Giáo sư Ahn Kyong Hwan: Người Hàn Quốc mang hồn Việt

Thứ Bảy, 14/01/2006, 08:45

Giáo sư Ahn để lại ấn tượng về sự khúc triết trong cách diễn đạt đơn giản. Chủ đề Việt Nam luôn là trọng tâm trong các câu chuyện giữa ông và tôi. Ông biểu lộ tình cảm với Việt Nam bằng một sự chân thành đặc biệt, như thể đó là một phần không thể tách rời trong bản thể.

Nhịp cầu văn hóa

Hơn 30 năm theo đuổi tiếng Việt không ngừng nghỉ, hạnh phúc lớn lao nhất của Giáo sư Ahn là đã đưa được lịch sử và văn hóa Việt Nam tới người dân xứ sở Kim Chi. Gia tài đáng giá của ông là hơn chục đầu sách về Việt Nam, trong đó có "Nhật ký trong tù" và "Truyện Kiều" - những tác phẩm theo ông là "quốc hồn, quốc túy" và kiệt tác trong lịch sử văn học Việt Nam. Ông luôn tin rằng bản dịch "Nhật ký trong tù" là một nhịp cầu trong chặng đường giao lưu văn hoá giữa hai dân tộc Việt - Hàn, giúp độc giả ở quê hương ông hiểu thêm về văn hóa, truyền thống Việt Nam và đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Anh hùng đã đưa Việt Nam đến hoà bình, thống nhất, độc lập và tự do. Chuyển ngữ tác phẩm còn đánh dấu sự hiểu biết lẫn nhau trong quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia.

Giáo sư Ahn đánh giá: "Giờ thì nhiều người đã biết tác phẩm ‘Nhật ký trong tù’ là của ai, và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải làm gì trong suốt cuộc đời mình để đưa Việt Nam tiến tới độc lập. Tôi thấy vui vì điều đó". Để tác phẩm đến với quảng đại quần chúng trên diện rộng hơn nữa, Giáo sư Ahn đã kết hợp với các nhà thư pháp nhằm truyền đạt tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng hình thức thể hiện độc đáo. Triển lãm thư pháp thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được tổ chức ở một loạt thành phố lớn tại Hàn Quốc và sẽ có mặt ở Tp.HCM, Vinh, Hà Nội từ đầu năm mới 2006.

Khi dịch "Nhật ký trong tù", "Truyện Kiều", "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" hay bất kỳ tác phẩm nào, Giáo sư Ahn luôn toàn tâm toàn ý với công việc chuyển ngữ cũng như tìm hiểu tư liệu liên quan. Ông luôn nhấn mạnh, tất cả những điều đó rất cần thiết đối với một dịch giả để tránh những "hạt sạn" không đáng có.

Trọng chữ NGHĨA

Kiên cường, bất khuất, thân thiện và hiếu khách là những nét tính cách của người Việt Nam mà Giáo sư Ahn rất ấn tượng. Ông yêu sự thân thiện và hiếu khách của người Việt Nam. Có một câu chuyện về Việt Nam vẫn còn tiếp tục "ám ảnh" ông.

Một ngày trước Tết 2002, ông từ Hà Nội đáp tàu tới thăm Làng Sen. Ngày cuối năm, rất nhiều người về quê ăn Tết nên ga Vinh khi đó ken đặc người. Ông mất phương hướng, không biết đi lối nào. Đúng lúc đó, một người phụ nữ tên là Thanh - giáo viên một trường cấp 2 ở Hà Nội - đã giúp ông bắt taxi đi đến quê Bác và mua hộ ông vé về Hà Nội. Sau thời gian đó, mỗi khi có dịp tới Hà Nội là ông lại cố gắng liên lạc với cô giáo đó để bày tỏ sự biết ơn nhưng vô vọng.

Ông tâm sự: "Có lẽ cô ấy đã chuyển đi nơi khác hoặc đã thay đổi số điện thoại. Tới tận bây giờ, tôi vẫn không quên được sự tốt bụng của cô ấy. Rất tiếc là tôi không có được thông tin cụ thể của cô ấy, nhưng hy vọng cô ấy vẫn còn nhớ người bạn qua đường và liên lạc với tôi. Tôi muốn tặng cô ấy một bản dịch tập ‘Nhật ký trong tù’ của tôi. Phương châm sống của tôi là trọng nghĩa. Theo tôi, nếu con người không giữ được chữ NGHĨA thì không còn giá trị của CON NGƯỜI. Nếu tôi nhận được sự giúp đỡ của ai đó thì tôi cố gắng trả ơn người đó. Tôi nhận thấy truyền thống, văn hoá của người Việt Nam là trọng nghĩa".

Nhiều năm sống và làm việc ở Việt Nam (từ tháng 7/1989 đến năm 1992), ông có thú vui đi mua sách cũ về làm tư liệu. Chính nhờ những lần đó, ông phát hiện ra những tác phẩm hay và có ý nghĩa với người Hàn Quốc. Sắp tới, ông sẽ bắt tay vào dịch một số tác phẩm, trong đó có "Cung oán ngâm khúc". Ngoài chuyển ngữ các tác phẩm văn học, ông còn tham gia các dự án đưa thông tin về Việt Nam tới người Hàn Quốc, trong đó có trang web. Đây là trang web đầu tiên có phần hội thoại tiếng Việt ở Hàn Quốc.

Ông cho rằng nhu cầu học tiếng Việt ở Hàn Quốc sẽ tăng lên nhanh chóng vì các nhà đầu tư nước này đang tiếp tục bị "mê hoặc" bởi sự năng động và triển vọng kinh tế của Việt Nam. Khoảng 20 nghìn người Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam nói lên điều đó.

Không chỉ thở hơi thở Việt Nam qua các tác phẩm văn học, Giáo sư Ahn dự định sẽ sang Việt Nam sinh sống khi về già, để được sống và nghiên cứu trong không gian văn hoá thuần Việt. "Tôi nghĩ còn nhiều tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam cần được dịch sang tiếng Hàn Quốc. Tôi mong muốn được giới thiệu văn hoá Việt Nam cho người Hàn Quốc. Nếu các nước trên thế giới cùng hiểu nhau, cùng giúp đỡ nhau, chúng ta có thể hướng tới một nền hoà bình lâu bền", ông nhấn mạnh

Bá Thùy
.
.
.