Độc đáo võ Việt thành sản phẩm du lịch

Thứ Hai, 09/04/2012, 11:22
Du lịch võ thuật không chỉ đem lại lợi nhuận kinh tế mà còn là cầu nối đưa một nét văn hoá Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Võ thuật cổ truyền Việt Nam có nhiều môn phái, mỗi môn phái có nét tinh túy riêng nhưng tất cả đều xuất phát từ tinh thần dân tộc Việt mà chứa đựng trong đó tính thượng võ, văn hóa, nghệ thuật, y học, nhân đạo… Tại TP Huế có tới 15 võ phái và chính vì thế sự kết hợp giữa võ thuật với du lịch là sự hợp tác để quảng bá văn hóa, con người, đất nước Việt Nam với bạn bè thế giới.

Một số nước trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan võ thuật đã trở thành một loại hình du lịch “hái ra tiền”, như: Thiếu Lâm Tự của Trung Quốc, Muay Thái thương hiệu võ thuật đã trở nên nổi tiếng mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khác tới thăm quan, học hỏi. Võ cổ truyền Việt Nam có lịch sử phát triển hàng ngàn năm, sức hấp dẫn không hề kém so với các môn võ của các nước khác trên thế giới, nhưng vì nhiều lí do khách quan lẫn chủ quan mà chưa thể đưa di sản võ thuật thành một sản phẩm du lịch.

Hiện nay, tại TP Huế có nhiều môn phái võ nổi tiếng; trong đó, môn phái võ Kinh Vạn An do võ sư Trương Quang Kim làm trưởng môn được xem là môn phái đi đầu trong việc đưa võ thuật cổ truyền thành sản phẩm du lịch. Võ đường với hơn 10 điểm luyện tập, thu hút hơn 1.000 võ sinh, bằng cách kết hợp với ngành Du lịch Huế mở các tour tham quan thưởng ngoạn, xem trình diễn võ thuật, mỗi kì Festival đều có những tiết mục độc đáo đóng góp.

Hàng năm, môn phái này thu hút một lượng rất đông đảo du khách quốc tế tới tham quan, học hỏi. Anh D.Luis - võ sinh người Pháp chia sẻ: “Tôi học ở võ đường Vạn An đã được hai năm, mọi thứ ở đây thật tuyệt vời, qua võ thuật tôi hiểu hơn về văn hóa, đất nước và con người của các bạn”. Võ sư Trương Quang Kim, Ủy viên Ban chấp hành Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trưởng môn phái võ Kinh Vạn An cho biết: “Chúng tôi mỗi lần sang châu Âu biểu diễn thấy họ hâm mộ yêu thích võ ta vô cùng”.

Kết hợp võ thuật với đánh cờ người thu hút khách du lịch.

Một số ý kiến khác trong giới võ thuật cho rằng, nếu đưa võ thuật cổ truyền thành một sản phẩm du lịch đặc thù thì sẽ dẫn đến chất lượng đào tạo đi xuống, người học võ chỉ để múa may phù phiếm không có tác dụng thực tế. Thế nhưng, theo võ sư Kim: “Làm du lịch nhưng thành tích thi đấu của các võ sĩ Kinh Vạn An ở những giải cấp quốc gia, thậm chí là quốc tế đâu có kém. Thi đấu tốt, đem về nhiều huy chương cũng là một cách để nâng cao vị thế môn phái, và thu hút khách du lịch”.

Để tạo được thương hiệu riêng cho võ Việt võ sư Kim đóng góp: “Theo tôi, 2 năm tổ chức định kì một dịp Festival võ Tây Sơn vẫn còn chưa đủ, cần phải tổ chức được nhiều hoạt động võ thuật như thế nữa, có vậy mới tạo ra được thương hiệu võ Việt”.

Còn võ sư Trương Quang Tâm, Trưởng môn võ đường Mai Hãn (Quảng Trị) cho rằng: “Muốn đưa võ thuật thành sản phẩm du lịch thu hút được khách quốc tế, phải đưa võ sĩ võ cổ truyền ra thi đấu giao lưu với môn võ của các nước. Có vậy, họ mới thấy cái hay, cái độc đáo của võ Việt để mà đến tham quan, thưởng thức. Bên cạnh, các môn phái võ Việt  cần đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tại võ đường quy củ tiêu chuẩn, đầy đủ tiện nghi, cùng với đó là kết hợp mở các loại hình dịch vụ lưu niệm...”.

Bên cạnh các loại hình văn hoá du lịch khác, nếu được khai thác tốt, hiệu quả của du lịch võ thuật cũng sẽ góp phần đưa hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra bạn bè quốc tế

Hoàng Thanh
.
.
.