Hậu "giám đốc" họ làm gì?

Chủ Nhật, 13/09/2009, 10:43
Rất tình cờ, tôi gặp lại ba vị Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam tại Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Đó là NSND Trọng Khôi, NSND Doãn Châu, NSƯT Anh Dũng. Cơ hội này quả thật là hiếm và tôi nảy ra ý định muốn có một cuộc phỏng vấn nhỏ để tìm hiểu xem hậu "giám đốc", họ làm gì để chúng ta cùng hiểu thêm về cuộc đời của những người nghệ sĩ đã một thời tham gia quản lý nghệ thuật, nhất là họ lại là những nghệ sĩ khá nổi tiếng trên sân khấu, màn ảnh… và cũng đã là những người khiến giới báo chí tốn khá nhiều giấy mực để nói về họ.

PV: Trước hết, xin các ông cho biết về sức khỏe của ba vị?

NSND Trọng Khôi: Người ta thường nói: Hết thời oanh sang thời liệt. Đó là quy luật của cuộc sống, tuy vậy, mình vẫn khỏe và cảm giác vẫn còn làm việc được, mặc dầu trong năm vừa qua đã có lúc tưởng "sắp đi" nhưng rồi được bác sĩ Phạm Gia Khải chữa chạy kịp thời nên khỏe lại và lại có thể "chiến đấu" được trong công việc của một Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu. Thế thôi, được đến đâu hay đến đó…

NSND Doãn Châu: Cũng "lộp bộp" lắm! Lúc thì khỏe như thanh niên, lúc thì cả ngày lại mệt mỏi, ngắc ngư như người say ấy. Nhưng nói chung cũng còn "chiến" được!

NSƯT Anh Dũng: Mình thì vẫn khoẻ, tuy nhiên vừa qua gặp nhiều việc trục trặc trong công việc cũng như gia đình nên thực ra cũng không được khoẻ lắm!

PV: Ở đây, có lẽ bác Khôi là người cao niên nhất phải không ạ?

NSND Doãn Châu: (Ngắt lời, cười) Xin lỗi! Ai cũng nghĩ như vậy đấy, nhưng thực ra mình mới là người lớn tuổi hơn cả!

PV: Thực ạ?

NSND Doãn Châu: Đúng vậy! Ông Khôi và mình đều sinh năm 1943 nhưng mình sinh trước Tết Quý Mùi (sớm hơn ông Khôi đúng 13 ngày) nên mệnh mình lại là con Ngựa, có lẽ vì vậy nên mình vất vả hơn ông Khôi… Còn ông Dũng đây là tuổi Mão, sinh năm 1951, cầm tinh con Mèo!

PV: Các vị có thể cho biết qua về quá trình trở thành Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam và những gì mà các vị đã làm được trong thời gian đương nhiệm?

NSND Trọng Khôi: Cũng bình thường và "tuần tự nhi tiến thôi!". Mình xuất thân từ nghệ sĩ biểu diễn và cũng là bạn học cùng ông Doãn Châu từ cách đây 50 năm trong Trường Sân khấu và thực ra, bọn mình đã có một thời hàn vi với nhau rất dài khi mà ở cái thời ấy, ai cũng phải gồng lên mà "chiến đấu" chống đói nghèo.

PV: Có nghĩa là các anh đã phải làm nghề tay trái để "nuôi" tay phải là nghệ thuật?

NSND Trọng Khôi: Đúng vậy! Bạn không thể tưởng tượng được đã có lúc tôi và ông Doãn Châu đây phải ngồi hàng buổi trong buồng tối, phóng ảnh kiếm tiền để cải thiện thêm cho cuộc sống gia đình. Thế rồi cũng qua! Rồi mình được tham gia một số vai kịch hay như Việt trong vở “Đôi mắt”, Đialốp trong "Khúc thứ ba bi tráng", Êrôstrat trong "Vụ án người đốt đền" và đặc biệt là vai anh hàng thịt trong vở "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" do Nguyễn Đình Nghi đạo diễn… Thế là có một chút uy tín về nghệ thuật và rồi cứ vậy mà được tín nhiệm đưa vào vị trí Phó Giám đốc rồi Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. Đơn giản vậy thôi!

