Gặp nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo
Nguyễn Trọng Tạo khiến tôi bất ngờ bởi sự trẻ trung và phong độ. Người đàn ông ngoài tuổi lục tuần vẫn giữ cho mình nụ cười mới mẻ, hài hước, dí dỏm và cách nói chuyện say mê. Dễ hiểu vì sao người ta gọi ông là người đàn ông hào hoa (hay tài hoa).
Ở cái tuổi lục tuần, ông vẫn không ngừng mải miết với những chuyến đi. Lần gần đây nhất là chuyến đi lên Tây Nguyên, cùng các cựu chiến binh thăm chiến trường xưa xứ văn hóa cồng chiêng. "Nhưng tôi vẫn yêu và thích gắn bó với Hà Nội. Cho nên chỉ khi về với Hồ Gươm, với Văn Miếu, tôi mới cảm thấy thanh bình nhất. Những ngày này, trong không khí trời đất giao hòa, tâm hồn mình như cũng phấn chấn hơn, "thơ" hơn", ông nói. Đó là lí do để chúng tôi bắt đầu bằng những câu chuyện về âm nhạc, thơ và cả tình yêu trong "nửa đời phiêu dạt" của nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo.
- Thưa anh, có một nhà thơ nói rằng: Anh không phải là người Kinh Bắc nhưng âm nhạc và thơ lại duyên dáng và hào hoa như là người Kinh Bắc vậy, anh nghĩ như thế nào về ý kiến này?
Nguyễn Trọng Tạo: Tôi vốn sinh ra ở xứ Nghệ, nơi có những câu hò, điệu ví rất đẹp. Biết vậy nhưng trong âm nhạc, tôi không mang quá nhiều chất liệu dân ca vào mà tổng hòa tất cả. Tôi thích những làn điệu quan họ Bắc Ninh, yêu áo tứ thân, khăn mỏ quạ. Cho nên ai đó nói rằng "Làng quan họ quê tôi" mang hồn cốt của người Kinh Bắc cũng đúng.
- Mỗi ca khúc ra đời đều gắn liền với một duyên cớ. Với ca khúc "Làng quan họ quê tôi", anh có sáng tác khi đến với mảnh đất quan họ không?
Nguyễn Trọng Tạo: Chuyện này nói ra chắc ít người tin. Vì khi tôi sáng tác bài hát này, tôi chưa đến xứ Quan họ một lần nào. Lúc đó, tôi đang tham gia trại sáng tác Quân đội, ở làng Hạ Đình, Hà Nội. Lúc bấy giờ tất cả các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ đều ở chung trong nhà dân vì đây là trại tạm thời, được di dời xuống để chờ xây dựng cơ sở mới trên Vân Hồ. Một hôm, Nguyễn Phan Hách có đưa cho tôi bài thơ và bảo xem để phổ nhạc giúp. Tôi đọc xong và thấy xúc động, ngay lúc đó tôi đã sáng tác xong bản nhạc. Trại sáng tác năm đó toàn nhà văn, nhà thơ, riêng tôi có thêm ca khúc "Làng quan họ quê tôi".
- Đời sống của một ca khúc hay như thế chắc có nhiều điều đặc biệt?
Nguyễn Trọng Tạo: Vâng, ca khúc đó được công bố lần đầu tiên trong đêm giao lưu của Trường Âm nhạc Việt
Lần đầu tiên, nghe cô ấy hát trong một diễn đàn giao lưu với sinh viên, tôi như không nhận ra chính sáng tác của mình. Nó hay hơn cả trong những suy nghĩ của tôi trước đó. Nhưng thú vị hơn là thầy trò trường âm nhạc bất ngờ vì đó là ca khúc của một nhà thơ sáng tác.
Đầu năm 1979 tôi đưa ca khúc này cho Đài TNVN, chuẩn bị thu thanh thì chiến tranh biên giới nổ ra. "Làng quan họ quê tôi" bị "gác" lại để thu những ca khúc cách mạng mới nhằm cổ vũ và động viên quân dân bảo vệ lãnh thổ. Mãi đến tháng 6-1979 nó mới được thu thanh và phát sóng trên Đài TNVN, và thực sự được phổ biến rộng rãi.
- Còn với "Khúc hát sông quê" thì sao, thưa anh?
Nguyễn Trọng Tạo: "Khúc hát sông quê" lại ra đời trong một lần tôi tham gia trại sáng tác âm nhạc ở Vũng Tàu. Một ngày tiệc tùng với các văn nghệ sĩ, Lê Huy Mậu có đưa cho tôi một tập giấy gồm 5 bài thơ nhờ tôi đọc và để đưa ra Hà Nội in báo. Đêm đó tôi uống say quá nên ngủ luôn cho đến sáng hôm sau. Tỉnh dậy, tôi ra biển tắm để "giải rượu".
