhờ tác giả có cách nhìn mới mẻ và đúng đắn, xứng tầm với vĩ nhân, vượt qua được cách nghĩ hạn hẹp, công thức khi nêu gương một nhà cách mạng.
Chỉ cần đọc mấy trang đầu, khi tác giả dẫn bài viết của nhà thơ Liên Xô Ô-xíp Man-đen-xtam sau khi gặp Người năm 1923 đủ rõ: "… Cả diện mạo của Nguyễn Ái Quốc toát lên sự lịch thiệp và sự tế nhị. Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, không như văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hoá tương lai… Qua cử chỉ cao thượng và tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi thấy được ngày mai, thấy được viễn cảnh trời yên bể lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương…".
Tác giả Đào Phan đã nhấn mạnh: Quả rất đáng ngẫm nghĩ khi nhà thơ nước Nga vốn chủ định tới thăm một "Chiến sĩ quốc tế" nhưng "vừa gặp gỡ đã nhận diện được ngay một con người Việt Nam, ở sự giản dị và thanh lịch, chuộng nếp điều độ và ghét thói thái quá… những nét truyền thống văn hóa lâu đời của một diện mạo dân tộc…".
Và gần 10 năm sau, trước sự kiện vị luật sư và bà vợ Tổng đốc nước Anh tư bản ở Hương cảng (Hồng Kông) cùng góp sức cứu "ông Nguyễn", tác giả đã viết: "… Trong những trường hợp như thế không ai nhìn nhận con người qua những dáng dấp giai cấp. Lòng tin của nhà cách mạng quốc tế đối với một vị luật sư Hoàng gia, và ngược lại, lòng tin của vị luật sư Hoàng gia đối với nhà cách mạng quốc tế, phải chăng đều đã bắt nguồn từ "nhân tính" hoặc "nhân tình"?... Nếu không do những tín hiệu nào đó của nền văn hóa tỏa ra từ một con người mắc cạn, thì điều gì đã thuyết phục cả người phụ nữ sang trọng ấy có thể dùng ngay chiếc ca-nô của chồng mình để bí mật đưa nhà cách mạng Việt Nam đi thoát khỏi vòng vây của mật thám Đông Dương…".
Một điểm đáng chú ý nữa của tác phẩm là tác giả đã phân tích những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc từ Nguyễn Trãi đến Phan Bội Châu… cũng như những giá trị văn hóa của nhân loại đã thể hiện trong danh nhân văn hoá Hồ Chí Minh như thế nào; nói cách khác, chính nhờ Người biết tiếp thu và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc và biết thu nhận, kết hợp những tinh hoa văn hoá của nhân loại, chứ không độc tôn thờ một "Ông Thánh" nào, nên mới trở thành "danh nhân văn hoá Hồ Chí Minh".
Tác giả cũng đã nêu bật được nét đặc sắc của "văn hóa" Hồ Chí Minh là nói đi đôi với làm; bằng những hoạt động và cách cư xử hàng ngày, Người đã nêu một tấm gương cụ thể và sinh động.Chỉ xin dẫn một ví dụ: Nhân Quốc khánh 2/9/1955, một thương binh từ miền Nam ra được mời dự chiêu đãi tại Phủ Chủ tịch. Tên thật của anh là Nguyễn Trản, bị cụt mất hai tay khi phụ trách một xưởng quân giới rất thô sơ tại Nam Bộ thời chống Pháp, nên còn có bí danh là Vương Nhị Chi. Trong lúc chờ đợi, anh hỏi thăm lối đi tới nhà vệ sinh. Với hai cánh tay cụt, anh đang loay hoay chưa biết tính sao thì bỗng nghe tiếng hỏi nhẹ nhàng sau lưng: "Chú làm sao cởi khuy?...". Anh còn lúng túng chưa biết trả lời ra sao thì một ông già bước tới cởi khuy giúp anh rồi đứng tránh sang một bên, chờ anh tiểu tiện xong rồi lại lặng lẽ đến cài khuy giúp. Ông già ấy là vị Chủ tịch nước. Thì ra đúng lúc anh hỏi thăm lối vào nhà vệ sinh đã tình cờ gặp Người.Sau khi dẫn anh trở lại phòng lễ tân, Hồ Chủ tịch liền nghiêm khắc quở trách mấy cán bộ hồi nãy "chỉ trỏ" bàn tán khi anh đi vào nhà vệ sinh: "Người ta mất cả hai cánh tay, mà không ai đi theo giúp đỡ…".
Không chỉ nêu gương, Người đã tổ chức, phát động mọi người cùng làm theo, tạo nên diện mạo một nền "văn hoá mới" của đất nước. Vì thế, tuy Người "đi xa" đã mấy chục năm qua, nhưng giá trị văn hóa Người để lại không chỉ hiện diện trên những trang sách của Đào Phan mà còn tỏa sáng trên mỗi bước đường cách mạng của dân tộc, của đất nước Việt Nam đang không ngừng đổi mới, "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" như Người đã từng mong đợi