Trong thời gian mình làm Giám đốc nhà hát, ngoài những vai diễn của mình thì mình cũng để lại được một số việc làm tốt như: Củng cố được một đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn trẻ, tổ chức dàn dựng được một số vở lớn trong đó có vở "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" đã gây được tiếng vang lớn tại Hội diễn Sân khấu 1990… Đặc biệt, bọn mình đã móc nối được một dự án sân khấu rất hay với các bạn Mỹ và đã đưa Nhà hát sang biểu diễn thành công tại Mỹ. Sau đó thì mình bàn giao lại nhà hát cho ông Châu từ năm 1999 và lên Hội đây để nhận công tác mới từ đó đến nay.

PV: Còn bác Châu? Con đường dẫn bác tới chiếc ghế Giám đốc chắc cũng thuận lợi như bác Khôi?

NSND Doãn Châu: (Nghĩ một lát) Nói thế nào nhỉ? Bảo thuận thì có thuận nhưng gian nan không thì cũng gian nan. Cuộc đời làm nghệ thuật của mình có những lúc đúng là phải "đổ cả máu" ấy chứ!

PV: Bác nói gì nghe gớm quá! Làm gì đến nỗi ấy!

NSND Doãn Châu: Thực đấy! Này nhé! Mình đã từng ba lần đối mặt với tử thần đều là trên đường đi làm nghề: Lần thứ nhất là đi với NSND Trúc Quỳnh liên hệ biểu diễn cho nhà hát tại Tuyên Quang năm 1979, sau đó thì gặp tai nạn cùng gia đình Lưu Quang Vũ năm 1988 như các bạn đã biết. Rồi đến Hội diễn Sân khấu 1990 thì gặp nạn cùng với bà Phạm Thị Thành trên đường đi làm vở "Đánh mất mùa xuân" ở Thái Bình. (Giơ tay) Cánh tay trái này bây giờ ngắn hơn tay phải và cứ trở trời là lại đau nhức đến khổ! Thế chẳng phải "đổ máu" vì nghề là gì! (Cười lớn).

Nhưng nói thuận lợi thì cũng đúng vì cả quá trình đi lên của mình đều được bạn bè và lãnh đạo Bộ VHTT khi đó rất ủng hộ. Xuất thân nghề của mình là nghệ sĩ biểu diễn đấy chứ! Mình đã từng cùng đóng kịch với ông Khôi rất nhiều vở như "Sân ga về sáng", "Đôi mắt",… Nhưng rồi có chút khả năng hội họa nên Bộ cử đi học thiết kế sân khấu ở Tiệp Khắc. Học về, vừa làm diễn viên vừa thiết kế sân khấu.

Mình tự nghĩ: Cứ làm nghề thật tốt, rồi điều gì khắc đến nên phải nói thật, mình làm việc như điên và cũng đã đạt được nhiều kết quả trong thành tựu thiết kế sân khấu mà cụ thể là nhận được rất nhiều huy chương vàng bạc trong các kỳ Hội diễn Sân khấu… Thế rồi Giám đốc Mạnh Linh khi đó tín nhiệm giao nhiệm vụ làm Trưởng ban Mỹ kỹ thuật nhà hát, rồi Trưởng phòng Nghệ thuật, rồi Phó Giám đốc rồi khi bác Khôi lên Hội thì có lẽ (cười) chẳng con ai nên Bộ cử mình vào chức Giám đốc…

NSND Trọng Khôi, NSND Doãn Châu, NSƯT Anh Dũng.

PV: Bác đùa vậy thôi chứ ai lại dám trao chức vụ đó vào tay người không làm được việc!

