Đạo diễn Nhuệ Giang: Chầm chậm tới mình

Thứ Ba, 07/12/2010, 16:30
Ngã tư Hàng Bún - Nguyễn Khắc Nhu. Cái hanh hao heo lạnh của Hà Nội ngày đầu đông không có nắng, như níu những bước chân người thêm chùng xuống, lặng thinh. Giữa vòng vây của hàng hàng đôi mắt tò mò, nhàn tản, lần đầu thực mục sở thị một đoàn phim đang thực hiện phần quay ngoại cảnh, Nhuệ Giang cau mày thị phạm cho Hồng Ánh.

Nhuệ Giang giày thể thao đế bệt, từ tóc tai áo quần đến cả khuôn mặt xanh xao, thiếu điểm trang son phấn, không một chút gì gợi nhắc hình dung nghệ sỹ. 20 năm qua, đi trong điện ảnh, lặng lẽ nhưng đầy dấu ấn, tích tụ sinh lực của cả cuộc đời, Nhuệ Giang đang dồn góp những ngày ít ỏi, riết róng cho xong bộ phim mang nhan đề "Tâm hồn mẹ", một cách nén đau để "chầm chậm tới mình", như tên một tập thơ của thi sĩ Trúc Thông.

1. Nhuệ Giang ngồi xổm bên mẹt hoa quả mà nhân vật Hồng Ánh vào vai phải đảm đương cái vụn vặt bán mua để làm kế mưu sinh qua ngày, ngay trên vỉa hè khu phố cổ vốn luôn ồn ào, tấp nập chợ búa. Hồng Ánh khác hẳn vẻ xinh tươi trong những cuộc tụ hội thời thượng, đúng dáng dấp thiếu phụ lam lũ nhọc nhắn và chưa thôi nhẹ dạ.

Con bé tên Linh, học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Hoàn Kiếm, khuôn mặt lanh lợi, già trước tuổi, cứ bám lấy mẹ Ánh mà vật vã sợ sệt trước đám lưu manh được thuê mướn, đang chực chờ nhảy sổ vào nạt nộ mảnh gia đình đơn thân, nheo nhóc. Như thường lệ, Nguyễn Thanh Vân cầm máy, chăm chút từng bức ảnh, không chỉ lưu lại những tư liệu đẹp về bộ phim cho sau này, mà còn nheo mắt chỉ dẫn, bày vẽ động tác, giúp các diễn viên hoàn hảo hơn trong mỗi khuôn hình.

Trong phòng khách nhỏ ấm cúng của Thanh Vân - Nhuệ Giang ở gác 2, số 5 ngõ Phan Chu Trinh, luôn treo bức hình tuyệt đẹp khổ lớn, đặc tả khuôn mặt tột cùng tủi phận, trĩu nặng nỗi cam chịu bẽ bàng của Mai Hoa và Hồng Ánh, giữa chập chờn đồi cát miền Trung gắt gao nóng rát, trong bộ phim nổi tiếng nhất của cả ê kíp, cho đến thời điểm này: "Đời cát".

Đạo diễn Nhuệ Giang.

Sau "Đời cát" làm phó đạo diễn cho chồng, Nhuệ Giang tung hoành cùng "Thung lũng hoang vắng". Trái ngược với vẻ bề ngoài nhạt nhòa, ẩn khuất, đầy mô phạm, Nhuệ Giang đã dàn dựng những cảnh phim ngùn ngụt khát vọng yêu, khát vọng dâng hiến, hoang dã cái đam mê đàn bà muôn thuở. Giang đã phải "đấu lý" rất nhiều, phải kiên định lắm lắm mới giữ được những shot hình bỏng giẫy yêu đương, căng tràn sức sống.

Bẵng đi một quãng dài xấp xỉ 9 năm, chị đi học, hết trong lại đến ngoài nước, trau chuốt tiếng Anh, tiếng Pháp, rồi thư giãn với những dự án phim truyền hình dài tập. Giang làm cả phim "hot" "Lập trình cho trái tim", làm "Hậu họa" giành "Cánh diều vàng", dạy học, và cạy cục xin kinh phí trang trải cho bộ phim truyện nhựa tiếp theo.

Mấy năm liền, đeo đuổi "Không có Eva", nhưng sửa lên sửa xuống mãi mà kịch bản của nhà văn Nguyễn Quang Lập vẫn không qua khỏi cửa ải hội đồng duyệt, Nhuệ Giang đành quay về, tự viết "Tâm hồn mẹ" theo ý mình.

