Giải thưởng Cánh diều vàng 2011: Những bất ngờ được chờ đợi

Chủ Nhật, 27/02/2011, 15:24
Sự chờ đợi hồi hộp nhất vẫn là câu hỏi: Những tác phẩm điện ảnh nào sẽ được vinh danh?

Lễ kỷ niệm ngày Điện ảnh Việt Nam và trao giải Cánh diều vàng 2011 sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 và VTV4  vào lúc 20h ngày 13/3 sắp tới đây tại Nhà hát Hòa Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Trong phần lễ, sẽ tôn vinh thành tựu trọn đời của các cố đạo diễn- NSND Nguyễn Văn Thông, Trần Vũ và Nguyễn Ngọc Quỳnh. Phần trao giải sẽ là sự góp mặt của rất nhiều các nghệ sĩ tên tuổi cùng với nhiều bất ngờ mà Ban tổ chức dành cho đông đảo khán giả.

Đa dạng phim tranh giải

Cánh diều vàng năm nay nhiều hơn về số lượng phim tham gia và phong phú hơn về thể loại, đó là một tín hiệu đáng mừng cho điện ảnh Việt Nam. Ở phim truyện nhựa, thể loại được quan tâm nhất của mùa giải, có sự góp mặt của 12 phim gồm: "Tây Sơn hào kiệt" (đạo diễn Lý Huỳnh), "Hoa đào" (đạo diễn Nguyễn Thế Vinh), "Vũ điệu đam mê" (đạo diễn Nguyễn Đức Việt), "Vượt qua bến Thượng Hải" (đạo diễn Triệu Tuấn), "Long Thành cầm giả ca" (đạo diễn Đào Bá Sơn), "Khát vọng Thăng Long" (đạo diễn Lưu Trọng Ninh), "Nhìn ra biển ca"ã (đạo diễn Vũ Châu), "Cô dâu đại chiến" (Victor Vũ), "Cánh đồng bất tận" (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình), "Thiên sứ… 99" (đạo diễn Nguyễn Minh Cao), "Giao lộ định mệnh" (đạo diễn Victor Vũ)…

Một cảnh trong phim “Cánh đồng bất tận” của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình.

Ban tổ chức ban đầu hơi lo ngại vì gần đến phút trót vẫn chưa  thấy các hãng tư nhân đăng ký phim tranh giải Cánh diều vàng, nhưng  rồi cuối cùng, những phim được đánh giá cao trong năm của tư nhân như "Cánh đồng bất tận" (Hãng phim Việt), "Khát vọng Thăng Long" (Công ty cổ phần Kỷ nguyên sáng) cũng đã có mặt. Chỉ có một trường hợp đáng tiếc là bộ phim "Bi, đừng sợ" của đạo diễn trẻ Phan Đăng Di, một bộ phim độc đáo và được dư luận trong nước cũng như quốc tế quan tâm nhiều nhất trong năm qua lại không có mặt tranh giải. "Bi, đừng sợ" đã tham gia hàng loạt LHP danh tiếng trên thế giới như Liên hoan phim Pusan, Liên hoan phim Cannes

Trao đổi với phóng viên, đạo diễn Phan Đăng Di cho biết, sở dĩ anh không thể gửi "Bi, đừng sợ" đến sân chơi "Cánh diều" được là bởi vì cá nhân anh không thể tự quyết định việc này. Phim  được làm theo dự án quốc tế, liên quan đến nhà sản xuất bên Pháp nên bản thân đạo diễn phải có sự thống nhất với nhà sản xuất. Vắng mặt "Bi, đừng sợ", ứng cử viên nặng ký nhất cho "Cánh diều vàng" phim truyện là "Cánh đồng bất tận" của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình. Ra mắt khán giả vào dịp cuối năm 2010 nhưng bộ phim thực sự đã gây lên một "cơn sốt". "Long thành cầm giả ca" của Đào Bá Sơn cũng là một phim hay có nhiều khả năng "ẵm" giải.

Năm nay thú vị là có tới 2 phim làm về đề tài Bác Hồ tranh giải Cánh diều vàng là "Vượt qua bến Thượng Hải" và "Nhìn ra biển cả". Một phim được đánh giá cao nhưng sau đó dính líu vào nghi án đạo phim là "Giao lộ định mệnh" cũng có mặt trong danh sách trao giải. Năm 2010 là năm kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long nên số lượng phim làm về đề tài Thăng Long cũng nhiều hơn, bởi vậy con số 2 phim tham gia Cánh diều là "Long Thành cầm giả ca" và "Khát vọng Thăng Long" cũng là… hợp lý.

Ngoài phim truyện nhựa được chú ý, "Cánh diều vàng" năm nay có một sự đổi mới đáng ngạc nhiên là thể loại phim ngắn được đưa vào tranh giải, bình đẳng như các thể loại phim khác. Số lượng phim ngắn dự thi lên tới con số 41. Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh, Chủ tịch Hội đồng giám khảo phim ngắn cho rằng, việc chấm giải phim ngắn sẽ rất thú vị, và đây sẽ là bước khởi đầu đáng quý cho nhiều đạo diễn trẻ trong tương lai. Điều đặc biệt là hầu như các phim ngắn tham gia đều là phim của sinh viên các trường Sân khấu điện ảnh Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, sinh viên cũng có thể có cơ hội "ẵm" Cánh diều về lớp học như thường.