NSND Doãn Châu: Đúng vậy! Mình nói đùa vậy thôi chứ năm năm ở cương vị đó, đúng thật ít khi mình ăn được ngon, ngủ được yên vì suốt ngày đêm phải nghĩ, phải lo cho Nhà hát mà nhất là nhà hát đó lại đã từng được tiếng là "Anh cả đỏ" trong làng Sân khấu. Nhưng "nhờ trời", mình cũng làm được một số việc có kết quả tốt.

Sự nghiệp một nhà hát trước tiên trông vào các vở diễn đã được dàn dựng. Thế thì cũng rất vui là mình đã tiếp bước được bác Khôi để làm nên được một chương trình kịch mục xứng tầm nhà hát. Đó là những vở: "Trăng soi sân nhỏ", "Giấc mộng đêm hè", "Kẻ sống ngoài vòng pháp luật"… Ngoài ra thì mình cũng hoàn thành được Nhà truyền thống của Nhà hát Kịch Việt Nam để trọng nghĩa với các bậc tiền bối đi trước… Khi về hưu, có lẽ cũng chẳng có gì đáng để ân hận. Vậy là tạm được rồi! (Cười).

PV: Còn NSƯT Anh Dũng thì sao ạ?

NSƯT Anh Dũng: Thực ra lúc này mình cũng không muốn nói điều gì cả nhưng vì hôm nay có cuộc gặp mặt khá đột ngột và bất ngờ giữa ba anh em mình nên bạn hỏi thì mình đành phải nói thôi.

Cuộc gặp gỡ bất thường hôm nay, mình cũng rất ngạc nhiên và thực sự mà nói là rất cảm động khi thấy các bậc đàn anh của mình vẫn cư xử với mình một cách đàng hoàng và vẫn động viên mình nhiều trong quá trình đi tiếp cuộc đời nghệ thuật…

(Trầm tư) Mình cũng như hai bác đây thôi! Mình là nghệ sĩ biểu diễn và lý lịch nghệ thuật của mình cũng rất đáng để mình tự hào với hàng chục vai diễn tốt trên sân khấu cũng như trên màn ảnh. Đó là các vai diễn trong các vở kịch: "Đảo Thần Vệ nữ", "Đại đội trưởng của tôi", "Người cha thô bạo”, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt", "Ả cave nhà hàng Mac xim", "Ca sĩ đười ươi", "Hồi chuông cảnh tỉnh", "Kẻ sống ngoài vòng pháp luật"… Rồi các phim: "Cô gái trên sông", "Đứng trước biển"… cùng hàng chục phim truyền hình nữa…

Và có lẽ cũng vì tín nhiệm với quá trình làm việc nghiêm túc, cần cù của mình như vậy nên mình được giao nhiệm vụ làm Đoàn trưởng Đoàn diễn xuất, rồi "phó" cho bác Châu một thời gian và khi bác Châu nghỉ thì mình nhận nhiệm vụ Giám đốc. Đơn giản vậy thôi! (Chép miệng) Nhưng quả thật làm giám đốc chẳng dễ dàng gì!

PV: Nhưng chắc trong thời gian đương nhiệm, ông cũng làm được "một cái gì" đó chứ?

NSƯT Anh Dũng: Có chứ! Đó là những vở: "Heda Gable" của H.Íp sen, "Trên cả trời xanh", "Bà tỷ phú về thăm quê", "Cuội buôn quan"… Ngoài ra, mình còn tạo được điều kiện để anh em nhà hát được đi biểu diễn và giao lưu với sân khấu các nước bạn như Cộng hòa Czech, Hàn Quốc…. Nhưng quả thật, thời gian mình làm Giám đốc trong tay mình không có được đội ngũ biểu diễn "hoành tráng" như thời của hai bác Khôi và Châu nên… Nhưng thôi, biết làm sao được. (Thở dài…)

PV: Các vị có thể cho biết công việc hiện nay và đặc biệt xin cho biết những công việc nghệ thuật mà "các bác" còn tiếp tục sau khi nghỉ giám đốc?