Truyện ngắn thuở xa xưa của Nguyễn Huy Thiệp, ít người nhắc nhớ, ít người bận tâm, nhưng ngay lần đầu chạm đến những con chữ ít ỏi, biết đến số phận hai đứa bé con, một mồ côi mẹ, một ít nhận được sự quan tâm săn sóc của gia đình, Nhuệ Giang đã đắng lòng, day dứt.

"Tâm hồn mẹ", cái bản năng tiềm ẩn trong mỗi người đàn bà, dù chỉ một người đàn bà bé con, là nỗi niềm mà chính Nhuệ Giang luôn đèo bòng, trông ngóng. Làm mẹ, tức luôn xuất hiện trong những thời khắc con mình cần đến nhất, luôn có phép mầu giúp những đứa con vượt qua sự sợ hãi, biết đốt lên que diêm để xua đi cái bóng tối ma trơi, lạnh lẽo, và khi cần, chấp nhận hy sinh. Nhuệ Giang dồn vào bộ phim, nguyên vẹn nỗi niềm mà chị đã bao năm săn đuổi, kiếm tìm và khôn nguôi hy vọng.

Phim Nhuệ Giang, đủ lệ bộ, bao giờ cũng phải có tên Thanh Vân và Hồng Ánh. Thanh Vân gánh chức phận Giám đốc sản xuất, thay mặt Hãng phim, điều hành tất tật những khâu hậu cần sự vụ, để đạo diễn vợ rảnh tay, toàn tâm sắp đặt.

Lần này, Nhuệ Giang còn chọn thêm Trương Minh Quốc Thái, một diễn viên điển trai đang được ưu ái trên màn ảnh phía Nam. Vượt qua những đắm đuối thuần nghệ thuật, cũng như một cách tự chối bỏ sự cố chấp bảo thủ trong phong cách của những đạo diễn chuyên hướng đến dòng phim tác giả, Nhuệ Giang đã tính đến những cái tên "ăn khách", để dễ bề cho người làm phát hành phim PR, bán vé, đưa phim đến với công chúng.

Tương tự nỗi ám ảnh không cách chi chối bỏ của định mệnh, Nhuệ Giang, ngay từ phim nhựa đầu tay, đã lạc vào đề tài con trẻ. "Bỏ trốn" đâu như năm 1996 và "Tâm hồn mẹ" năm 2010, đều rặt chuyện đám trẻ con cam phận vào đời sớm, một lũ trẻ buồn sớm và cũng nhiều đắng cay sớm hơn lứa tuổi.

Vợ chồng Nhuệ Giang dự đám cưới Hồng Ánh - Thanh Sơn.

2. Vào guồng quay của bộ phim, Nhuệ Giang như người tự đày ải, hành hạ thể xác mình. 5 giờ sáng có mặt ở nơi chọn làm bối cảnh, 6 giờ bắt đầu chớp lấy những hình ảnh đầu tiên để kịp thu được khoảnh khắc sương còn giăng mờ mờ trên nền trời một Hà Nội đang sửa soạn cho ngày mới, tối về qua quýt tắm rửa cơm nước, Nhuệ Giang lại ra khỏi nhà, tiếp tục tiền trạm, kiếm tìm thêm cảnh sắc khác.

Mỗi bước đi của Nhuệ Giang ngày tháng này, hầu như đều có sự hộ tống của chồng. Cùng con nhà nòi, cùng được sinh ra trong những gia đình điện ảnh lớn, nhưng nếu chỉ định giá cái vẻ bề ngoài, Nhuệ Giang ái nữ của đạo diễn Phạm Văn Khoa và Thanh Vân, thứ nam của đạo diễn Nguyễn Hải Ninh đều tương tự nhau, không hề mang dáng dấp nghệ sỹ.

Nhuệ Giang luôn ngần ngại giao tiếp với người lạ, ít nói khi lẫn vào đám đông và chẳng mấy khi bộc bạch, cởi mở lòng mình, dù chỉ cốt thu hút thêm sự chú ý cho tác phẩm điện ảnh mà chị đang nhọc công xây đắp. Hai vợ chồng, dường như tự tin nhất, thanh thản nhất khi ở riêng với nhau, trong căn phòng vấn vương màu cổ kính giữa trung tâm Hà Nội. Rảnh rang, Thanh Vân tụ bạ chơi bóng bàn với những người bạn ở sân 51 Trần Hưng Đạo, thì Nhuệ Giang lại tẩn mẩn đọc báo, xem sách, xếp sắp một vài thứ đồ vật nho nhỏ xinh xinh trong những mét vuông hạn hẹp không gian sống, để đợi chồng.

Vợ chồng họ, không ít khi bị đổ cho tiếng kiêu, bị xem như quá xa cách, lạc lõng giữa đời sống thực. Nhưng thực chất với họ, chỉ có điện ảnh và điện ảnh, chỉ có những bộ phim mà để thai nghén, chăm chút và cho ra đời, họ đã phải, đúng nghĩa đen, hy sinh những điều không thể lượng giá.

