Hài trên sân khấu xiếc: Vừa yếu, vừa thiếu chuyên nghiệp

Thứ Tư, 14/11/2007, 15:50
Các nghệ sĩ xiếc đều thừa nhận hề xiếc hiện đang trong tình trạng cầm cự để tồn tại. Sự mờ nhạt về sắc thái và chất lượng nghệ thuật, đơn điệu về thể loại và nội dung, thiếu hụt đội ngũ diễn viên kế cận khiến hề xiếc đứng bên bờ vực sa sút chưa từng có. Các diễn viên hề xiếc hôm nay không lấp nổi khoảng trống mà thế hệ nghệ sĩ hề lớp trước để lại.

Đã lâu lắm rồi, khán giả của các chương trình xiếc không còn được thưởng thức những màn hài hước hấp dẫn và thú vị, khi thời hoàng kim của các nghệ sĩ Văn Thiều, Tiến Mạnh, Tuấn Nhật, Văn Phú… với các tiết mục nổi danh "Đốt pháo", "Hãm ghế", "Hề chổi", "Say rượu"… qua đi.

Hàng chục năm qua, những anh hề vẫn xuất hiện, vì tiết mục này không thể thiếu trong chương trình xiếc, nhưng ấn tượng với khán giả thì quả là mờ nhạt. Đây là nỗi trăn trở của những người làm nghề, nên Liên chi hội, Liên đoàn Xiếc và Trường Trung học Xiếc Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học về "Nghệ thuật hài và vấn đề đào tạo diễn viên hài cho sân khấu xiếc Việt Nam".

Tại cuộc hội thảo được coi "là sự quan tâm đầu tiên đến loại hình hài hước", các nghệ sĩ đều thừa nhận hề xiếc hiện đang trong tình trạng cầm cự để tồn tại. Sự mờ nhạt về sắc thái và chất lượng nghệ thuật, đơn điệu về thể loại và nội dung, thiếu hụt đội ngũ diễn viên kế cận khiến hề xiếc đứng bên bờ vực sa sút chưa từng có. Các diễn viên hề xiếc hôm nay không lấp nổi khoảng trống mà thế hệ nghệ sĩ hề lớp trước để lại.

NSƯT Vũ Ngoạn Hợp - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam tâm sự: "Hề xiếc đang thiếu vắng những kịch bản hay, kịch bản mới, mang tính thời sự và tính định hướng thẩm mỹ cho khán giả mà đúng ra, chức năng và nhiệm vụ của nó phải mang tới. Hề xiếc không còn nhận được sự hào hứng của người xem khi kỹ năng kỹ xảo xiếc của tiết mục hề ngày càng ít, nội dung sơ sài, thiếu tính logic. Diễn viên thiếu chuyên nghiệp khi vừa yếu về kỹ thuật, vừa thiếu hiểu biết về kỹ năng, kỹ xảo của chính bộ môn này".

Không khó khăn gì để nhận ra nguyên nhân của sự xuống dốc này. Thiếu tính chuyên nghiệp là điều đầu tiên phải thừa nhận. Từ năm 1978 đến nay, việc đào tạo diễn viên hề đã không còn trong chương trình của Trường trung học Xiếc Việt Nam, khiến loại hình nghệ thuật vốn đã không dễ phát triển càng thêm khó khăn.

Công việc đào tạo nhân tài loại này không thể vài ba năm mà hàng chục năm. Nhưng đến nay, giáo trình, phương pháp đào tạo đều không có, chỉ là thầy truyền nghề, học sinh cứ rập khuôn, không cần sáng tạo.

Vì thế, các tiết mục chỉ là những bản sao mòn mỏi và dĩ nhiên, chất lượng ngày càng kém đi. Kịch bản thiếu, diễn viên thụ động, chưa chịu khổ luyện nên không thể có những nghệ sĩ hề xuất sắc kế cận.

"Tại sao hề chưa có giáo trình, giáo án bình đẳng như các bộ môn khác" là nỗi đau đáu của NSND Lưu Văn Phúc - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Liên chi hội Xiếc Việt Nam.

Vì vậy, việc xây dựng giáo trình khoa học, tuyển lựa diễn viên để đào tạo bài bản là giải pháp mà các nghệ sĩ tham gia hội thảo nhất trí đưa ra để khắc phục sự trì trệ, tính nghiệp dư mà hề xiếc Việt Nam đang có. Sự quan tâm của các nhà phê bình sẽ như ngọn roi quất cho "con ngựa hề xiếc" lồng lên đúng hướng.

Câu hỏi mà PGS.TS Phạm Duy Khuê đặt ra cũng sẽ là điều chúng ta phải quan tâm: "Điều đáng lo là những người làm nghệ thuật xiếc Việt Nam hôm nay đã sẵn sàng đào tạo nghệ sĩ hề xiếc tương lai chưa?"

Thanh Hằng
.
.
.