NSND Trọng Khôi: Như bạn biết đấy! Mình lên Hội đã hai khóa rồi. Công việc của Hội lu bù, tuy nhiên cứ tranh thủ được lúc nào là mình đi làm phim, đạo diễn sân khấu cho các đoàn nghệ thuật. Năm kia, dàn dựng vở "Bến mê" cho Nhà hát Kịch và gần đây nhất, mình đạo diễn cho Đoàn Dân ca Nghệ An… Rồi viết lý luận phê bình!... Tóm lại, làm được gì có lợi cho nghệ thuật là mình làm. Máu nghệ sĩ mà! (Cười). Nhưng đợt này thì quá bận vì đang phải chuẩn bị cho Đại hội Sân khấu vào cuối năm nay.

NSND Doãn Châu: Có lẽ nghề của mình có điều kiện kéo dài hơn hai bác đây nên mặc dù nghỉ Giám đốc nhưng thực ra đôi khi mình lại còn bận hơn cả khi đương nhiệm. Mình vẫn thiết kế sân khấu đều đều cho các nhà hát và các đoàn nghệ thuật. Năm ngoái, thiết kế cho Nhà hát Quân đội, Đoàn Cải lương Hoa Mai…

Mấy ngày nay lại đang vất vả với Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Kịch Trung ương và Nhà hát Cải lương Trung ương để chuẩn bị vở cho họ đi tham dự Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc vào cuối tháng này. Bận nhưng mà vui vì cảm giác mình vẫn còn có ích cho đời, cho nghệ thuật. Mình cứ tưởng tượng khi mà không còn được làm nghệ thuật nữa thì buồn lắm! (Nghẹn lời)…

PV: Còn NSƯT Anh Dũng? Nghe nói ông đã thành chuyên viên của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Vậy thì ông có nhớ sân khấu không?

NSƯT Anh Dũng: Có chứ! Mình là người từ sân khấu ra mà! Có lẽ mình cũng như vậy thôi. Thiếu ánh đèn sân khấu, mình thấy như mất đi điều gì đó nên hiện nay mình vẫn hợp đồng về diễn cho Nhà hát khi họ yêu cầu; và sắp tới, tháng mười này, mình sẽ đi làm một phim dài tại Huế. Hôm nay mình lên đây (Hội Nghệ sĩ sân khấu) cũng là để nhận cam kết về sáng tác kịch bản sân khấu với Hội. Sau những biến động về công tác cũng như gia đình, mình đã lấy lại được thăng bằng và nay đang cố gắng giữ lại nhịp cho những đóng góp của mình cho sân khấu và hy vọng mọi việc sẽ qua đi và mình lại tiếp tục con đường nghệ thuật của mình một cách tốt đẹp.

Cuộc phỏng vấn nhỏ của tôi đến đó là kết thúc vì cả ba vị "cựu Giám đốc" Nhà hát Kịch Việt Nam lúc này hình như đều vẫn quá bận với những công việc nghệ thuật của họ và tôi tự nghĩ: Thật đáng trân trọng những người nghệ sĩ vì những gì họ đã đóng góp cho cuộc đời không bao giờ dừng lại…

Đã có những tháng ngày họ từng là giám đốc, từng ở cương vị lãnh đạo một cơ quan nghệ thuật lớn. Với từng người, những đóng góp của họ có thể thành công ít hay nhiều hoặc thậm chí thất bại nhưng trong họ, điều duy nhất còn lại mãi vẫn là lòng say mê nghệ thuật và tôi thầm chúc cho cả ba vị trong tương lai ở giai đoạn hậu “giám đốc", họ vẫn có được những thành quả nghệ thuật tốt góp phần đưa nghệ thuật Sân khấu - Điện ảnh nước nhà đi lên

Đức Kiên (thực hiện tháng 9/2009)
.
.
.