Gặp nguyên mẫu "Mảnh đời của Huệ"

Thứ Hai, 05/05/2008, 19:29
Học trong trường báo chí ba năm, tôi mới biết, Tiến sĩ Nguyễn Thị Huệ (Khoa Ngữ văn - Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chính là nguyên mẫu của nhân vật chính trong phim "Mảnh đời của Huệ" đã phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam năm 1997.

Gặp bà vào một buổi chiều nắng nhạt tháng 4 trong căn nhà tập thể của Học viện, tôi như hiểu, ở bà, cái vẻ mộc mạc, chân chất, thật thà của người xuất thân từ chốn thôn quê dường như vẫn không thay đổi. Và tôi lại đi so sánh cô Huệ trong phim với cô Huệ ngoài đời…

Tiếp xúc 12 năm mới xong… "Mảnh đời của Huệ"

Kể về cơ duyên gặp gỡ nhà văn Võ Khắc Nghiêm - tác giả cuốn tiểu thuyết "Mảnh đời của Huệ", bà bảo: "Cũng tình cờ lắm. Năm 1980, tốt nghiệp Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi nằm trong diện phải đi miền núi. Nhờ có người quen mà được về Cẩm Phả, Quảng Ninh. Ngày đó, ông Võ Khắc Nghiêm sống cùng gia đình dưới Cẩm Phả. Chồng tôi khi ấy đang làm cho Nhà xuất bản Công an nhân dân nên thỉnh thoảng có nhờ tôi tới gặp ông Nghiêm để đặt hàng các loại tiểu thuyết hình sự.

Cũng lại là tình cờ, tôi làm giáo viên chủ nhiệm lớp Võ Thị Kim Chi - con gái thứ hai của ông Nghiêm. Nhờ đó mà ông ấy cũng có "lý do" để gặp tôi nhiều hơn. Ông Nghiêm thường xuyên về Hà Nội. Mỗi lần như thế, tôi lại nhờ ông ấy chuyển thư cho anh Thụ (tên chồng bà). Có thể lúc đó ông Nghiêm cũng chưa có ý định viết gì cả. Nhưng chúng tôi đã quen thân từ đó".

Không lâu sau đấy, nhà văn Võ Khắc Nghiêm có truyện ngắn "Tiếng huýt sáo trong đêm" đăng trên Báo Văn nghệ, viết về một cô giáo dạy ở trường thị xã Cẩm Phả, có chồng ở Hà Nội, phải nuôi con một mình trong căn nhà tập thể ở khu Bái Tử Long. Lẽ dĩ nhiên, bà chính là nhân vật của câu chuyện ấy. Lúc này ông Nghiêm mới tâm sự về một dự định "dài hơi" hơn, một cuốn tiểu thuyết dày tập.

Bẵng đi một thời gian, bà trở về Hà Nội học văn bằng hai, khoa Xuất bản tại trường báo chí bây giờ. Sau đó vài năm, gia đình ông Nghiêm cũng chuyển nhà lên Hà Nội. Một lần ông Nghiêm tìm đến Nhà xuất bản Công an nhân dân, vỗ vai chồng bà, bảo rằng: "Cho tôi "mượn" cô Huệ cho tiểu thuyết sắp viết". Chồng bà đồng ý. Bà cũng đồng ý.

Thế là năm 1992, tập 1 "Mảnh đời của Huệ" được Nhà xuất bản Lao Động cho in. Đến 1993 thì cho ra tập 2. Bốn năm sau, năm 1997, tiểu thuyết được chuyển thể thành bộ phim cùng tên phát trên sóng truyền hình Việt Nam. Vừa đúng 12 năm để cô Huệ ngoài đời bước vào tiểu thuyết. Một sự hợp tác tốt đẹp.

Huệ trong phim - Huệ ngoài đời không phải là một

Trong phim, Huệ là một cô gái xinh đẹp từ nông thôn Thái Bình ra Cẩm Phả làm nghề mót than. Vì thật thà, dễ tin người mà không ít phen bị lừa, lấy ba đời chồng mà vẫn phải đơn độc nuôi con, đã có lúc phải suy nghĩ dại dột: vượt biên sang Hồng Kông.

Ứng vào mình, bà chợt trầm ngâm hệt như một người từng trải lắm: "Tôi không long đong đến mức ấy. Nhưng quá khứ đã qua cũng là những ngày đầy vất vả. Xuất thân từ thôn quê của huyện Hưng Hà (Thái Bình), để có tiền đi học, tôi đã phải đi đãi đá, đổ bê tông. Có lúc tôi cũng đã định xuống tàu sang Trung Quốc vì sau 1975 ở Việt Nam có phong trào vượt biên sang nước ngoài tìm cơ hội giàu có. Tôi cũng đã ra Vân Đồn, xuống tàu rồi nhưng cuối cùng thì không đi nữa". Rồi ở lại lấy chồng, sinh con. Bảy năm ở Quảng Ninh, bà phải nuôi con một mình. Khi đó chồng bà đang làm cho Nhà xuất bản trên Hà Nội.

Huệ trong phim bị lừa tiền, lừa tình. Còn bà cũng đã dăm ba lần bị thiên hạ chơi xấu. Một lần từ Cẩm Phả lên Quảng Ninh, bà đứng ở bến xe Long Biên chờ chồng đến đón. Đứng đợi được một lúc thì một thanh niên có gương mặt sáng sủa tỏ nhã ý cho đi nhờ xe. Như "buồn ngủ lại gặp chiếu manh", bà đồng ý ngay. Bao nhiêu đồ đạc, túi xách bèn treo hết vào ghi-đông xe đạp, còn bà thì ngồi phía sau.

