Đêm thơ nhạc Xuân Thiều “Trời xanh và nỗi nhớ”: Ấm áp và xúc động
Nhà thơ Xuân Thiều sinh năm 1930 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Sinh thời, ông từng tham gia chiến đấu và là một trong những lãnh đạo chủ chốt của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Năm 1987, ông được biệt phái sang công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam.
Nhà văn Xuân Thiều viết nhiều thể loại, từ thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, ký sự, với hàng chục tập sách đoạt được nhiều giải thưởng. Ông làm thơ sớm, từ năm 1955 có thơ in báo nhưng mãi đến năm 1973, ông mới cho ra mắt tập thơ đầu tay bao gồm những bài thơ viết ở chiến trường với bút danh lấy tên người con trai út là Nguyễn Thiều Nam. Ông từng tâm sự: “Đối với tôi, thơ là nỗi nhớ. Thật vậy, tôi là người viết văn xuôi, nhưng bắt đầu đi vào con đường văn học bằng thơ. Tôi mê thơ từ khi còn là học sinh tiểu học. Thuở nhỏ tôi đã đóng một cuốn vở dày để chép lại những bài thơ hay mà tôi thích của nhiều tác giả: Huy Cận, Xuân Diệu, Thế Lữ, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Thái Can...”.
Dù yêu thơ đến vậy, nhưng Xuân Thiều sáng tác thơ không nhiều: Cả một đời thơ ông chỉ tuyển chọn lại 48 bài. Nhưng điều đặc biệt là 48 bài thơ này, đúng như mong ước của ông, nó đã cùng những trang văn tạo nên một chân dung văn học đậm đà về ông và hơn thế nữa, nó đã đi vào đời sống, gặp được sự đồng điệu ở các nhạc sĩ và bầu bạn. Là một cây bút quân đội nên đề tài bao trùm của ông là lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Một bài thơ nổi tiếng của ông trong những năm chống Mỹ cứu nước là bài thơ “Trận địa trên cao” được nhiều người nhắc đến: “Chiều chiều sau lúc lau xong pháo/ Tiếng cười ran dậy dãy Trường Sơn/ Giá mà kéo pháo lên cao nữa/ Giáp mặt quân thù đánh tuyệt hơn”. Cũng chính bài thơ này được nhạc sĩ của Đài Phát thanh Giải phóng ngày ấy là nhạc sĩ Trần Hữu Bích phổ thành bài hát “Trận địa trên cao” chan chứa niềm lạc quan cách mạng của người chiến sĩ…
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, người đã tham dự từ đầu đến cuối đêm nhạc “Trời xanh và nỗi nhớ” chia sẻ: “Đây là một đêm thơ nhạc kỳ vĩ, mặc dù thơ ca chỉ là một mảng nhẹ của Xuân Thiều… Đặc biệt ông là nhà thơ nên khi viết văn xuôi ông cũng có được cái đặc tính rất đặc biệt là văn có dư ba, kết thúc một câu chuyện thì nhà văn đặt dấu chấm hết câu chuyện chưa hết, hết trên trang giấy nhưng mở vào cõi vô biên trong tâm hồn người đọc…”