Dừng phim "Thái tổ Lý Công Uẩn" vì không có tiền?

Thứ Tư, 16/07/2008, 11:27
“Áp lực 200 tỷ là áp lực của dư luận với TP Hà Nội. Nhưng về bản chất là họ không có năng lực, không có tiền. Bởi vì nếu họ muốn thực sự làm bộ phim đồ sộ như kịch bản "Thái tổ Lý Công Uẩn" thì 200 tỷ còn là quá ít, nếu người Mỹ làm họ sẽ phải đầu tư 200 triệu USD.” - họa sỹ Vũ Huy nói.Lãnh đạo Sở VH-TT&DL Hà Nội thì nhận xét: Lúc này là lúc cần dừng việc tiến hành sản xuất khi chưa có hy vọng thành công".
>> Làm phim lịch sử ở Việt Nam: Tiền không phải là tất cả

Ngày 12/7, ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao&Du lịch (VH-TT&DL) Hà Nội đã chính thức trả lời báo chí về việc "giãn tiến độ" dự án phim kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội "Thái tổ Lý Công Uẩn".

Ông Long cho biết: "Về bản chất, việc "giãn tiến độ" bộ phim này đồng nghĩa với việc vào năm 2010 sẽ không có bộ phim "Thái tổ Lý Công Uẩn" ra mắt công chúng. Ban Chỉ đạo xây dựng bộ phim đã quyết định như vậy vì lường trước được những điều bất cập nếu cứ cố tâm vào thực hiện bộ phim này.

Lý do thực sự của việc này là: Kịch bản chưa đạt yêu cầu, đội ngũ những người làm phim cũng chưa nhất trí với nhau trong những vấn đề cơ bản nhất, kinh phí dự kiến chi cho bộ phim quá lớn, thời gian đến đại lễ chỉ còn trên dưới 800 ngày…, trong khi những bảo đảm về sự thành công cho bộ phim chưa thấy hiện hình…

Đây là một trong những quyết định khó khăn mà Ban Chỉ đạo phải tính toán nhiều bề, nghĩ đến những điều lớn hơn mà quyết định đề nghị thành phố tạm dừng công việc, chuyển theo một hướng khác với hy vọng sẽ đỡ tốn kém công của cho Nhà nước, đồng thời sẽ làm cho công việc hiệu quả hơn.

Trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta cần noi theo tiền nhân, theo gương Bác Hồ, nếu thấy việc gì chưa đạt như mong muốn, chưa thật cần thiết, chưa mang lại lợi ích cho nhân dân thì không nên cố làm lấy được, mà cần phải chuẩn bị thật công phu, bảo đảm chắc thành công mới làm…

Với tư cách là cơ quan chức năng và người chịu trách nhiệm, Sở VH-TT&DL nhận thấy có khuyết điểm khi để việc sản xuất phim chưa đạt tới kết quả như mong đợi. Nhưng cũng đủ tự trọng để nói rằng, lúc này là lúc cần dừng việc tiến hành sản xuất khi chưa có hy vọng thành công".

Chúng tôi đã liên lạc với ông Lê Đức Tiến, Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam và đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, một trong hai đạo diễn được chỉ định làm phim "Thái tổ Lý Công Uẩn", thì cả hai đều từ chối trả lời với lý do "chưa có văn bản chính thức từ UBND TP Hà Nội".

Họa sỹ Vũ Huy: Do phía Hà Nội không có tiền

Tôi không bất ngờ vì anh Mạnh Cường (diễn viên Mạnh Cường) bên Sở VH-TT&DL Hà Nội đã gọi điện nói từ trước rồi. Đúng là không thể làm bộ phim đồ sộ như thế trong thời gian quá ngắn và chúng ta không đủ phương tiện.

Dừng thì buộc phải dừng, nhưng tôi cảm thấy rất tiếc. Bởi vì chỉ có làm phim ở vào thời điểm hiện tại mới có thể có được đội ngũ làm phim có tay nghề một chút, còn chục năm sau có thể sẽ không có người làm được nữa. Vì chúng ta đào tạo quá tệ, những người làm được việc đang hiếm vắng đi nhiều.

- Anh có thấy rằng, dự án này đã tiêu tốn quá nhiều tiền để rồi vẫn chỉ là những trang giấy?