Các thể loại phim khác như phim truyện video, phim hoạt hình, phim tài liệu, phim khoa học… cũng có số lượng tham gia nhiều hơn năm ngoái.

Công tác chấm giải: Làm sao để "tâm phục khẩu phục"

Năm nay hoạt động chấm giải, chiếu phim và trao giải diễn ra ở TP HCM. Giám khảo phim truyện nhựa gồm có 13 thành viên do PGS.TS Trần Luận Kim làm Trưởng ban, phim truyện video gồm có 7 thành viên do nhà biên kịch Lê Ngọc Minh làm trưởng ban, Phim ngắn 5 thành viên do nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát làm trưởng ban, Phim Tài liệu - Khoa học 7 thành viên do đạo diễn - NSND Bùi Đình Hạc làm trưởng ban, Phim hoạt hình 3 thành viên do NSUT Đặng Hiền làm trưởng ban, công trình nghiên cứu lý luận phê bình điện ảnh 3 thành viên do TS. Ngô Phương Lan làm trưởng ban.

Một cảnh trong phim “Long thành cầm giả ca” của đạo diễn Đào Bá Sơn.

Về quy chế hoạt động của các Ban giám khảo, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết: "Ban giám khảo được lựa chọn là những người có năng lực chuyên môn, uy tín nghề nghiệp, trình độ thẩm định tác phẩm, làm việc trên tinh thần đề cao trách nhiệm và sự công tâm, không để kết quả thẩm định tác phẩm bị sai lệch bởi bất cứ tác động nào. Các giám khảo chấm điểm cho phim và công trình nghiên cứu lý luận phê bình trên thang điểm 10. Theo đó, tác phẩm giành "Cánh diều vàng"  phải có điểm số trung bình từ 9,1 đến 10 điểm. Tác phẩm giành "Cánh diều bạc" phải đạt điểm số trung bình từ 8,1 đến 9,0 điểm. Các tác phẩm đạt Bằng khen phải có điểm trung bình từ 7,1 đến 8,0 điểm. Từng thành viên trong mỗi Ban giám khảo của từng thể loại phim sẽ tự niêm phong kết quả chấm điểm của mình và chuyển tới Chủ tịch Hội đồng giám khảo tổng hợp để làm cơ sở quyết định giải thưởng. Chúng tôi tin rằng với cách thức làm việc công khai, dân chủ, công tâm, Ban giám khảo sẽ tìm ra được những chủ nhân xứng đáng nhất của giải Cánh diều năm nay".

Bà Ngát cũng nói thêm: "Tôi cho rằng một tác phẩm điện ảnh hay trước hết nó phải gây được sự xúc động cho người xem, nghĩa là phải lay động được lòng người, lay động trái tim người xem, sau đó mới tính đến kỹ thuật. Ban giám khảo sẽ chấm giải trên tinh thần ấy. Có những điều hết sức giản dị, mộc mạc đôi khi lại gây được cảm xúc chân thực với khán giả. Đấy là nghệ thuật đích thực".

Uy tín của một giải thưởng nằm ở uy tín của ban giám khảo, điều này ai cũng hiểu. Việc "chọn đúng mặt phim" để "gửi vàng" của các Ban giám khảo sẽ là một động lực để khuyến khích các nghệ sĩ, các đạo diễn, các nhà sản xuất có thêm những tác phẩm xứng tầm phục vụ khán giả. NSND Bùi Đình Hạc cho biết, ban giám khảo của bất kỳ một giải thưởng nào cũng vậy, cần một sự làm việc hết lòng vì điện ảnh, không riêng tư, cá nhân, cũng không để mình phải chịu sự tác động của bất cứ điều gì. Sở dĩ có những trường hợp trao giải gây tranh cãi, không hài lòng cho các nghệ sĩ và công chúng là bởi vì ban giám khảo đã không làm hết chức trách, nhiệm vụ của mình. Năm nay không có giải thưởng do khán giả bình chọn, thì ban giám khảo lại càng phải làm việc nghiêm túc hơn nữa.

Đạo diễn - NSND Đào Trọng Khánh, thành viên Ban giam khảo phim tài liệu lại bày tỏ, ông rất kỳ vọng được xem những bộ phim tài liệu hay, chạm đến những vấn đề nóng hổi, bức xúc của đời sống cũng như những phim chân dung về các nhân vật lịch sử. Nhìn vào danh sách các phim tài liệu tham gia tranh giải, tôi có thể cảm nhận sự phong phú về đề tài cũng như gương mặt các đạo diễn, đặc biệt là các đạo diễn trẻ. Chúng ta sẽ tôn vinh họ một cách xứng đáng nhất, thông qua chính tác phẩm của họ"

Vũ Quỳnh
.
.
.