Bà Ngô Phương Lan (Cục trưởng Cục điện ảnh):

Dòng phim về Hà Nội - “ký ức sống” về bản lĩnh Thủ đô

Thứ Bảy, 11/10/2014, 11:35
“Luôn có một dòng phim gồm nhiều bộ phim hay gắn với Thủ đô Hà Nội. Có lẽ bởi Hà Nội - Thành phố nghìn năm văn hiến mang trong mình những giá trị văn hóa sâu sắc, và cũng có lẽ bởi Hà Nội là thành phố vừa có sức truyền cảm xúc, lại vừa có sức nuôi nấng, lưu giữ tình cảm lâu bền đối với những người đã từng có thời gian sống ở đây, nên dòng phim về Hà Nội cũng rất phong phú và thú vị…” – Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh chia sẻ với Báo Công an nhân dân.

Phóng viên: Thưa bà Ngô Phương Lan, Hà Nội 60 năm qua đã đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực Điện ảnh. Với tư cách là một nhà quản lý trong lĩnh vực này, bà có thể tóm tắt vài yếu tố cơ bản đã làm nên một dòng phim gắn liền với Thủ đô yêu dấu trong thời gian qua?

Bà Ngô Phương Lan: Có thể kể đến các phim chiến tranh như Em bé Hà Nội, Bài ca ra trận, Chuyện cổ tích cho tuổi 17, Hà Nội mùa đông năm 46, Chiếc chìa khóa vàng, Hà Nội 12 ngày đêm, gần đây nhất là Mùi cỏ cháy…; các phim về thời hậu chiến như Những người đã gặp, Hà Nội mùa chim làm tổ, Hy vọng cuối cùng, Anh và em, Ngọn đèn trong mơ, Mùa ổi…; các phim lịch sử như Đêm hội Long Trì, Khát vọng Thăng Long… Những bộ phim về Hà Nội ở những khía cạnh và mức độ khác nhau, từng làm rung động bao con tim khán giả bởi khắc họa được cốt cách của người Hà Nội trong những tháng ngày khốc liệt hay thanh bình.

Cho đến nay, chúng vẫn tồn tại như những “ký ức sống” mãnh liệt về Thủ đô thân thương. Tôi thuộc thế hệ “Em bé Hà Nội”, đã được chứng kiến bom đạn Mỹ dội xuống thành phố chôn rau cắt rốn của mình, nên mỗi lần xem lại vẫn thấy nhiều cảm xúc. Tôi nhớ năm 1992 có dịp giúp ông bà Tadao Sato- hai nhà phê bình điện ảnh nổi tiếng của Nhật Bản và cũng là người sáng lập Liên hoan phim quốc tế Fukuoka - chọn phim Việt Nam cho chương trình Tiêu điểm Việt Nam tại LHP này. Sau nhiều ngày cùng xem phim, trò chuyện với 2 ông bà, thì cuối cùng Em bé Hà Nội là bộ phim chiến tranh duy nhất được chọn vào chương trình, bên cạnh 8 bộ phim về hiện thực cuộc sống sau chiến tranh. Bộ phim tạo được sự xúc động bi tráng bởi kết hợp cái chân thực của phim tài liệu, cách khai thác tinh tế tâm lý con người trong nỗi đau mất mát, đặc biệt, đôi chỗ thấp thoáng chất trữ tình bay bổng. Sau này bộ phim giàu chất thơ Chuyện cổ tích cho tuổi 17 của đạo diễn NSƯT Xuân Sơn, phim mang tính hiện thực xã hội Mùa ổi của đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh cũng là những phim khiến tôi nhớ mãi.

Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh.

Phóng viên: Bà được nuôi dưỡng tình yêu điện ảnh từ bé bởi cha mẹ mình là NSND, đạo diễn Ngô Mạnh Lân và NSƯT, diễn viên Ngọc Lan, hẳn là bà luôn lưu giữ những kỷ niệm ấu thơ và những bài học về Điện ảnh để có thể áp dụng được cho cuộc sống và thực tiễn công việc?

Bà Ngô Phương Lan: Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nên không thể kể hết tình yêu của mình đối với Hà Nội. Chỉ có thể nói rằng năm 19 tuổi tôi sang Moskva học đại học thì mới thấm nỗi nhớ Hà Nội da diết như thế nào suốt 6 năm lưu học sinh, cho dù người ta thường bảo tuổi trẻ dễ quen với môi trường sống mới. Gia đình tôi ở làng Đại Yên (phường Ngọc Hà, quận Ba Đình), xung quanh người dân trồng hoa và cây thuốc nam. Vì vậy, cuộc sống tuổi thơ của tôi thật êm đềm, không có cái náo nhiệt của phố phường. Tôi học trường cấp I Ngọc Hà, ngay cổng trường là hồ nước có xác máy bay B52 bị bắn rơi, đã thành di tích lịch sử. Chính vì vậy mà tôi vẫn cứ xúc động mỗi khi xem lại phim Em bé Hà Nội. Sống trong gia đình làm điện ảnh, nên câu chuyện hàng ngày của bố mẹ tôi thường là về điện ảnh.