- Theo như tôi biết, thì phía Hà Nội đã giao cho Hãng phim truyện Việt Nam 1,25 tỷ đồng trong số 2,5 tỷ đồng kinh phí ban đầu cho việc khảo sát và chuẩn bị quay phim. Đến nay thì Hãng phim truyện Việt Nam đã tiến hành chi vượt con số 1,25 tỷ đồng từ lâu, nhưng phía Hà Nội chưa quyết toán nốt. Tôi nghĩ họ sẽ thanh toán nếu có được những cái chứng minh chi hợp lý.

Cần phải hiểu rằng đây là phía Hà Nội dừng chứ không phải phía Hãng phim truyện Việt Nam dừng dự án. Nếu mà làm việc với đối tác nước ngoài thì cách mà phía Hà Nội đơn phương dừng dự án sẽ phải bồi thường kinh phí rất lớn. Nhưng chúng tôi thì phải chấp nhận thôi.

Còn tốn kém thì cũng có chút ít, chẳng hạn như 3 đợt khảo sát ở Trung Quốc của 3 đoàn thì đúng là cũng có những người đi chơi kèm theo cho vui chứ chẳng phải vì công việc gì. Cái đó thì đoàn nào cũng có và ở đâu cũng có thôi…

- Anh có nghĩ rằng, dự án bị dừng vì mâu thuẫn quá nặng nề trong nội bộ những người thực hiện dự án phim này, cụ thể là giữa Giám đốc Lê Đức Tiến và đạo diễn Đỗ Minh Tuấn?

- Mâu thuẫn chỉ là cái cớ. Tôi cho rằng, phía Hà Nội không có tiền, nhưng họ lại muốn khuếch trương dự án này rồi đổ lỗi cho sự mất đoàn kết để dừng lại.

- Có thực sự là TP Hà Nội không có đủ 200 tỷ cho bộ phim này? Anh có gì để khẳng định cho ý kiến đó?

- Tôi cho rằng, áp lực 200 tỷ là áp lực của dư luận với TP Hà Nội. Nhưng về bản chất là họ không có năng lực, không có tiền. Bởi vì nếu họ muốn thực sự làm bộ phim đồ sộ như kịch bản "Thái tổ Lý Công Uẩn" thì 200 tỷ còn là quá ít, nếu người Mỹ làm họ sẽ phải đầu tư 200 triệu USD.

Tôi sẽ nói rõ thêm, chẳng hạn như bối cảnh phim là thành Thăng Long đang xây dựng, cung điện, đền đài ngổn ngang, hàng ngàn người đang thi công, chỉ riêng tiền phục trang cho số diễn viên đó đã vài chục tỷ. Rồi nếu để xây dựng những bối cảnh ấy, tiền đâu cho đủ? Mà xây dựng ở đâu? Xây dựng vào thời gian nào? Không ai bàn tới.

Rồi bối cảnh thuyền chiến trên sông, hàng trăm chiếc thuyền thì lấy đâu ra? Một chiếc thuyền ngư dân đánh cá bây giờ đã vài tỷ rồi, chứ chưa nói chiến thuyền của vua ngày xưa! Rồi sông đâu mà chứa bằng ấy thuyền? Không hề có kế hoạch.

Nếu họ đã quyết tâm làm thì ngay từ năm 2002, khi bắt đầu dự án, đã phải đầu tư để đội ngũ thiết kế tiến hành cụ thể từ bối cảnh, phục trang, rồi chuẩn bị mọi phương tiện cho việc thực hiện một bộ phim, chứ không phải đến cuối năm 2007 mới rục rịch tung sang Hãng phim truyện. 

- Thế theo anh, chúng ta nên làm một phim "Lý Công Uẩn" như thế nào?

- Làm theo kiểu liệu cơm gắp mắm. Chỉ nên làm thiên về góc độ con người thôi, sẽ không quá tốn chi phí vào bối cảnh. Vua Lý Công Uẩn khi ấy vẫn là một người bình dị thôi. Còn kịch bản mà Hà Nội chọn dựng phim, vua Lý Công Uẩn còn hoành tráng và vĩ đại hơn cả hoàng đế Ai Cập! Làm thế là lãng phí!

Hoài Phố
.
.
.