Được sinh là người nước Nam

Thứ Sáu, 07/04/2006, 18:03

Đền Hùng. Linh thiêng ngày Quốc giỗ. Chắp tay bái vọng nghìn năm, tôi cứ ngỡ mình như một cánh chim Lạc đang bay về trên những tán chò xanh. Đã nghìn năm những thân chò thẳng tắp, đứng như người đứng trước lư hương. Gió xao động một vùng trời cổ tích. Lửa bén chân nhang, ta cùng nhau sống lại thời chim Lạc.

Trong tâm tưởng mình, tôi thấu cảm được các bậc vua Hùng đang truyền lại niềm kiêu hãnh, truyền lại hào khí lăng tiêu cho mai sau con cháu. Tự hào về dòng máu Việt, tự hào nguồn cội nước Nam, tự hào con Lạc, cháu Hồng, những người Hồng Bàng Thị xưa đi mở cõi, những người con Bách Việt dựng nước thuở Hùng Vương, những người Giao Chỉ tõe ngón chân bám vào ruộng bùn và lấn biển xây cơ đồ, những người Việt kiên cường bất khuất giữ lấy nước non này... tất thảy đều chung một khí phách Rồng Tiên.

Đám mây vàng chói sắc thành Thăng Long

Đất nước dáng Tiên vóc Rồng/ Đôi mắt nghìn trùng trông ra biển/ Khai thiên, Hùng Vương đi mở đất/ Lạc dân khí phách Lạc Hồng. Trên khắp xứ sở này, sông núi đất đai, nơi lắng hồn thiêng đất nước, nơi tụ linh khí đất trời đâu đâu cũng khí phách Tiên Rồng. Đến như những đám mây chỉ thoáng trôi qua trên dải đất này thôi cũng hấp thu được cái hùng khí ấy mà trở thành linh vân.

Sự tích về tên gọi đầy kiêu tráng của kinh thành Thăng Long mãi là niềm kiêu hãnh hào tráng của người dân nước Việt về đám mây thiêng mang dáng rồng bay lên. Câu chuyện về tướng giặc nhà Đường đến đâu cũng phải yểm long mạch nhưng linh khí thiêng liêng của xứ sở này đã đánh bật lại những bùa chú đó khiến viên tướng phải sợ hãi mà xây đền tạ tội còn phảng phất huyền thoại và sự thật.

Cho tới câu chuyện những đám mây ngàn năm sau lại xuất hiện vẫn nguyên vẹn dáng Rồng trong bức ảnh Bát đế vân du, Hoàng long vân giáng trên đỉnh đền Đô nơi thờ tám vị vua triều Lý mà một người dân vùng Kinh Bắc (ông giáo Nguyễn Đức Thìn) chớp được trong một khoảnh khắc ngày tế lễ không còn nhuốm màu tâm linh nữa nhưng sao tôi vẫn cứ nghĩ rằng có một sự linh ứng nào đó của đất trời ở những thời khắc nhất định mới có được chứ đâu chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Vẫn biết rằng huyền thoại bao giờ cũng đẹp nhưng huyền thoại bao giờ cũng được dệt lên từ hiện thực, từ tâm thức con người. Thử hỏi nếu tâm thức con người không chứa đựng những gì tôn quý về đời sống mình đang sống thì làm sao có được sự thiêng liêng cho dù hiện thực có đẹp đẽ đến nhường nào?

Thế nên cái tinh thần trong tâm thức chúng ta mới là bản cốt phủ lên và xuyên suốt những huyền thoại mà trở thành tâm hồn, bản lĩnh và khí phách Việt Nam. Cái tinh thần ấy biết vượt qua những hiện thực khốc liệt, những thử thách bi thương, những giông bão cuộc sống... để thời gian tạc uy thiêng vào xứ sở mà trở nên huyền thoại và để ta đi tới tương lai đầy kiêu hãnh, bước tiếp qua những khó khăn phía trước mà kiên trung sống, bền tâm sống.

