Góc nhân văn "tiếp lửa" mái ấm gia đình
Mới nhất và gần nhất phải kể đến chương trình truyền hình thực tế "Bố ơi, mình đi đâu thế?" trên VTV3 vào trưa thứ 7 hằng tuần. So với nhiều chương trình khác, "Bố ơi, mình đi đâu thế?" tạo sức thu hút ngay từ ban đầu bởi người tham gia đều là những ông bố nổi tiếng: Nhạc sĩ Minh Khang; diễn viên, đạo diễn Trần Lực; MC Phan Anh và ca sĩ Hoàng Bách. Trong cuộc hành trình hoàn toàn vắng bóng người mẹ, 4 người bố buộc phải giải quyết rất nhiều thử thách rất đời thường. Đó có thể là sự cáu kỉnh của đứa con bé bỏng khi bị đánh thức dậy sớm, khóc đòi mẹ, những thắc mắc, suy nghĩ khiến các ông bố nổi tiếng cần giữ hình ảnh trước công chúng rất dễ lúng túng, đại loại như: Sao ở nhà bố có chăm con đâu? Chắc bố con không làm được đâu, vì ở nhà, thay quần áo cho con, bố còn không biết thay! Người xem truyền hình cười ồ khi đạo diễn Trần Lực mang miếng socola có hình cô gái dỗ con nín khóc thì nhận ngay được "câu phán" rất hồn nhiên: “Bố mê gái mà...”.
Qua từng tình huống đôi khi rất trớ trêu ấy giữa các ông bố nổi tiếng với các "thiên thần nhỏ" lại trở thành vô số những bài học nho nhỏ cho hàng triệu người đang làm cha khác nếu theo dõi chương trình. Ít nhiều giúp họ tự soi lại bản thân để nhận thấy đã thực sự làm tròn trách nhiệm của người cha. Và rằng: Làm cha không dễ như mọi người vẫn nghĩ?!
Cùng với "Bố ơi, mình đi đâu thế?" có thể kể đến các chương trình đậm chất nhân văn khác: "Ai hiểu mẹ nhất?" trên HTV9 tối thứ 7 hằng tuần, "Bố ơi, mẹ thích gì?" trên VTV3 vào sáng chủ nhật hàng tuần. Cùng với hàng loạt thử thách được ban tổ chức đặt ra: chăm sóc con cái khi vợ đi vắng, người vợ thích quà gì, chọn mua gì, ở đâu trong những dịp nhất định? Với vấn đề thứ nhất, dù có đôi lúc lúng túng, có những ông bố nấu ăn ngon, có những ông bố nấu ăn dở nhưng gần như đều hoàn thành nhiệm vụ thì với những vấn đề tiếp theo, "đáp án" của các ông bố và con cái rất thường xuyên... sai.
"Bố ơi, mình đi đâu thế?" - một trong những chương trình truyền hình về gia đình được chú ý gần đây. |
Được xây dựng trên nền tảng văn hóa truyền thống của người Việt Nam, đề cao gia đình và đặc biệt là vai trò của người mẹ, thông qua từng thử thách, các chương trình mang đến những bức tranh gia đình thật với không khí ấm áp thân thương hơn. Tuy nhiên, cũng từ các chương trình ấy, người xem và cả người trong cuộc đôi khi giật mình nhận ra rằng người mẹ, người vợ trong gia đình được xã hội, cộng đồng "khoác" lên họ bao mỹ từ để ngợi ca: bao dung, nhân hậu, hy sinh và chắt chiu vun vén cho mái ấm gia đình. Nhưng, ai là người trong gia đình hiểu họ nhất?
Những thành viên khác trong gia đình đã thực sự hiểu và chia sẻ với họ? Với không ít chương trình, sau khi kết thúc thử thách, người xem truyền hình chứng kiến không ít người chồng, người cha bật khóc khi cuối cùng họ nhận ra mình bất lực. Những lời tâm sự thật nhất dành cho vợ, bao hàm cả tình yêu và sự biết ơn gần như là cái kết tất nhiên. Người chơi kết thúc các thử thách song sau mỗi chương trình, chắc chắn vẫn còn lơ lửng những khoảng trống chờ các thành viên trong từng gia đình tự lấp đầy để cùng vun đắp hạnh phúc gia đình.
Có một thực tế khác là hầu hết các chương trình truyền hình kết nối gia đình đều không quá ồn ào trên các phương tiện truyền thông. Ngay cả các cuộc thi được coi như là các sân chơi nhiều tính giải trí hơn cho các gia đình: Gia đình tài tử, Vợ chồng mình hát... những câu chuyện giản dị, rất đỗi đời thường về hạnh phúc gia đình rất cụ thể được đan cài, thông tin đến người xem truyền hình qua từng chương trình ít nhiều tiếp thêm lòng tin cho mỗi cá nhân về hạnh phúc lứa đôi, mái ấm gia đình bền vững. Niềm tin ấy được củng cố hơn bằng uy tín của ban tổ chức qua từng chương trình được coi là "sạch", ít chiêu trò, thậm chí không chiêu trò