Gặp mặt nhân chứng lịch sử Hà Nội kháng chiến 1946-1954

Thứ Bảy, 10/10/2009, 09:16

Những ký ức về 60 ngày chiến đấu trong nội thành Hà Nội với tinh thần "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" được ôn lại khi gần 400 cựu tự vệ thành Hà Nội thời kỳ kháng chiến chống Pháp gặp gỡ, do Trung tâm giáo dục truyền thống và lịch sử, Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam tổ chức vào dịp kỷ niệm 55 năm Giải phóng Thủ đô 10/10.

Được chứng kiến sự hồ hởi của những người lính thuộc Trung đoàn Thủ đô năm xưa, mái đầu bạc trắng như cước nhưng tinh thần lạc quan, giọng nói hào sảng, linh hoạt kể lại chuyện xưa mới thấy đối với họ vẫn vẹn nguyên một tình yêu Hà Nội: trước cũng vì Hà Nội mà họ sẵn sàng hy sinh bản thân mình; nay vì Hà Nội mà họ tiếp tục sống đẹp, sống có ích, làm gương cho con cháu. 

Hà Nội của một thời kháng chiến hiện về đây ấn tượng khi NSƯT Quang Hưng, với mái đầu trắng như cước đã bước sang tuổi ngoài 80 nhưng ông vẫn giữ được vóc dáng lanh lẹ của một người lính chiến đấu thuộc Trung đoàn Thăng Long - Liên khu III.

NSƯT Quang Hưng đã gợi nhắc quá khứ theo đúng chất của ông, một nghệ sĩ khi ông giơ chiếc áo bằng vải nâu sòng với 12 miếng vá, trên cổ áo là chiếc khăn quàng của cậu bé Quang Hưng 13 tuổi tham gia chiến đấu bảo vệ Hà Nội. Chiếc áo đã theo ông dặm dài những cuộc hành quân ở mặt trận Điện Biên và cả khi trở thành một nghệ sỹ, đi hát phục vụ, động viên tinh thần bộ đội ở khắp các mặt trận và đến giờ đó là báu vật của ông. Bởi khi nhìn vào tấm áo ấy, có sự gian khổ, nhọc nhằn nhưng hiển hách của một thời. Trung đoàn Quyết tử Hà Nội ngày ấy có cả thảy 175 em thiếu niên đã cùng với các lớp đàn anh làm nên một kỳ tích trong lịch sử đất nước, tạc vào thời gian khoảng khắc đáng nhớ và hào hùng của Hà Nội. Rồi ông lại cất giọng hát trầm hùng, say sưa với ca khúc "Cảm tử quân".

Cùng dòng cảm xúc của một "Vệ Út", bác Ngọc Sơn, một trong những chiến sỹ ở Liên khu I, đã làm sống lại không khí chiến đấu giữ thành Hà Nội một cách sáng tạo, tài tình, thể hiện tinh thần "Lấy yếu thắng mạnh" của quân và dân Thủ đô.

Đại tá Nguyễn Trọng Hàm đã bước sang tuổi 88, nguyên là Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô, hiện là Trưởng ban Liên lạc truyền thống quyết tử Liên khu I Anh hùng, hồi tưởng lại những ngày chiến đấu giữ từng góc phố, căn nhà. Tự vệ và người dân phố cổ Hà Nội ngày đêm đục tường, nối thông các ngôi nhà, đào hầm dưới vỉa hè, lòng đường tạo thành "trận đồ bát quái" tiêu diệt địch. Khắp 36 phố phường ngày đó là một chiến trường, quân và dân ta đã làm phá sản hoàn toàn âm mưu chiếm thành Hà Nội trong vòng 24h của thực dân Pháp.

Ngày 17/2/1947, 1.200 chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô lặng lẽ rút quân an toàn khỏi nội thành Hà Nội lên chiến khu, cùng với quân dân cả nước kháng chiến lâu dài. Ai ra đi cũng đau đáu một ngày trở lại, khắp các dãy tường nhà đều được khắc những dòng chữ bằng sơn màu hoặc than "Ra đi hẹn ngày trở về". Đó cũng là cảm hứng để nhạc sỹ Huy Du sáng tác ca khúc “Sẽ về Thủ đô"

Thu Uyên
.
.
.