Đoàn kịch CAND ra mắt vở “Cuộc chiến của những người cùng chiến tuyến”

Thứ Tư, 07/08/2013, 11:17
Cái tên vở diễn đủ gợi kịch tính, hấp dẫn: “Cuộc chiến của những người cùng chiến tuyến”, lại gắn với 2 tên tuổi lừng danh, 2 cá tính đều quyết liệt: tác giả là nhà văn Chu Lai, còn NSND Lê Hùng là đạo diễn, nên ngay ở buổi ra mắt đầu tiên tại Hà Nội tối 4/8, vở diễn của Đoàn Kịch CAND đã được khán giả đón nồng nhiệt nhận là điều dễ hiểu.

Câu chuyện kịch đi vào đề tài chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực rất thời sự của xã hội là đất đai và xây dựng. Các nhân vật vốn cùng từng vào sinh ra tử trong cuộc chiến vệ quốc. Người mất, người còn. Chiến tranh kết thúc, người công tác trong ngành Công an, người trở thành doanh nhân, người ở ẩn, người thì vẫn yên vị ở địa bàn từng hoạt động năm xưa.

Thi thoảng mới gặp nhau, nhưng không ai quên quá khứ hào hùng cùng những đồng đội đã ra đi mãi mãi. Nhưng rồi, Đặng Quân (NSƯT Nguyễn Hải) triển khai dự án khu công nghiệp Thành Long rộng 500ha. Có điều, nơi đây theo qui luật địa chấn sẽ bị sóng phá thành biển. Hơn nữa, vùng cửa biển này còn là nơi an nghỉ của nhiều bộ đội trong chiến dịch Mậu Thân. Vì thế, các chuyên gia đầu ngành đều phản đối. Nhưng Đặng Quân đã lập hồ sơ giả, dùng thủ đoạn để cùng với “guồng quay” của mình tiếp tục tiến hành dự án.

Biết chuyện, những đồng đội xưa của Đặng Quân can gián, nhưng không được, còn bị anh ta bố trí “giết người diệt khẩu”. Vụ án được Đại tá Thương Lá (NSƯT Thúy Hiền) thụ lý, nhưng bị Trọng Bân (NSƯT Thế Bình), cũng là đồng đội xưa, giờ làm Trưởng phòng Điều tra bắt tay với Đặng Quân, cản trở. Vì quyền lợi cá nhân, Đặng Quân và Trọng Bân vu oan cho Thương Lá, để chị không còn được điều tra vụ án. Oan khuất vẫn không vùi dập được nghị lực của chị và chính những đồng đội ở rừng năm xưa, kể cả vợ con Đặng Quân, đã giúp sức cho Thương Lá, cho lẽ phải, buộc Đặng Quân phải trả giá.

Là nhà văn đi ra từ cuộc chiến, lại đầy trải nghiệm trước bao vấn đề của đời sống hôm nay, câu chuyện của nhà văn Chu Lai không chỉ phản ánh một hiện tượng nóng bỏng của xã hội đương thời, mà còn thấm đẫm tình đồng chí đồng đội năm xưa.

Cảnh trong vở “Cuộc chiến của những người cùng chiến tuyến”.

Chất văn chương cũng in đậm trong suốt vở diễn, cùng những triết lý giản dị nhưng đủ khiến mọi người phải suy ngẫm: “Đất đai là của lịch sử, không của riêng tổ chức hay cá nhân nào”, hay “bây giờ người ta thường mang chiêu bài nhân dân để phản bác quyền lợi của nhân dân”, “chỉ cần mấy ông qua cán bộ bớt tham đi thì đất nước sẽ thay đổi… tất cả đều có tội, đều thi nhau đục khoét. Cứ đà này, con cháu chúng ta sẽ è cổ ra mà trả nợ” v.v… Có những câu hỏi được đặt ra day dứt, như để cho rất nhiều người phải cùng tìm câu trả lời: “Phật có dạy bao che tội ác không?”.

Thành công của vai Trung tá Kim Sen trong “Hoa thép” dường như càng tạo đà để NSƯT Thúy Hiền tiếp tục chinh phục khán giả khi vào vai Đại tá Thương Lá. Đây là vai diễn có diễn biến tâm lý rất phức tạp, nhưng với sự “biến ảo” trong diễn xuất, NSƯT Thúy Hiền đã hóa thân rất nhuần nhuyễn, để khắc họa rõ nét nhân vật qua nhiều cung bậc cảm xúc: trong công việc, Thương Lá cương nghị, rắn rỏi và quyết liệt bao nhiêu, thì với đồng đội đã chia ngọt sẻ bùi, chị lại vô cùng sâu nghĩa nặng tình. Khi bị oan khuất, chị cũng mềm yếu như bất cứ người phụ nữ nào, song vẫn vượt qua cú sốc cuộc đời để kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình đến cùng, tiếp tục đấu tranh với tội phạm, dù đó là người từng cùng chung chiến tuyến.

Nhập vai một sĩ quan Công an bị biến chất bắt đầu từ sự nể nang đồng đội cũ, với lối diễn hoàn toàn tự nhiên, NSƯT Thế Bình đã xóa nhòa khoảng cách giữa sân khấu với khán giả, tạo cảm giác như trong đời thực, nên vai diễn của anh đã được hoan hô rất nhiều lần. Không phụ sự yêu mến của công chúng, NSƯT Nguyễn Hải cũng tiếp tục thành công với nhân vật Đặng Quân tâm lý cũng rất đa dạng: bố trí gây tai nạn cho đồng đội cũ vì người bạn biết quá nhiều bí mật trong dự án của mình, nhưng vẫn mong đồng đội không chết; lập mưu vu oan cho Thương Lá, người chiến sĩ năm xưa chung chiến hào, nhưng cũng rất nặng tình với người chị ca sĩ mù; thương yêu đứa con của người đồng đội cũ như con ruột dù căm thù bố nó vv…

Trong đêm diễn này, lần đầu tiên, xuất hiện một nghệ sĩ Nam bộ đích thực: Diễm My và chính âm giọng ngọt ngào của vùng đất phương Nam đã góp phần tạo nên một ấn tượng cho vai diễn của chị.

Dàn dựng câu chuyện đan xen giữa quá khứ và hiện tại, giữa tâm linh và đời thực, NSND Lê Hùng đã tạo nên những ám ảnh, day dứt cho người xem về sự hy sinh của bao người trong cuộc chiến còn chưa kịp lành vết thương, để mà soi rọi, ngẫm ngợi về những gì đang diễn ra trong cuộc sống hôm nay.

Trên nền một kịch bản đậm chất văn học, lại được bàn tay tài hoa của một đạo diễn giàu kinh nghiệm, hiểu rõ thế mạnh của từng diễn viên để tạo đất diễn, các nghệ sĩ của Đoàn Kịch CAND đã đem cho khán giả một câu chuyện nhiều xúc cảm và cũng rất thời sự, đồng thời, mở thêm một cánh cửa để khán giả hiểu nhiều hơn về những hy sinh thầm lặng và cao cả của lực lượng Công an

Thanh Hằng
.
.
.