Giọng hát Việt nhí: Có quá khó để tìm bài hát?

Chủ Nhật, 28/09/2014, 10:32
Giọng hát Việt nhí đã đi đến gần hết chặng đua, chỉ còn những gương mặt xuất sắc nhất trụ hạng, bao gồm 3 đội, và mỗi đội là 2 thí sinh. Có thể nói rằng, vào đến vòng này, các huấn luyện viên đã sử dụng rất nhiều “chiêu, trò” trong việc chọn bài, tìm ý tưởng để sáng tạo nhằm đem đến những bất ngờ và thích thú cho người xem… Trong liveshow thứ 5 vừa qua, khán giả cũng thực sự thích thú với những phá cách mà các thí sinh nhí và các huấn luyện viên mang lại. Và, theo như sự chia sẻ của các huấn luyện viên, thì việc rất khó cho họ, đó là tìm bài hát cho thí sinh…

Có quá khó để lựa chọn bài hát?

Có thể nói rằng, càng vào các vòng sau, thì các thí sinh càng tỏa sáng, và chính điều này cũng gây áp lực cho các thí sinh, khi mà nhu cầu của khán giả ngày càng đòi hỏi cao hơn, đòi hỏi các em và huấn luyện viên luôn luôn phải tìm tòi, nhằm tạo ra cái mới và tạo sức hút cho chương trình. Và chính vì việc tìm bài hát rất khó, nên việc trẻ em hát những bài hát người lớn là điều không thể tránh khỏi. Nói đi cũng phải nói lại, khán giả của chương trình, có lẽ những người lớn cũng chiếm rất nhiều. Nếu chỉ hát toàn nhạc trẻ em, liệu người lớn chúng ta có thể hoàn toàn thích thú, trong khi đó, về phía các em, các em cũng “đủ sức” và cũng đủ cảm nhận và cảm xúc để hát và thể hiện những bài hát của người lớn.

Theo sự thổ lộ của các em, việc chọn bài đều có chủ ý rõ ràng. Cô bé nhà nông Thiện Nhân, ở vòng loại hát “Mẹ yêu con”, theo như chia sẻ của em, đó là tình cảm của em dành cho người mẹ một nắng hai sương làm nương làm rẫy quê nhà, hay cô bé hát dân ca Thiên Nhâm, thì chỉ dân ca mới khoe hết được giọng hát của em, và sự trình bày “Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài Lang” đã hoàn toàn chinh phục được khán giả; cậu bé Đôremon Hoàng Anh tóc xù với “Hren lên rẫy”, đã khoe được toán bộ sự khỏe khoắn, trong sáng trong giọng hát của em, kết hợp với các động tác hình thể để tạo nên sự khác biệt của riêng mình; hay như “cô bé áo nâu” Huyền Thanh, vì hoàn cảnh phải vào chùa sống từ nhỏ, cuộc sống gắn liền với chốn linh thiêng, u tịch, thì em lại trầm mặc, chậm rãi với những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn… Tóm lại là tất cả những gì các em chọn là để phù hợp nhất với giọng hát của các em. Các em cũng có thể hoàn toàn thử sức ở những thể loại nhạc khác, và điều đó chỉ làm bộc lộ thêm những khả năng còn thiên bẩm trong mỗi thí sinh.

Thí sinh Nguyễn Thiện Nhân, ứng viên sáng giá của Giọng hát Việt nhí mùa thứ 2, biểu diễn cùng vũ đoàn trong Liveshow ngày 20/9.