Tôi còn nhớ biển Vũng Tàu hôm đó rất đẹp, trong lành và mát rượi và rất đông người. Người ta vui Tết Độc lập mùng 2 tháng 9. Tắm xong, tôi về phòng, đọc mấy bài thơ của Lê Huy Mậu đưa đêm qua. Đọc đến bài "Khúc hát sông quê" thì bao nhiêu cảm xúc, kí ức về quê hương, về dòng sông, về mẹ… cứ thế ùa về. Tôi mải miết và như trôi đi trong từng câu chữ. Âm nhạc nổi lên theo từng câu thơ.
Tôi nhẩm chủ đề âm nhạc và cấu trúc bản nhạc trong đầu. Và cảm giác là hoàn chỉnh rồi, tôi lấy giấy nhạc ra "chép" lại. Lúc "chép" xong bản nhạc, nhìn đồng hồ thì thấy đã 8h sáng. Gọi cho Huy Mậu đến và hát cho ông ấy nghe. Nghe xong, Mậu đờ đẫn nằm vật xuống giường, như bị cảm một lúc, rồi ngồi dậy nói: "Ông làm tôi sắp nổi tiếng đến nơi rồi".
Chúng tôi đi ăn sáng, gặp một số người bạn và tôi hát cho họ nghe. Mọi người đều lặng đi và, bữa ăn sáng trở thành một cuộc nhậu kéo dài. Cả ngày hôm đó giống như một ngày ăn mừng "khánh thành" bài hát với nhiều bia rượu cùng lời chúc tụng của bạn bè.
- Trong số những ca khúc mùa xuân ở Việt
Nguyễn Trọng Tạo: Ca khúc viết về mùa xuân ở Việt Nam có nhiều bài hay, nhưng bài tôi thích nghe nhất là "Mùa xuân đầu tiên" của cố nhạc sĩ Văn Cao. Một bài hát giản dị, cảm động nhưng giàu ý nghĩa và chứa đựng sự tinh túy của cảm xúc: Mùa xuân đầu tiên sau ngày thống nhất Bắc -
Có một bài hát nữa tôi cũng thích, đó là bài "Mùa xuân nho nhỏ", thơ của Thanh Hải và nhạc của Trần Hoàn. Tôi thích những tiết tấu trong trẻo, nhẹ nhàng, trữ tình ở trong đó. Âm nhạc của Trần Hoàn khá đặc trưng, ông chú trọng sự khúc chiết, khó mà thêm bớt điều gì được. Đây cũng là bài hát mà mỗi mùa xuân đến, người ta có thể rạo rực hát lên.
- Người ta biết đến Nguyễn Trọng Tạo như một nhạc sĩ nổi tiếng, nhưng dường như họ chưa biết nhiều về thơ của anh, trong khi chỉ với những bài thơ tình anh viết trong mấy chục năm qua cũng đủ gọi anh là "nhà thơ của tình yêu". Viết nhiều thơ tình yêu như thế chắc hẳn đời sống tình cảm của "nhà thơ của tình yêu" cũng rất phong phú?
Nguyễn Trọng Tạo: Có một người hỏi vui tôi rằng, anh viết đến 500 bài thơ tình thì có phải yêu đến 500 người không. Tôi nói với anh ta: Nhà thơ nổi tiếng thế giới Neruda khi yêu Laura Arrue đã tặng nàng 100 bài thơ tình. Cho nên 500 bài thơ tình của tôi không cần đến 500 người đàn bà. Tất nhiên không thể phủ nhận những yêu mến mang tên phụ nữ mà cuộc sống đã ban tặng cho tôi. Với tôi, trời cho gì thì mình nhận lấy, mà trời đã bảo thì mấy ai chống được.
- Ở cái tuổi này, anh quan niệm thế nào về tình yêu, các cô gái trẻ và có phần hiện đại bây giờ có làm anh "khó chịu"?
Nguyễn Trọng Tạo: Mọi cái có thể cũ đi trừ tình yêu.
Tôi là người thức thời và luôn cách tân trong mọi vấn đề. Cho nên tôi nhìn cuộc sống và nghệ thuật theo qui luật phát triển. Một cô gái trẻ ngày nay có thể không đẹp cái vẻ e ấp như ngày xưa nhưng họ đẹp theo cách nói bây giờ là sexy, quyến rũ, cuốn hút. Họ mặc áo bó, quần ngắn vì họ hợp với điều đó. Những vẻ đẹp đó không hề làm tôi khó chịu mà ngược lại. Vì ở mỗi thời đại lại có một vẻ đẹp khác nhau. Cũng như mùa xuân vậy, mỗi mùa xuân ta lại thấy sự tươi mới hiện hữu.
- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện !