Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam: Cái nhìn mới mẻ về sự phát triển và tính đa dạng

Thứ Hai, 20/01/2014, 10:12
4 tác phẩm đoạt Giải thưởng văn học 2013 đã được trao tại buổi lễ do Hội Nhà văn (HNV) tổ chức tại Hà Nội ngày 19/1, với sự có mặt của đông đủ các thế hệ nhà văn Việt Nam.

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch HNV Việt Nam, ở Giải thưởng lần này, mỗi Hội đồng chỉ được đề cử không quá 3 tác phẩm cho Hội đồng chung khảo, nhằm tránh tình trạng Hội đồng chuyên môn đưa quá nhiều tác phẩm vào chung khảo, chưa được chọn lựa kỹ lưỡng. Trong số 190 tác phẩm đề cử cho cả 4 thể loại văn xuôi, lý luận phê bình (LLPB), thơ và văn học dịch, không có tác phẩm văn xuôi và LLPB nào nào đủ số phiếu bầu vào chung khảo, chỉ có 3 tác phẩm thơ và một tác phẩm văn học dịch được chọn. Cuốn “Phút giây huyền diệu” và “Bãi vàng, Đá quý, Trầm hương” (Nguyễn Trí) chỉ được giới thiệu sau khi các Ủy viên BCH HNV phát hiện các tác phẩm có chất lượng mà không nằm trong số tác phẩm được đề cử cho các Hội đồng.

Đánh giá về các tác phẩm được giải, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng: Nhà văn Ma Văn Kháng, người được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, đã viết “Phút giây huyền diệu” bằng trải nghiệm sống và kinh nghiệm sáng tác của mình. Ông dựng lên một đời sống nội tâm sâu sắc, đa chiều, nhân văn và nhiều ám ảnh, từ đó, khám phá ra triết lý sống và sáng tạo. Cuốn sách hé lộ cho chúng ta lối đi bí ẩn và diệu kỳ của sự sáng tạo, để hòa quyện một cách tài tình và đầy thuyết phục về mối quan hệ giữa đời sống và nghệ thuật, khẳng định sự kỳ diệu của sáng tạo chỉ có thể sinh ra từ sự diệu kỳ của đời sống. Tác phẩm này còn gợi mở cho những nhà nghiên cứu văn học hiểu thêm những cách tiếp cận khác nhau một văn bản nghệ thuật và sự sinh ra của nghệ thuật từ đời sống, cũng như gợi mở cho các đồng nghiệp, đặc biệt là những đồng nghiệp trẻ cách xử lý chất liệu đời sống khi sáng tạo và thăng hoa trong lối đi riêng biệt của mỗi nhà văn.

Nhà thơ Hữu Thỉnh trao giải cho các tác phẩm xuất sắc. Ảnh: Phan Hữu Đố.

Được coi là “sự lạ” trong Giải thưởng HNV năm nay, là tác giả Nguyễn Trí. Cái tên mới mẻ với cả những người làm văn chương lẫn bạn đọc, mà cùng lúc giành giải thưởng cao nhất, ông còn được kết nạp vào HNV Việt Nam. Gương mặt khắc khổ đã phản ánh khá rõ lịch sử cá nhân đặc biệt của ông với đủ thứ nghề: nấu rượu, khai thác đá quí, vàng, trầm hương, đốt than, xe ôm…  Nhà văn Đỗ Chu chia sẻ: Nguyễn Trí là một người viết rất đáng được vinh danh. Giỏi cả tiếng Anh và tiếng Pháp, Nguyễn Trí đọc nhiều, viết nhiều và có tới 65 truyện ngắn đăng tải trên báo. Văn chương và tư tưởng trong mỗi tác phẩm của Nguyễn Trí đều độc đáo và hấp dẫn, mang sắc thái riêng. Đặc biệt, tính nhân văn luôn lấp lánh trong từng câu chuyện.

Cuộc đời Nguyễn Trí đầy bi kịch đau buồn, nhưng trong cả những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, biến cố đau buồn nhất, Nguyễn Trí vẫn tràn đầy khát vọng sống. Tác phẩm chính là một lịch sử cô đọng nhất về cuộc đời ông với ngôn ngữ giản dị, trực diện, hấp dẫn và tin cậy, đôi lúc thô nháp nhưng vẫn đầy tính thuyết phục, giúp ông thành công trong việc xây dựng chân dung nhân vật. Thế giới mà Nguyễn Trí dựng lên thật khốc liệt, để thử thách và làm phát lộ nhân tính. Giữa cái vực thẳm chênh vênh ấy, ông và nhân vật của mình đã đi qua, như bạn đọc đã đi qua. Đây quả là một thách thức lớn và cũng là điều quan trọng nhất của một tác phẩm.

Nhà văn Đỗ Chu xúc động: Nhiều năm trước, hình ảnh từng lay động trái tim bao người dân trong cả nước, khi một người cha tha thiết đứng lên xin toà giảm án cho kẻ giết con mình trong vụ án giết người tại Đồng Nai. Đó chính là Nguyễn Trí. Một trái tim bao dung như thế, làm sao những trang văn không nhân ái cho được?

“Trở lại sau nhiều năm vắng bóng, nhà thơ Mã Giang Lân xuất hiện với một bước tiến dài với cái nhìn mới và nhiều suy tưởng trong “Những lớp sóng ngôn từ” như một sự tự đổi mới là ý kiến của nhà thơ Hữu Thỉnh. Những câu thơ của ông thường được chắt ra từ lòng trắc ẩn, sự đau đớn và đầy chiêm nghiệm. Có thể nói, những con sóng mới mẻ của tác giả đã tràn lên trên những gì trước đó của chính ông.

Sau lễ trao giải, HNV Việt Nam đã tiến hành kết nạp hội viên cho 36 nhà văn mới.

Tác phẩm đoạt giải: Tiểu luận và bút ký về nghề văn “Phút giây huyền diệu” (Ma Văn Kháng); tập truyện ngắn “Bãi vàng, Đá quý, Trầm hương” (Nguyễn Trí); tập thơ “Những lớp sóng ngôn từ” (Mã Giang Lân); dịch phẩm “Nông dân” (Wladyslaw St.Reymont, dịch giả Nguyễn Văn Thái).

Riêng tập thơ “Thắp xanh niềm tôi” của nhà thơ Nguyễn Hoa được trao giải A của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNTVN.

Thanh Hằng
.
.
.