Còn nhớ trong liveshow thứ 5 vừa qua diễn ra vào ngày 20/9, “màn kịch” của thí sinh Nguyễn Hoàng Anh và Lê Thanh Huyền Trân đã thực sự đem lại sự thích thú cho khán giả và cả huấn luyện viên. Lấy tứ từ vở nhạc kịch “Bóng ma trong nhà hát”, hai thí sinh của đội Giang – Hồ đã hóa thân thành 2 nhân vật trong vở kịch cùng với vũ đoàn kết hợp thành một vở kịch rất đặc sắc, trong khi đó vẫn khai thác được tối đa tố chất và giọng hát của mỗi thí sinh. Đôremon Tóc xù Hoàng Anh vẫn được thoải mái thể hiện những động tác cơ thể và khoe giọng hát khỏe khoắn của mình, và Lê Thanh Huyền Trân vẫn nhẹ nhàng, sâu lắng với “Hoa vàng mấy độ” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để đến khi kết thúc phần thể hiện, anh Hai Lam Trường đã phải thốt lên trầm trồ thán phục với tiết mục kết hợp đặc biệt này, “và không nghĩ rằng hai giám khảo Hồ Hoài Anh và Lưu Hương Giang lại nghĩ ra tiết mục đặc biệt và ăn ý cho hai thí sinh này như vậy”.

Theo sự chia sẻ của vợ chồng Lưu Hương Giang, khi vào đến vòng này, họ đã cùng êkíp suy nghĩ và rất khó để lựa chọn bài hát cho các thí sinh. Lưu Hương Giang nhấn mạnh, quá khó để tìm bài hát cho các em. Vì vào đến vòng này, mỗi thí sinh là một bông hoa có vẻ đẹp riêng biệt, mỗi người một màu sắc. Và vào đến đây, mỗi thí sinh đều có một thế mạnh đặc biệt, không ai hơn ai, và cũng không vì thế mà phải so sánh với nhau..

Tại sao ca khúc thiếu nhi ít được chọn?

Có thể nói, bản chất của các ca khúc thiếu nhi là dễ hát, giai điệu đơn giản, ca từ và lời hát chủ yếu là tươi vui, nhí nhảnh, mà phần cảm xúc biểu lộ trong đó sẽ ít hơn, đó chính là lý do tại sao các huấn luyện viên và thí sinh ít chọn nhạc thiếu nhi. Không những chỉ chọn bài hát người lớn, xu hướng các huấn luyện viên chọn ca khúc, và cả dàn dựng ý tưởng, bối cảnh, câu chuyện và hình ảnh cũng phải cực kỳ bắt mắt, vì khán giả đòi hỏi ngày càng cao hơn rất nhiều. Ca khúc thiếu nhi thì ít, chủ đề và đề tài cũng giới hạn hơn, trong khi có quá nhiều sự lựa chọn khác để các thí sinh khoe giọng hát của mình.

Là cha mẹ, phần lớn họ đều muốn con mình sống đúng với lứa tuổi, và hát những bài hát dành cho lứa tuổi của mình. Nhưng xét lại, các thí sinh lứa tuổi thi The Voice Kids, chương trình giới hạn độ tuổi là từ 10 trở lên, vậy ít nhất các em cũng đã ở lứa tuổi thiếu niên, chả lẽ cứ bắt các em hát những bài thiếu nhi mãi? Liệu điều này có hợp không? Không ai muốn các em hát những bài sướt mướt, lụy tình. Nhạc người lớn, đâu phải chỉ có những ca khúc như thế, còn rất nhiều ca khúc dân ca, nhạc trẻ, dân ca các vùng miền phù hợp với giọng hát của các em.

Dù cho như thế nào chăng nữa, các em tham gia chương trình vào đến những vòng này là các em đã có một quá trình rèn luyện, hoàn thiện bản thân và được cọ xát, được thể hiện mình. Và khán giả, nói gì thì nói, họ vẫn thấy chương trình có cái gì đó “đáng xem” hơn, ít nhất là so với giọng hát Việt dành cho người lớn, mà điều này đã thể hiện qua một con số thống kê.

Giọng hát Việt nhí đang vào chặng đua cuối cùng. Thí sinh nào đoạt ngôi vị quán quân vẫn còn là điều bí ẩn. Còn nói như huấn luyện viên Lưu Hương Giang, cả 6 thí sinh còn lại đã vào đến vòng này, 6 em là 6 bông hoa, mang những màu sắc khác nhau. Và các em chính là quán quân của những khán giả đã ủng hộ cho mình

Khánh Linh
.
.
.