Tới đường Ngọc Khánh bây giờ, anh ta xuống xe, bảo bà đứng đợi để "tạt qua nhà người quen trong kia có tí việc rồi ra ngay". Bà cũng ngây thơ đứng chờ, từ sáng sớm đến trưa rồi chiều. Anh ta đã mất tích với chiếc túi xách trong đó có tất cả giấy tờ, tiền nong tích cóp trong mấy năm. Lần thứ nhất bà hiểu, người đời cũng nhiều kẻ không tử tế.

Cú lừa đau đớn nhất lại xảy ra ngay tại nhà bà, với một kẻ đã từng rất thân thiết, được bà coi như người trong nhà. Hồi đó bà đi chấm thi đại học trong Thanh Hóa, để toàn bộ nhà cửa lại cho người khách kia trông coi hộ. Khi trở về thì nhà cửa trống huơ trống hoác, toàn bộ đồ đạc và hộp vàng bạc trang sức đã không cánh mà bay. Lần thứ hai bà hiểu, người đời cũng lắm kẻ lấy oán báo ân.

Ngồi tỉ tê về chuyện nguyên mẫu và nhân vật, bà bảo: "Cô Huệ trong phim xinh đẹp lắm. Ông Nghiêm cũng nói trước rằng, phần ngoại hình sẽ mượn chân dung hoa hậu Báo Tiền Phong năm 1990 Bùi Bích Phương. Tôi nghĩ ông ấy đúng. Vì một cô gái đẹp mà long đong thì mới ấn tượng".

Cũng là dễ hiểu thôi. Mấy ông nhà văn được quyền hư cấu. Có ai bắt bẻ được điều ấy, vì đó là nghệ thuật. Cũng có nhiều tình tiết xuất hiện trong tiểu thuyết nhưng không được dựng thành phim… Cũng lại phải thông cảm vì nghệ thuật điện ảnh không phải lúc nào cũng chuyển tải hết được. Ai chưa đọc tiểu thuyết mà chỉ xem phim thì cũng thiệt thòi.

Gọi chồng bằng… chú

Tưởng chỉ có chàng Nguyễn Bính ngày xưa mới có chuyện tình yêu "cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn", ai dè chuyện tình yêu của bà cũng y chang như vậy. Chỉ khác là người hàng xóm ấy không cách cái giậu mùng tơi mà tách biệt bởi… ao rau muống. Lớn lên cạnh nhau như cỏ cây nhưng cũng phải tới lúc "anh đi bộ đội về làng" mới kịp nhận ra "cô gái nhà bên đã thành thiếu nữ".

Nhưng lúc đó, người hàng xóm chưa yêu mà mới chỉ hơi thích thích. Còn bà, khi bị mọi người gán ghép với anh Thụ bộ đội thì ghét lắm. Đến cả cách xưng hô cũng buồn cười, chỉ toàn gọi là chú dù anh Thụ chỉ hơn có năm tuổi. Bà giải thích: "Vì anh ấy là bộ đội" (thì mọi người vẫn gọi chú bộ đội đấy thôi).

Ấy thế rồi mà tình yêu không hẹn trước. Bắt đầu là việc hai người cùng rủ nhau ôn thi vào đại học. Chàng thi vào Khoa Văn bên Đại học Tổng hợp. Nàng thi vào Khoa Văn bên Đại học Sư phạm. Rồi cứ không hẹn mà gặp, mỗi lần về quê, hai người lại gặp nhau ở bến phà Đen bên sông Luộc, chờ đò qua sông. Rồi lại cùng nhau đi bộ từ bến đò qua con đê, tắt qua cánh đồng về nhà. Cứ thế rồi yêu.

Ngày bà bị phân công về Quảng Ninh, hai người đã tính chuyện chia tay vì xa nhau quá. Bà ngồi ở bến phà Cẩm Phả khóc dầm dề. Cuối cùng mới biết anh ấy nói đùa. Một ngày mùa xuân năm 1981, hai người làm đám cưới. Gần 30 năm trôi qua, cô Huệ ngày nào giờ đã là tiến sĩ giảng dạy ở một trường đại học danh tiếng. Chú bộ đội năm nào giờ cũng đã trở thành Phó Giám đốc Nhà xuất bản Công an nhân dân. Có điều lạ là, không hiểu thói quen hay nhỡ miệng mà tôi vẫn thấy bà gọi chồng bằng chú, hệt như năm nào.

Ở cái tuổi năm mươi, bà trở nên sống thầm kín, đủng đỉnh, an phận hơn. Bà rất hay nhắc đến câu nói của một người Trung Hoa: "Có một nghìn cung điện cũng chỉ ngủ một phòng. Có một nghìn mẫu ruộng cũng chỉ ăn được một bát cơm. Khát vọng của con người là vô cùng nhưng cũng phải biết đến giới hạn, điểm dừng".

Bà có một gia đình hạnh phúc, một người chồng biết chăm lo, cậu con trai duy nhất cũng sắp tốt nghiệp Đại học Ngoại thương. Bà mỉm cười hài lòng: "Tôi đã có tất cả". Huệ năm nào phải đi đãi đá, đổ bê tông. Nay "mảnh đời của Huệ" đã sang trang

Hà Ly
.
.
.