Ngày bé, tôi từng theo mẹ đi quay phim, có khi đến hơn 1 năm ở xa Hà Nội, vì hồi đó một bộ phim truyện nhựa làm đến 2 năm. Mẹ làm xong 1 phim thì tôi cũng lớn thêm được vài phân. Thời sinh viên thì tôi có dịp ở cùng bố 2 năm tại trường VGIK (Đại học Điện ảnh Liên Xô- cái nôi đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ điện ảnh VN) khi ông sang nghiên cứu và viết luận án Phó tiến sĩ (bây giờ gọi là Tiến sĩ). Nhiều giáo sư trong trường dành tình cảm quý mến cho 2 bố con tôi. Bố mẹ tôi đều là những nghệ sĩ điện ảnh, các cụ sống nghiêm túc, trung thực, coi trọng cuộc sống gia đình và tôi thật may mắn thừa hưởng từ bố mẹ những điều đó.

Phóng viên: Thời gian tới, Cục Điện ảnh có chính sách nào quản lý và phát triển nền điện ảnh nước nhà để có những tác phẩm điện ảnh về Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung ngang tầm thế giới, thưa bà?

Bà Ngô Phương Lan: Năm 2012, Cục đã đề nghị và được Bộ chấp thuận đổi tên Liên hoan phim quốc tế Việt Nam thành Liên hoan phim quốc tế Hà Nội. Như vậy, điện ảnh đã gắn với Thủ đô, nhiệm vụ của chúng tôi là xây dựng một sự kiện điện ảnh quốc tế xứng đáng với tên Hà Nội. Sắp tới LHPQT Hà Nội (HANIFF) sẽ được diễn ra trong 5 ngày từ 23 đến 27/11/2014. Năm 2013 - 2014, Cục Điện ảnh đã làm được hai việc lớn, là xây dựng thành công Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030, công việc mà ngành đã được giao từ năm 1993, nhưng tồn tại 20 năm chưa hoàn thành được. Điện ảnh bây giờ khác xa “ngày xưa”, có các hãng phim nhà nước và có đến 250 hãng phim tư nhân, có công ty phát hành nội và công ty nước ngoài, có nhiều dòng phim, có sự thay đổi định dạng từ phim nhựa sang kỹ thuật số… Không còn cơ chế cấp phát tiền làm phim theo kế hoạch như xưa mà phải đẩy mạnh xã hội hóa. Vậy làm sao để năng động mà không “biến chất”, thị trường không đè bẹp những giá trị nhân bản. Quả là khó! Để có những tác phẩm “ngang tầm thế giới” như bạn nói không dễ, bởi ngay cả việc xác định thế nào là “ngang tầm” cũng đã quá khó. Tôi từng nói trong các cuộc họp, sơ kết tổng kết ngành rằng Cục Điện ảnh có nhiệm vụ “lót ổ” và chăm chút, còn người đẻ trứng vàng là các nghệ sĩ, nhà sáng tác.

Có “ổ” tốt rồi (cơ chế, chính sách, ngân sách…) mà nghệ sĩ không đẻ được những quả trứng vàng (tác phẩm hay) thì điện ảnh cứ mãi đì đẹt. Về cơ chế, tôi khẳng định rằng các dự án phim của các hãng phim tư nhân, phim độc lập, đều có cơ hội nhận được sự hỗ trợ, thậm chí đặt hàng của nhà nước. Cuối năm 2013 có phim Những người con của làng của hãng tư nhân được nhà nước đặt hàng, vừa hoàn thành. Năm 2014 đã có dự án phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của hãng phim tư nhân khác được đặt hàng từ ngân sách Nhà nước, đang chuẩn bị quay. Các dự án được tài trợ hay đặt hàng phải đáp ứng đúng yêu cầu, tiêu chí của nhà nước, nghĩa là khắc họa được bản lĩnh người Việt Nam, bản sắc văn hóa Việt Nam, mang tính nhân văn nên chắc chắn Cục không bao giờ bỏ qua  một kịch bản như vậy.

Tháng 11 tới Cục Điện ảnh tổ chức Liên hoan phim quốc tế Hà Nội III, sẽ là cơ hội để các nghệ sĩ, những người làm điện ảnh Việt Nam cọ xát với thế giới xem mình đang ở đâu đặng có động lực phấn đấu. Tôi tin trong tương lai sẽ có những tác phẩm thật hay mà ở đó bản lĩnh Việt Nam tỏa sáng chứ không phải chỉ là những bộ phim lẻ tẻ, soi vào những xó tối hay bản năng, tình dục theo kiểu tự nhiên chủ nghĩa của một nhóm người chạy theo “gu” của vài Liên hoan phim nước ngoài. Chỉ đến khi đó ta mới có thể tự hào rằng có tác phẩm “ngang tầm thế giới”.

Phóng viên: Xin cảm ơn bà!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.
.