Sự hy sinh tột cùng cho điện ảnh, Nhuệ Giang, hơn ai hết, thấm thía và tảng lờ, chấp nhận. Đạo diễn Nhuệ Giang đang trải qua những ngày tháng đặc biệt nhất của cuộc đời mình. Chị đang sống trong những khoảnh khắc hy hữu, những khoảng khắc lỳ lạ, đắng lòng nhất, nhưng lại không hề muốn sẻ chia, tiết lộ với bất kỳ ai. Chị chỉ muốn, riêng mình mình trải nghiệm, chịu đựng.

Từng bước chị đi, như đang phải dồn nén cảm giác của nàng tiên cá, khi đã đánh đổi cái đuôi lấy đôi bàn chân người, nhón trên mặt đất trong nỗi thét gào của hàng triệu mũi kim châm. Bước đi của Giang, cứ như nghiêng nghiêng về một phía, ngay trong gian nhà ấm cúng, nơi ngã tư phố cổ chung chiêng giàu có âm lượng hay tại bãi bồi mát xanh màu cây cỏ, mênh mang sóng nước sông Hồng.

Chị đích thực vị tổng chỉ huy của một đạo quân đông đúc, một đoàn phim cả vài chục người đi theo phục vụ, và còn thu hút nhiều hơn nữa, sự chú ý từ xung quanh. Nhưng Nhuệ Giang, dường như ngay giữa đồng đội mình, vẫn lặng câm kìm nén, ẩn giấu nỗi niềm sâu kín. Nhuệ Giang đang dồn hết tâm lực mình vào bộ phim, và trút vào đó, thẳm sâu tâm hồn đặc quánh của một Hà Nội còn đang khốn khó, tảo tần, một Hà Nội biết nhẫn nhịn, chịu đựng, chỉ cốt sao phát lộ ra được vẻ đẹp diệu kỳ, hấp dẫn nhất của riêng mình.

Niệm ước duy nhất của Phạm Nhuệ Giang thời khắc này, là hoàn thành các cảnh quay, lo chạy được tài trợ để làm hậu kỳ ở nơi có thiết bị tối tân hiện đại hơn hết và sớm, thật sớm để ra mắt phim, bộ phim mà vì nó, chị đã phải ngược đãi, hắt hủi chính mình.

Bạn bè thân thiết của Nhuệ Giang luôn rỉ tai nhau những câu chuyện để minh chứng cho sự hồn nhiên đến hiếm hoi của một người đàn bà dễ thương, quyết liệt, mà lại lành hiền nghệ sỹ như chị. Ví như, chị luôn quên lịch hẹn với bác sỹ, nếu chu kỳ ấy rơi đúng vào khoảng thời gian làm phim. Những cuộc hẹn, giả dụ được thực thi tuyệt đối, lẽ ra đã có thể đem về một kết cục khác. Nhưng Giang, cái bản năng nghệ sỹ quá mạnh, cái tư chất nghệ sỹ đã lấn lướt, trùm lấp cả cái vẻ bề ngoài đơn điệu, luôn thắng thế, định hướng cho mọi bước đi của chị.

Bản năng nghệ sỹ đã buộc chị, một kỹ sư xây dựng, bỏ công việc tính toán, chỉ dính dấp đến vôi vữa gạch đá, theo học đạo diễn điện ảnh, và thay vì cất lên những ngôi nhà cao, cao mãi, chị lại đắm đuối, chưng cất nên những hình tượng bao quanh số phận con người. "Tâm hồn mẹ" không chỉ là một tác phẩm điện ảnh thuần túy, mà trên hết, đấy chính là cuộc sống của Nhuệ Giang, sự sống của chị, tình yêu của chị, những hình ảnh, những ký ức mà chị muốn lưu giữ, lâu dài, và kể cả là vĩnh viễn.

Nhuệ Giang chưa hề muốn dừng bước. Chưa xong "Tâm hồn mẹ", chị đã có ý định xin tài trợ, để thực hiện bằng được "Không có Eva", cái kịch bản mà cũng vì nó, chị cũng lao tâm khổ tứ nhiều. Mong sao những dự định của Nhuệ Giang đều thành hiện thực, cho nỗi đớn đau cùng tận (nếu có) chỉ là cơn ác mộng, dẫu có kéo dài, cũng buộc phải biến mất tăm, khi bình minh lên, ngày mới lại về

Ngô Hương Sen - Bài đăng trên Chuyên đề An ninh thế giới cuối tháng số 112
.
.
.