Gặp lại Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng năm xưa

Thứ Sáu, 15/05/2009, 09:57
"Ối pò ơi! Ối pò ơi…" - hai tên lính Pháp vừa lang thang trong làng vừa mếu máo gọi bò. Đã gần 60 năm trôi qua kể từ ngày các đội viên thiếu niên du kích (TNDK) Đình Bảng giải thoát cho đàn bò, tiếng gọi "pò ơi!, pò ơi" vẫn khiến người nghe bật cười khi các "lão" TNDK kể lại. Ký ức về từng trận đánh trong lòng địch của các du kích nhí năm xưa vẫn nguyên vẹn như thuở nào.

"Làng kháng chiến" Đình Bảng với sự góp công của Đội TNDK đã trở thành tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ thiếu niên trên toàn quốc. Mới đây, ngày 9-2 Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho TNDK Đình Bảng với thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Ký ức không phai

Cuốn truyện "Đội thiếu niên du kích Đình Bảng" của nhà văn Xuân Sách viết năm 1966 đã lôi cuốn, hấp dẫn tôi từ thuở thiếu niên. Cho tới bây giờ, tôi vẫn không quên những nhân vật Hoan, Thư, Dìn, Thạo, Lượt, Húc, Phát…

Sau này, khi làm báo, tôi vẫn ấp ủ mong muốn được gặp các nhân vật trong truyện bằng xương bằng thịt ngoài đời. Đúng vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh, tôi tìm về xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nơi sinh ra những TNDK kiên cường, dũng cảm.

Ông Nguyễn Thạc Hoàn, Nguyễn Đức Thìn, Nguyễn Thạc Tam trong ngày Đội TNDK đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Khi nước ta bị thực dân Pháp xâm lược, Đình Bảng trở thành một địa chỉ đỏ của cách mạng Việt Nam. Năm 1949, giặc Pháp chiếm đóng Đình Bảng. Để bảo toàn lực lượng, du kích ta tạm rút khỏi làng.

Ngày 7/11/1949, Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng (TNDK) được thành lập với nhiệm vụ bí mật theo dõi tình hình địch, làm giao liên, lấy vũ khí của địch để cung cấp cho du kích, giải cứu cán bộ của ta bị địch bắt và vận động lính quân đội Sài Gòn trở về…

Cựu đội viên Đội TNDK Đình Bảng, Nhà giáo - Anh hùng lao động Nguyễn Đức Thìn tìm trong kho tài liệu của mình một chiếc máy ảnh ROC đã cũ rích, đậm dấu thời gian. Bàn tay tật nguyền run run nâng niu kỷ vật. Đó là phương tiện hữu ích giúp ông hoạt động và chuyển thông tin cho lực lượng du kích của ta.

Công việc của cậu thiếu niên mới 12 tuổi khi ấy là theo dõi sự di chuyển của quân Pháp, số lượng ôtô của chúng đi về trong ngày, số lượng tên lính, chụp ảnh những khu vực cần thiết… rồi chuyển vào hòm thư bí mật ở lăng Lòng Chảo (nơi yên nghỉ của các vị vua triều Lý).

Cậu thiếu niên Thìn lúc ấy có kỹ năng tiếp cận với lính Pháp rất tốt bằng công việc rửa xe ôtô thuê, làm các món đồ chơi lạ để moi thông tin, lấy súng của chúng giấu đi rồi chuyển cho du kích…

Hỏi nhiều chuyện về cậu bé Thìn năm xưa, người thầy giáo anh hùng khiêm tốn mà rằng: "Thành tích của tôi ít, chứ các đội viên khác có nhiều thành tích lắm, như cựu đội trưởng Nguyễn Thạc Hoàn, Nguyễn Thạc Tam hay nữ đội viên Nguyễn Thị Thư…".

Bà Nguyễn Thị Thư, nguyên mẫu của nhân vật Thư - người duy nhất được nhà văn Xuân Sách giữ nguyên tên trong cuốn truyện của mình - năm nay đã ngoài 70 tuổi mà nét mặt vẫn toát lên vẻ đẹp mặn mà, đậm chất phụ nữ Á đông.

Mái tóc bạc trắng của bà giấu đi vết tích của những đòn tra tấn dã man mà thực dân Pháp để lại cho "cô hàng giải khát" 14 tuổi năm nào. Những hồi ức chợt ùa về, trước khi kể cho tôi nghe chuyện chiến đấu năm xưa, bà hào hứng hát bài tự sáng tác: "Ta vững lòng tin tưởng độc lập sẽ về ta… dẫu có nguy nan…". Cảm xúc một thời vẫn còn nguyên vẹn.