Vút lên bất tử mặt trống đồng, thoát ra dải cánh đàn chim Lạc

Từ thuở Rồng Tiên huyền tích vào hoa văn trống đồng, vào nhịp cánh vần vũ đàn chim Lạc, tiếng trống đồng Ngọc Lũ oằn mình hình tia chớp mấy ngàn năm vẫn rền vang như sấm. Trong sự suy mặc và thấu cảm về cội nguồn, tôi đã viết những câu thơ: Uyên triết phương Đông khuyên vòng tròn Vô cực/ Hừng đông nhú một mặt trời rạng ngời triền sóng biển Đông/ Những dòng sông theo dáng Tiên chảy miệt mài đời nước/ Những ngọn núi vươn sức Rồng thành bất tận điệp xanh/ Phiêu mặc trăng thanh chim Lạc bay miên viễn...

Ý thức ta là con chim Lạc, không thể không bay đi tìm kiếm những chân trời, và không thể không trở về chỗ cây chò từng che cho tiếng khóc và lời ru, ta phải viết tiếp khúc hát Việt Nam thành bản hùng ca chim Lạc cho dù Trời rừng rực đến tận cùng nắng lửa/ Biển sục sôi đến tột bậc gió mưa/ Vất vả cánh Lạc bay giữa trập trùng gươm khua rền rĩ/ Chở che ước mơ Tiên Rồng...

Chắp tay niệm bái vua Hùng trong tĩnh lặng vùng đất Hy Cương, hay trong âm vang trống đồng, tôi nghe thấy tiếng gió hồng hoang thổi dọc đại ngàn những âm thanh từ thời xa xưa nhất: tiếng nói tình tự nước non đầy diễm tình, hùng âm và hoài cảm trên đỉnh Nghĩa Lĩnh đã sinh ra cái bọc trứng hồng như chùm sao lưu lạc và nở ra dòng giống tổ tiên mình, tôi nghe thấy đồng âm trăm tiếng khóc rộn niềm vui Lạc Việt, tiếng bước chân Âu Cơ lên ngàn, Lạc Long Quân xuống biển, tiếng thầm thì Ngọc Hoa công chúa soi gương bên giếng trời, tiếng cười của Sơn Tinh chinh phục thủy thần, tiếng đồng vọng của trăm cặp bánh chưng, bánh dày ngày Tết Lang Liêu tìm tinh hoa trời đất dâng vua cha, tiếng khơi xa trùng dương sóng vỗ đảo Mai An Tiêm.

Tôi nghe tiếng giã gạo nhịp chày rung núi, rậm rịch, thậm thình cộng hưởng, tiếng trống đồng âm vang mùa lễ hội: Bên mái đình những Tiên Dung tát nước/ Câu quan họ thẹn thùng hát giao duyên/ Đêm trăng thanh những Trương Chi thổi sáo/ Tranh Đông Hồ vẩy bút vẽ trầu cau.

Tôi nghe tiếng Mỵ Nương quay tơ dệt lụa, tiếng Phù Đổng vút mình vào trời viễn thông, tiếng Thạch Sanh diệt ác trừ tà, tiếng hành quân dọc Trường Sơn thần tốc. Rầm rập voi đi ngựa hý, tôi nghe tiếng tảng đá hát lời mài gươm mòn vẹt cả đêm trăng Bạch Hạc...

Tôi nghe tiếng trầm vang của chiếc chìa khóa đồng rơi xuống bậc thềm thời gian nơi có cuốn gia phả ngấm vệt rêu phong ẩn tích. Cuốn gia phả tộc Việt trải qua mấy ngàn đời vẫn được truyền giữ trong tâm khảm với nét chữ quật khởi mực vẩy bút vung viết bằng lời hùng thiêng sông núi, bằng linh khí mây vàng, bằng tình tự nước non, bằng sự quy tụ tâm linh của 99 voi chầu về đất Tổ dưới chân cột đá thề vững chãi Phong Châu. Cuốn gia phả tộc Việt được lũy tre gìn giữ nghìn đời hay gửi lên trời xanh cao. Ta tự hào thấy tên mình trên đó...

Lê Bảo Âu Long
.
.
.