Đạo diễn Phạm Văn Khoa: Dấu riêng để lại

Thứ Sáu, 09/11/2007, 16:14
Trong số những nghệ sĩ chúng tôi thực hiện cho chuyên mục “Những khoảnh khắc đáng nhớ” thì có lẽ đạo diễn Phạm Văn Khoa là người còn lưu giữ được ít bức ảnh hơn cả. Có người nói vui rằng: Tìm những bộ phim của ông mà khán giả say mê còn dễ hơn tìm được những bức ảnh về ông.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Đông Tạ, Vĩnh Bảo, Hải Phòng, vốn là một thanh niên yêu nước và giàu nhiệt huyết, đạo diễn Phạm Văn Khoa tham gia cách mạng từ rất sớm. Sau cách mạng, ông công tác tại Đoàn Kịch Chiến Thắng rồi cuối cùng về xây dựng ngành Điện ảnh từ năm 1952.

Ở lĩnh vực nào, ông cũng là một người tâm huyết với công việc. Đồng nghiệp cùng “đồng cam cộng khổ” với ông từ những ngày thành lập ngành tại chiến khu Việt Bắc coi ông như người anh cả. Giữa khó khăn và thiếu thốn đủ bề, ông vẫn truyền cho họ nhiệt huyết, niềm tin về một viễn cảnh của điện ảnh Việt Nam.

Ông còn dịch tài liệu từ tiếng Pháp rồi giảng lại cho mọi người để dần tiếp cận với cách làm phim của thế giới. Chính lòng say mê, sự lạc quan của ông đã “kéo” được nhiều nghệ sĩ đến với điện ảnh như nhạc sĩ Văn Cao, họa sĩ Phạm Văn Đôn, họa sĩ Nguyễn Thị Kim…

Đạo diễn Phạm Văn Khoa (thứ 3 từ phải sang) cùng đồng nghiệp tại liên hoan phim.

Trong công việc, ông luôn cẩn trọng. Khi làm phim “Chị Dậu”, mặc dù mọi khâu đã hoàn tất nhưng vì chưa tìm được diễn viên ưng ý để vào vai chị Dậu nên 5, 6 năm ông vẫn kiên quyết không bấm máy cho đến khi gặp được nghệ sĩ Lê Vân.

Nhắc tới sự nghiệp điện ảnh của đạo diễn Phạm Văn Khoa, ngoài bộ phim tài liệu “Việt Nam trên đường thắng lợi” thực hiện năm 1956 cùng với đạo diễn điện ảnh Xôviết Rôman Cácmen, bộ phim được coi như cuốn biên niên sử sống động về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta thì ông là người khơi nguồn cho dòng phim hài của Việt Nam.

Với một loạt bộ phim như: “Vườn cam”, “Sau cơn bão” “Kén rể”, “Khôn dại”,… ông đã dùng tiếng cười nhẹ nhàng, hóm hỉnh đấu tranh với tiêu cực, lạc hậu, cản trở sự phát triển của xã hội và nó có tác dụng hơn bất kỳ lời lẽ đao to búa lớn nào.

Tiếp đó là những bộ phim được chuyển thể từ những tác phẩm văn học nổi tiếng của các nhà văn: Ngô Tất Tố, Nam Cao... trở thành những đỉnh cao của điện ảnh Việt Nam như “Chị Dậu”, “Làng Vũ Đại ngày ấy”… Thông qua ngôn ngữ điện ảnh, đạo diễn Phạm Văn khoa đã một lần nữa làm sống lại những nhân vật: chị Dậu, Chí Phèo, Lão Hạc…

Nhiều khán giả đã rơi nước mắt trước những số phận bất hạnh đến cùng cực dưới xã hội phong kiến. Dù làm theo phong cách nào, phim của đạo diễn Phạm Văn Khoa cũng chân thực, gần gũi với khán giả.

Đạo diễn Phạm Văn Khoa là người sống chân thực, cởi mở. Trong con mắt của con rể ông, NSƯT Thanh Vân, ông là người độ lượng, vị tha. Một kỷ niệm vui mà đạo diễn Thanh Vân nhớ về ông, đó là khi Thanh Vân mới là bạn học của Nhuệ Giang, anh cùng những người bạn thường về nhà ông liên hoan rồi ngủ la liệt trong nhà ông.

Mỗi lần đi làm về, nhìn thấy cảnh ấy, ông chỉ lắc đầu rồi cười. Đạo diễn Thanh Vân hóm hỉnh: “Có lẽ cụ cũng không ngờ một trong những anh chàng rượu chè say sưa ấy lại trở thành con rể của cụ”.

Sau này, vào những năm cuối đời, khi đạo diễn Phạm Văn Khoa không còn đủ sức khỏe tự đạp xe nữa thì Thanh Vân thường xuyên chở ông đi thăm thú bạn bè.

Trong con mắt của đạo diễn Thanh Vân thì Nhuệ Giang ảnh hưởng rất nhiều từ người cha của mình, đó là cách sống hồn hậu và nét dí dỏm trong nghệ thuật. Ít ai biết rằng, khi đã ở tuổi 70, ông vẫn còn cho ra đời hai bộ phim “Chị Dậu” và “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Cùng với phim “Lửa trung tuyến”, chùm phim này mang về cho đạo diễn Phạm Văn Khoa Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Bộ phim “Chị Dậu” từng được Huy chương vàng tại Liên hoan phim Nantes Pháp, phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” được gửi đi dự Liên hoan phim quốc tế ở Hawai (Mỹ). Nhưng có lẽ, điều đáng quý hơn cả mà đạo diễn Phạm Văn Khoa đã để lại cho đời là tấm gương về sự cống hiến quên mình cho nghệ thuật

Thảo Duyên
.
.
.