Di tích biệt động Sài Gòn giữa lòng nhà dân

Thứ Tư, 29/04/2009, 11:11
Vợ của ông Ngô Duy Thịnh tâm sự, di tích trong nhà thì tự hào, song nhiều lúc cũng bất tiện. Vài năm trước, gia đình muốn chuyển sang kinh doanh khách sạn nhưng lại… kẹt vì quy định không cho phép.

Là những vật chứng cho quá khứ hào hùng của dân tộc, được cấp chứng nhận di tích lịch sử từ cấp thành phố đến cấp quốc gia nhưng trong khi một số công trình, địa điểm được người dân tự nguyện, tâm huyết bảo quản, giữ gìn theo đúng quy định, nhiều di tích về biệt động Sài Gòn chưa hẳn được quan tâm đầu tư, khai thác, phát huy giá trị của chúng một cách đúng mực, thậm chí còn bị "thay tên đổi họ", bị xâm hại nghiêm trọng.

Nếu không được giới thiệu trước và không có tấm bảng đề di tích lịch sử cấp quốc gia án ngữ ngay trước cửa, ít ai nghĩ rằng ngôi nhà im lìm sau ồn ào những quán chợ, nằm hun hút trong con ngõ 287 chật hẹp của quận 3, TP HCM ấy lại ăm ắp những chứng tích về một quá khứ bi hùng của cha ông.

Được gọi là ngôi nhà nhưng thực chất di tích chỉ rộng 2m, lại ngồn ngộn những hiện vật xếp dày đặc từ cửa ra vào cho đến tận cuối phòng nên căn nhà vốn đã hẹp càng thêm vẻ chật chội. Những hiện vật ngủ im sau khung kính, phảng phất mùi ẩm mốc dưới hầm kín chợt trở nên sống động theo từng chuyện kể của người trông coi di tích.

Cách đây 41 năm, tại nơi này, hàng tấn vũ khí được ngụy trang sau những cà tăng chứa củ, quả của đồng bào chạy chợ, những chậu mai, những tấm phản được bán cho ông chủ thầu khoán trong Dinh Độc Lập lần lượt được tập kết về hầm.

Chủ nhà kiêm hướng dẫn viên tại di tích lịch sử ở 183/4 đường 3-2 và số 7 Lý Chính Thắng.

Cũng ít ai biết rằng, tỷ phú Mai Hồng Quế ngày ấy lại là chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai. Đêm đêm, sau khi lớp áo vị chủ thầu sang trọng được cởi bỏ, ông lại trở về vai trò người lính, một mình đánh trần, hì hụi đào hầm, xếp đặt, lau chùi, bảo quản kiểm tra từng khẩu súng, khối thuốc nổ…

Đúng nửa đêm 30 Tết Mậu Thân 1968, 19 cán bộ, chiến sĩ biệt động Đội 5 vận chuyển toàn bộ vũ khí, thuốc nổ trên 2 chiếc xe tải hạng nhẹ và 3 xe môtô lặng lẽ tiến đánh Dinh Độc Lập…

Bên cạnh căn hầm chứa vũ khí và ém quân đánh vào Dinh Độc Lập năm 1968, tại TP Hồ Chí Minh còn có hai di tích khác do các chiến sĩ biệt động chuẩn bị phục vụ cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân đã được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia nhưng vẫn đang là nhà riêng - thuộc hình thức sở hữu tư nhân: Sở chỉ huy tiền phương Phân khu 6 (tiệm Phở Bình) ở số 7 Lý Chính Thắng, quận 3 và hầm bí mật chứa vũ khí tại 183/4 đường 3-2, quận 10. Cả ba di tích này đều đã ít nhiều được gia đình chỉnh sửa nên có những thay đổi nhất định.

Tại di tích số 287/70, anh Trần Vũ Bình, người con thứ 3 của ông Trần Văn Lai cho biết: Thực tế, khi xây dựng hầm chứa vũ khí, cha anh đã mua cả hai căn nhà bên cạnh nhưng chỉ đào hầm ở ngôi nhà nằm ở giữa (287/70).

Vài năm trước, nhà xuống cấp, quá xập xệ nên gia đình đã cho tu sửa lại. Tại căn hầm chứa vũ khí, khi chúng tôi có mặt, các đường hầm thông ra ngoài cũng đã được bịt kín.

Tuy nhiên, kho tư liệu về di tích lại đặc biệt phong phú hơn rất nhiều. Bản thân anh Bình phải vừa đi làm, vừa tranh thủ ra Bắc vào Nam, mất cả mấy năm trời ròng rã đi tìm tư liệu, sắp xếp tư liệu nên di tích mới được như ngày hôm nay.

Trước đây, khi cha anh, ông Trần Văn Lai còn sống thì nhiệm vụ "hướng dẫn viên" thuộc về cha. Nay ông đã mất nên công việc này buộc phải chuyển giao cho người trông coi di tích, ông Mai Quang Vinh, với mức thù lao mang tính tượng trưng…

Ông Nguyễn Kim Bạch, con rể ông Ngô Toại, chủ sở hữu tiệm Phở Bình kể lại rằng, những năm mới giải phóng, ngôi nhà luôn tấp nập khách trong và ngoài nước đến tham quan tìm hiểu, kể cả các cơ quan thông tấn báo chí.

Thời điểm chúng tôi ghé thăm, tiệm phở vẫn mở bán như thời trước giải phóng nhưng ngôi nhà được làm thêm một tầng để cho thuê, kiếm thêm thu nhập. Đây vẫn là nơi sinh sống của gần nửa số thành viên trong đại gia đình gồm 8 người con của ông Ngô Toại.

Trên lầu hai, trong căn phòng nhỏ hơn 20m2 là bàn thờ nghi ngút khói hương của gia chủ và bộ bàn ghế cũ kỹ, chiếc giường nhỏ.

Nếu không có các bảng chú thích và loạt ảnh về các nhân vật đã từng hiện diện tại di tích trong đêm 30 Tết 1968, có lẽ không ai có thể nghĩ rằng đây lại là Sở chỉ huy tiền phương của Phân khu 6 trong Chiến dịch Mậu Thân.

Vợ của ông Ngô Duy Thịnh ái ngại chỉ cho chúng tôi chiếc bàn thờ và kể rằng đây chính là nơi mọi người đã thắp nén nhang ngay trước khi đọc lệnh tổng tấn công. Ngoài chiếc tủ thờ, bộ bàn ghế, chiếc giường thì tất cả các hiện vật còn lại đều đã được cơ quan quản lý đưa đi nhưng đưa đi đâu thì bà không biết.

Di tích trong nhà thì tự hào, song nhiều lúc cũng bất tiện. Vài năm trước, gia đình muốn chuyển sang kinh doanh khách sạn nhưng lại… kẹt vì quy định không cho phép.

Tại di tích 183/4 đường 3-2, chủ nhà cũng cho rằng đó là niềm tự hào của gia đình, khi có khách tham quan, tìm hiểu đều lo đón tiếp chu toàn, nhưng đã nhiều năm nay nhà mới chỉ được sửa chữa ở mức tối thiểu để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của 12 thành viên gồm nhiều thế hệ trong gia đình.

Đáp ứng đề nghị của gia đình, năm 2008, chính quyền địa phương đã có thông báo tìm một địa điểm tương xứng để gia đình bà di dời qua đó sinh sống nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm.

(Còn nữa)

Ngọc Nguyễn
.
.
.