Chuyện của "cô hàng giải khát" và người Đội trưởng kiên trung

Một đôi quang gánh, vài chai bia, mấy túi kẹo… với hành trang ấy, cô TNDK nhỏ tuổi có thể đi sâu vào đồn bốt của giặc Pháp dò la tin tức, nắm tình hình, giúp đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vụ giải thoát cho đàn bò bị giặc Pháp bắt cũng là nhờ gánh hàng ấy.

Giặc càn quét, bắt bò của nhân dân, giao cho hai tên lính Pháp trông giữ. Thư gánh đồ giải khát tiếp cận bọn lính, khéo léo dụ chúng uống bia. Khi 2 tên lính say mèm thì cũng là lúc đồng đội của Thư đã lùa được đàn bò đi rất xa. 2 tên lính bị kỷ luật, chúng lang thang khắp nơi mếu máo gọi bằng thứ giọng lơ lớ: "Ối pò ơi!". Một thằng đi xa tìm bò bị du kích bắt được đưa về khu căn cứ.

Vụ phá 3 khẩu đại liên cũng có công rất lớn của cô du kích Thư. Thư vừa bán bia, vừa hát tiếng Pháp khiến bọn lính mất cảnh giác, tạo điều kiện cho Đội trưởng Nguyễn Thạc Hoàn cùng các đội viên khác dùng ống tiêm bơm a xít vào nòng súng… Sau nhiều sự việc xảy ra, giặc nghi ngờ và bắt Thư. Chúng dùng mọi đòn roi tra tấn nhưng Thư kiên quyết không khai.

Đội trưởng Nguyễn Thạc Hoàn, nguyên mẫu của nhân vật Nguyễn Thạc Hoan trong truyện nay đã ở tuổi "xưa nay hiếm". Cậu thiếu niên Hoàn  năm xưa đã chỉ huy đội của mình thu thập nhiều tài liệu, lập nên chiến công. Bọn giặc đã từng truy tìm Hoàn, rao giá cho ai bắt được Hoàn nhưng không thành công. Đội TNDK nhỏ tuổi ấy đã làm kẻ thù điên đảo đối phó.

Năm 1952 Hoàn được dự Đại hội Chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất tại Việt Bắc, được gặp Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhận thư khen của Bác Hồ. Khi Hoàn vào chiến khu, em trai Nguyễn Thạc Tam thay anh làm Đội trưởng, tiếp tục cuộc chiến đấu.

Trong 5 năm hoạt động (từ 1949-1954), Đội lấy được 30 tấn đạn của địch, 13 khẩu súng các loại, 1 máy thông tin bộ đàm, 250 hòm ắc quy, 10 gánh đây điện, 10.000 quả lựu đạn, phá hủy 3 khẩu đại bác, 1 súng cối, 8 khẩu đại liên, 1 khẩu trung liên, dẫn đường giải thoát cho 42 cán bộ, chiến sỹ thoát khỏi trại tù của địch, vận động 115 lính của quân đội Sài  Gòn bỏ hàng ngũ, diệt nhiều tên lính và sỹ quan Pháp…

Đội TNDK Đình Bảng đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất, TW Đoàn Thanh niên cứu quốc tặng cờ "Thiếu niên anh dũng", Liên đoàn Thanh niên Dân chủ thế giới tặng cờ "Tuổi trẻ vì hòa bình"… và mới đây là danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Trong phạm vi một bài viết không thể kể hết chiến công của từng đội viên TNDK Đình Bảng. Nhưng, những cái tên: Nguyễn Thạc Hoàn, Nguyễn Thạc Tam, Nguyễn Thị Thư, Trần Văn Thể, Nguyễn Thạc Luyện, Nguyễn Tiến Do… hay cách giải quyết tình huống mưu trí, chiến công thầm lặng của các đội viên vẫn sẽ được lưu truyền mãi.

Từ gần 50 đội viên, nay Đội chỉ còn hơn 30 người. Hình ảnh cậu bé Thạo mỉm cười hy sinh bên gốc lúa khi vừa được chiến đấu công khai với kẻ thù (trong truyện của nhà văn Xuân Sách) đã thể hiện phần nào tinh thần kiên trung, bất khuất của các đội viên TNDK Đình Bảng. Hình ảnh đó vẫn còn đọng mãi như bản hùng ca cùng truyền thống của Đội TNTP Hồ Chí Minh

Việt Hà
.
.
.